Điểm hẹn cực Bắc giữa lòng Hà Nội

09:16, 15/10/2019

BHG - Với mong muốn đưa hình ảnh Hà Giang đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế; quảng bá Lễ hội Hoa Tam giác mạch năm 2019, từ ngày 11 – 13.10, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, tỉnh ta tổ chức “Không gian trưng bày văn hóa, du lịch và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc tỉnh Hà Giang tại Hà Nội”. Chương trình thu hút nhiều sự quan tâm của du khách và người dân Thủ đô.

Du khách tham quan khu trưng bày, triển lãm ảnh đất và người Hà Giang.
Du khách tham quan khu trưng bày, triển lãm ảnh đất và người Hà Giang.

Trong không khí mùa thu Hà Nội, không gian văn hóa, du lịch của tỉnh nổi bật với các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mang đậm văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa. Mỗi sản phẩm đều thể hiện nét đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, tiềm năng, thế mạnh của du lịch Hà Giang. Đặc biệt, các sản phẩm gắn liền với Tam giác mạch như: Vẻ đẹp của hoa Tam giác mạch, ẩm thực được chế biến từ cây, hạt, hoa Tam giác mạch. Bên cạnh đó là không gian mô hình giới thiệu các điếm du lịch tiêu biểu của tỉnh, bao gồm: Kiến tạo sa mạc đá Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, Núi Đôi Quản Bạ, Cổng trời Quản Bạ, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, mô hình nhà truyền thống... Những sản phẩm nông sản mang từng hơi thở của cuộc sống, do những bàn tay cần cù lao động của người dân vùng “phên dậu” cực Bắc làm nên với nhiều đặc sản: Gạo Già dui, chè Shan tuyết cổ thụ, mật ong Bạc hà, thịt hun khói, Hồng không hạt… Ông Nguyễn Đức Thái, du khách đến từ thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết: Các mặt hàng được trưng bày, bán ở đây rất phong phú, tôi đã lựa chọn mua nhiều sản phẩm đề dùng hàng ngày và làm quà tặng người thân.

Nghệ nhân dân gian múa khèn Mông ở Vườn hoa Lý Thái Tổ.
Nghệ nhân dân gian múa khèn Mông ở Vườn hoa Lý Thái Tổ.

Những ngày trưng bày ở Hà Nội, không gian văn hóa của tỉnh đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Qua tìm hiểu, đông đảo người dân Thủ đô đều rất thích những sản phẩm Hà Giang, đặc biệt là gạo, dược liệu và ẩm thực… Đến tham quan và mua sản phẩm, cô Nguyễn Hồng Thục, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ: Các mặt hàng nông sản Hà Giang chất lượng rất tốt, vì thế, tôi đã chọn mua gạo Già dui, nấm hương và một số thực phẩm khác. Qua đây, cô Thục cũng mong muốn Hà Giang có thêm nhiều sản phẩm mang thương hiệu của địa phương với quy trình sản xuất tiên tiến được bán trên thị trường Hà Nội… Cầm trên tay 10 kg gạo Già Dui mua ở gian hàng huyện Xín Mần, bác Dư Tiến Dũng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Sản phẩm có đóng gói an toàn, chỉ dẫn địa lý rõ ràng, có mã số, mã vạch nên rất yên tâm. Tôi thấy gạo Già dui hạt mẩy, tròn, thơm, nếu hợp khẩu vị thì sẽ liên hệ mua số lượng nhiều hơn.

Ngoài các gian hàng bán sản phẩm địa phương, còn có gian hàng ẩm thực với món thắng cố nổi tiếng luôn thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức. Bên cạnh đó, du khách còn tìm thấy một Hà Giang thu nhỏ qua không gian trưng bày, triển lãm ảnh; với hơn 100 bức ảnh mô tả cuộc sống, vẻ đẹp của đất và người Hà Giang được trưng bày tại khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ và phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Các bức ảnh khắc họa rõ nét vẻ đẹp các danh lam thắng cảnh bậc nhất của tỉnh như: Cao nguyên đá Đồng Văn, Ruộng bậc thang, hoa Tam giác mạch… thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô. Cô Trịnh Thị Kim Hà, quận Ba Đình cho biết: Những bức ảnh ở đây như một Hà Giang thu nhỏ, từng cảnh vật, thiên nhiên đến con người đều rất đẹp, hùng vĩ và thân thiện. Cô Hà cũng bày tỏ sẽ sắp xếp công việc để đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp Hà Giang trong thời gian tới.

