Mùa gieo ước mơ
BHG - Một năm có bốn mùa, mỗi mùa đều có những dấu hiệu riêng và đặc trưng nhất đối với mỗi người. Với những người làm nghề giáo như chúng tôi, mùa Thu lại là mùa đầy yêu thương; nó được mở ra bởi tiếng trống khai trường rộn rã, đầy thúc giục về mùa đi ước mơ, ươm mầm trong từng con chữ. Và tôi cứ nhớ về cái mùa gieo hạt, ươm mầm đầu tiên trên miền cao nguyên đá này! Ngôi trường tôi gieo những con chữ đầu tiên đó là Trường PTCS Pải Lủng (Mèo Vạc). Mới đó mà đã 16 năm! Nhưng cảm xúc đó vẫn vẹn nguyên trong tôi suốt những mùa “gieo chữ”. Phải chăng đó là cái cảm xúc khi ước mơ ấp ủ bấy lâu nay đã trở thành hiện thực, hay bởi chính những ánh mắt của các em học sinh nơi đây rất trong trẻo, hồn nhiên nhưng thẳm sâu trong đó là nghị lực và khát vọng vươn lên những nhọc nhằn của cuộc sống trên đá để đến được với cái chữ.
Tiết học của cô, trò Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sủng Trà (Mèo Vạc). |
Hành trình từ nhà tới trường của các em phải vượt qua những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, có em phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ mới tới được trường học. Trước đó hơn nửa tháng, tôi cùng đồng nghiệp phải băng đèo, vượt núi để đến nhà vận động học sinh đến lớp. Lúc đó tôi mới thấu hiểu cuộc sống của người dân nơi đây cũng như những nhọc nhằn trên hành trình đến với con chữ của các em. Với địa hình núi đá, dốc, khí hậu lạnh và ít mưa nên người dân chủ yếu trồng ngô làm lương thực chính (mà chỉ trồng được có 1 vụ) và một số loại hoa màu khác nên đời sống còn nhiều khó khăn. Nhiều gia đình thiếu đất canh tác lại đông con, neo người làm nên có em mới hơn 10 tuổi đã là lao động chính. Ấy vậy mà các em vẫn phải chịu cảnh bữa đói, bữa no. Vì thế, hành trình vượt núi, băng đèo, vượt lên cái đói, cái nghèo để đến trường của các em quả là một nghị lực thật phi thường. Đó cũng chính là điều khiến tôi và các đồng nghiệp luôn trăn trở là làm thế nào để cuộc sống của các em bớt khổ, các em đến lớp nhiều hơn! Câu hỏi đó cứ xoáy sâu trong tâm trí chúng tôi khi lớp học vẫn còn những chỗ trống. Lòng tôi trĩu nặng một nỗi buồn xen nỗi nhớ quê, nhớ mảnh đất Thành Nam nơi tôi sinh ra và lớn lên bên những người thân yêu. Tôi chợt nhớ tới lời cha tôi, một người nông dân quanh năm gắn bó với rộng đồng, gắn bó với những mùa đi gieo hạt. Với cha tôi, mỗi mùa gieo hạt, ông muốn gửi gắm vào đất những hạt mầm tốt nhất, chờ cây lớn lên, sinh nhiều hoa trái. Cha tôi từng nói: “Phàm đã là nông dân, đều hiểu tính nết của mỗi chân ruộng, mỗi loại hạt và có cách gieo trồng, chăm sóc khác nhau”. Cha tôi thường bảo, cha yêu cây cối, yêu rau và gửi tin yêu vào đất ấm, để cầu mong bội thu. Cha cũng ví mấy chị em chúng tôi như những hạt giống, cha gieo trên nền đất cuộc đời. Mỗi đứa đều được cha mẹ chăm sóc, dạy dỗ bằng tình yêu thương. Và chúng tôi lớn lên, mang màu xanh cho cha, cho cuộc đời. Chúng tôi đơm hoa kết trái bằng những nụ cười, sự tin yêu, niềm hạnh phúc, đồng thời trổ ra những tán lá nhân nghĩa. Mỗi lần chúng tôi đạt được sự thành công, phương trưởng; cha mẹ lấy làm mừng, nhủ lòng: “Mình thành công vì đã gieo những hạt tin yêu”. Vậy là tôi đã hiểu mình cần phải làm gì với các em học sinh nơi đây. Vì thế, trong ngày khai giảng đầu tiên của nghề giáo, lòng tôi xốn sang những cảm xúc thật khó tả khi đứng trước các em - “những hạt giống” đầu tiên tôi sẽ gieo! Tôi đã thầm hứa trước các em và với chính lòng mình sẽ cần mẫn học cách “gieo mầm” như cha tôi đã gieo với tất cả sự tin yêu, niềm ước mơ và hi vọng...
Trong những ngày này, tiếng trống khai trường đã điểm, trên khắp đất nước ta, các em lại bước vào năm học mới. Đó cũng đồng nghĩa với việc các thầy, cô giáo bắt đầu bước vào một vụ mùa mới; mùa “gieo chữ”. Và tất nhiên điều mà các thầy, cô giáo mong muốn nhất là sẽ có được mùa màng tốt tươi. Riêng đối với các thầy, cô giáo trên miền Cao nguyên đá Hà Giang, chúng tôi càng hiểu rằng, công việc “gieo chữ” cũng giống như đồng bào ta gieo trồng những hạt giống nhọc nhằn trên đá. Vậy mà hạt giống vẫn nảy mầm, cây xanh, vẫn đơm hoa, kết trái thì tôi lại càng nhủ với lòng mình “hãy cứ gieo và gieo… rồi sẽ có lúc mùa gặt đến”!...
Bài, ảnh: Lê Tho (Trường PTDTBT THCS Sủng Trà)
Ý kiến bạn đọc