Hồn quê qua từng chiếc bánh dân gian
BHG - Ẩm thực dân gian dù qua nhiều thăng trầm, có lúc chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập của các món ăn ngoại, nhưng vẫn được người dân giữ gìn và phát huy, nhất là nghề làm bánh gia truyền, dân dã mang đậm hương vị quê hương.
Bánh truyền thống của người Tày được lớp trẻ lưu giữ. |
Là một trong những người luôn dành nhiều tâm huyết làm các loại bánh dân gian, đặc biệt là bánh trưng gù, bánh chuối, bánh tẻ, bánh gai, bánh lá cải… với mong muốn giữ gìn truyền thống của dân tộc; chị Nguyễn Thị Nhuần, sinh năm 1993, thôn bản Lúp, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) không chỉ góp phần gìn giữ, mà còn giới thiệu ẩm thực đậm chất dân gian đến với nhiều thực khách.
Từ trung tâm thành phố Hà Giang đi về phía Tây khoảng 5 km là đến xã Phương Độ. Chúng tôi ghé nhà chị Nguyễn Thị Nhuần, người trẻ tuổi nhất ở địa phương còn gắn bó với nghề làm bánh dân gian của người Tày. Mặc cho cái nắng ngoài trời gay gắt, trong gian bếp căn nhà sàn, một bếp than củi đỏ lửa có sức nóng gấp đôi ngoài trời đã được chị chuẩn bị cho việc đồ bánh. Vừa nhanh tay nhào bột nặn để gói những chiếc bánh cho kịp bán chợ sáng, chị Nhuần nói: “Cứ vào dịp cuối tuần, tôi lại làm đủ 5 loại bánh truyền thống của dân tộc Tày để bán. Trong đó, loại bánh đặc biệt nhất của người Tày là bánh lá cải, người Tày còn gọi là “Pẻng Mooc”. Bình thường, loại bánh này chỉ làm vào tháng 11 âm lịch để ăn mừng sau vụ lúa Hè - thu thắng lợi. Nguyên liệu để làm bánh là lá cải, gồm: Bột gạo nếp, thịt nạc hoặc cá, thêm chút nước măng chua vàng thơm đã được chưng cất, ủ lâu năm và lá rong trong vườn, nên mùi vị rất thơm ngon.
Học được cách làm bánh từ bà ngoại và mẹ truyền lại; năm 14 tuổi, chị Nhuần đã cùng mẹ làm bánh đem ra chợ phiên bán. Chị Nhuần chia sẻ: “Làm bánh vừa có thu nhập, vừa gìn giữ được truyền thống ông bà truyền lại. Dù ngày nay, nghề làm bánh dân gian có máy móc hỗ trợ… nhưng để làm ra những chiếc bánh phải trải qua nhiều công đoạn, mất cả ngày mới có được mẻ bánh ngon. Cũng vì vậy, hiện rất nhiều người trong bản không biết làm bánh truyền thống.
Để làm ra chiếc bánh lá cải thơm ngon, người thợ phải tính toán để các loại nguyên liệu có số lượng phù hợp. Rau cải dùng làm bánh phải được lựa chọn kỹ lưỡng, để không bị mất mùi vị đặc trưng, giữ được mùi thơm lâu; phải là loại cải cay, không non quá, không già quá, lá to hơn bàn tay đem rửa sạch rồi phơi nắng khoảng giờ đồng hồ. Gạo nếp vò sạch, để ráo nước, đem xay mịn sau đó trộn đều với nước măng chua. Công đoạn này rất quan trọng để làm ra một mẻ bánh có hương vị đặc trưng và thơm ngon, ta cho theo tỉ lệ 5 kg gạo nếp thì 50 ml nước măng chua. Bánh có 2 loại nhân, nhân thịt và nhân cá. Thịt băm và cá Bỗng cắt khúc được trộn với các loại gia vị mắm, muối, mì chính, và cho thêm chút nước măng chua.
Gói bánh cũng rất đơn giản, lá rong được lau khô, cho lớp rau cải rồi một lớp bột bánh dàn đều lá, cho nhân vào giữa, rồi lại cho một lớp bột thêm chiếc lá cải, gói lại đều 4 cạnh thành chiếc bánh vuông vắn, bắt mắt. Khi gói xong, bánh được xếp từng lớp ngay ngắn vào nồi hấp, điều chỉnh lửa vừa phải để bánh chín đều. Bánh phải ăn nóng mới cảm nhận được vị ngầy ngậy, đậm đà của nước măng chua, gạo, lá cải, thịt cá hòa quyện vào nhau, người ăn không có cảm giác ngán dầu mỡ. Với giá cả bình dân, những chiếc bánh dân gian truyền thống được làm từ đôi bàn tay khéo léo của chị Nhuần được nhiều người ưa chuộng. Chị Nhuần cho biết: “Hồi xưa các loại bánh chỉ bán được với giá 3.000 đồng/một cặp, đến nay cũng được 5.000 đồng/cặp. Làm bánh dân gian truyền thống không khó, nếu ai chịu khởi nghiệp với nghề này, chỉ cần bỏ ra ít vốn mua nguyên liệu thì cũng có thể sống được với nghề”.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Dịu
Ý kiến bạn đọc