Nhắc đến Hà Giang là nói đến những cung đường uốn lượn trên các sườn núi, phủ đầy sương mù, với tầng tầng lớp lớp mỏm đá tai mèo ở Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Trong tiết trời se lạnh của mùa Thu, vẻ đẹp miên man của hoa Tam giác mạch - loài hoa mọc ra từ những hốc đá, từ lâu đã gắn bó với cuộc sống bình dị của người dân và trở thành một đặc sản không thể thiếu tạo nên thương hiệu của vùng núi đá Hà Giang càng có sức lay động lòng người. Cùng với mong muốn quảng bá, chào đón du khách, tỉnh đã chính thức khai trương Tổng đài hỗ trợ 19001046. Với tính tiện ích, du khách chỉ cần liên hệ và sẽ được giải đáp hỗ trợ 24/24h về tất cả các thông tin, lộ trình, thời gian, địa điểm diễn ra Lễ hội Hoa Tam giác mạch năm 2019. Ngoài ra, du khách cũng có thể truy cập vào địa chỉ facebook.com/checkinhagiangofficial và Website: checkinhagiang.com.vn để được cung cấp các thông tin chi tiết.

Song song với các hoạt động trưng bày là chương trình văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Những điệu múa duyên dáng của đồng bào dân tộc Nùng, tái hiện Lễ Cúng rừng, lễ hội Gầu tào, biểu diễn trang phục của 19 dân tộc trong tỉnh; hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố như múa khèn Mông, múa gậy đồng xu do các nghệ nhân dân gian biểu diễn đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng du khách. Chị Ngọc Diệp, quận Hoàn Kiếm cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp được thưởng thức múa khèn Mông, các nghệ nhân thực sự tài năng, thể hiện các điệu múa cực kỳ điêu luyện và xuất sắc.

“Không gian trưng bày văn hóa, du lịch và các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc tỉnh Hà Giang tại Hà Nội năm 2019” được tổ chức trong thời gian ngắn, nhưng đã khắc họa đậm nét vẻ đẹp văn hóa truyền thống và con người nơi địa đầu Tổ quốc. Một không gian thân thiện, mến khách giữa lòng Thủ đô, như một thông điệp, mời gọi, chào đón du khách đến với Hà Giang.

Ghi chép của Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bồng bềnh mùa vàng trên dải Tây Côn Lĩnh

BHG - Từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, trên dải Tây Côn Lĩnh thuộc địa bàn thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên là thời điểm các thửa ruộng bậc thang chín vàng. Những thửa ruộng bậc thang như một kiệt tác của sức lao động của đồng bào các dân tộc, tạo điểm nhấn đặc biệt để hút khách du lịch. Từ trung tâm thành phố Hà Giang, du khách chỉ mất chừng 30 - 40 phút đi xe máy hoặc ô tô là đã có thể đặt chân đến các thôn vùng cao các xã Phương Thiện...

30/09/2019
Cô giáo Nhữ Thị Yến miệt mài "gieo chữ" nơi biên giới

BHG - Yêu nghề, mến trò; gần 10 năm đứng trên bục giảng nơi vùng cao biên giới, cô Nhữ Thị Yến, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nàn Xỉn (Nàn Xỉn - Xín Mần) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... 

 

30/09/2019
Nặm Nịch bình yên ở dải biên cương

BHG - Thôn Nặm Nịch cách trung tâm xã Thanh Đức (Vị Xuyên) 12 km, mảnh đất yên bình nằm ẩn mình dưới đỉnh 1509 là chốn mưu sinh của 53 nóc nhà đồng bào dân tộc Dao áo dài, những người nông dân chân chất kiên gan bám đất biên giới từng ngày. Đường vào Nặm Nịch hoàn toàn đất đỏ, vượt qua chiếc cầu treo rải ván đung đưa dẫn vào thôn là hơn 11 km đường dốc đất. Thôn Nặm Nịch 100% người dân tộc Dao, sinh sống lâu đời trên mảnh đất này. 

14/10/2019
Độc đáo tục mừng lúa mới của tộc người Nùng và Bố Y

BHG - Hàng năm, vào cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 âm lịch, khi những sóng lúa trên các thửa ruộng bậc thang vào độ chín vàng, đồng bào dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì lại nô nức chuẩn bị đón Tết "kin khẩu mấu" (Lễ mừng lúa mới). Đây là nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Nùng, vừa chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.

 

13/10/2019