Gìn giữ văn hóa dân tộc Mông trên Cao nguyên đá
BHG - Là huyện vùng cao của tỉnh, với 17 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, phần lớn là đồng bào dân tộc Mông. Trước thực trạng bản sắc văn hóa truyền thống như: Kiến trúc nhà ở, trang phục, lễ hội, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán có nguy cơ bị mai một; huyện Đồng Văn đã thực hiện hiệu quả Đề án số 09 của BTV Tỉnh ủy về việc bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông giai đoạn 2017 – 2020. Qua đó, góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc Mông trên Cao nguyên đá; làm nên một Hà Giang đa sắc màu và ngày càng phát triển toàn diện.
Tái hiện nghề dệt lanh truyền thống trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Đồng Văn năm 2019. |
Đề án số 09 của BTV Tỉnh ủy được huyện Đồng Văn chỉ đạo triển khai thực hiện một cách cụ thể, sáng tạo tại địa phương. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo tồn nét văn hóa truyền thống như: Tuyên truyền về kiến trúc, trang phục, làng nghề, các phong tục, tập quán, tín ngưỡng và các loại hình nghệ thuật. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức tuyên truyền qua loa phát thanh được 39 buổi; tại các chợ và thôn, bản được 75 buổi; thu hút trên 30.000 lượt người nghe, xem. Việc tu sửa, tôn tạo các công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc như: Quần thể kiến trúc nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, khôi phục các làng nghề truyền thống đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, đồng thời tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của huyện; tạo sức hút cho du khách đến với Cao nguyên đá. Đặc biệt, với mục tiêu “Lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần để phát triển du lịch và lấy du lịch để bảo tồn văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nguồn động lực, thu hút khách du lịch để tăng nguồn thu nhập và nâng cao đời sống cho nhân dân”; huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn 10 làng văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trong đó, có một số làng văn hóa tiêu biểu như: Làng Văn hóa thôn Lũng Cẩm trên, thôn Lao Xa, xã Sủng Là; thôn Thành Ma Tủng, xã Sà Phìn; thôn Há Súng, xã Lũng Táo; thôn Phố Trồ, Chúng Pả A, xã Phố Cáo. Ngoài đẩy mạnh phát triển du lịch, chính quyền địa phương còn tập trung bảo tồn các làng nghề truyền thống như: Rèn, đúc, đan lát, thêu dệt, chạm bạc để nâng cao thu nhập cho người dân.
Những tín ngưỡng truyền thống có giá trị tinh thần cũng được đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân như: Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, lễ đặt tên, lễ trưởng thành đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc. Đồng thời, huyện còn đẩy tuyên truyền cho người dân không theo đạo trái pháp luật, không mê tín dị đoan, không tổ chức cúng ma khi có người ốm; đưa người chết vào áo quan, không tổ chức làm ma kéo dài ngày, giết mổ nhiều gia súc gây tốn kém cũng được chú trọng. Đến nay, nhận thức của người dân đã nâng lên rõ rệt, trên địa bàn không còn xảy ra hôn nhân cận huyết thống; nạn tảo hôn giảm dần. Với chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức người miền xuôi công tác tại địa phương học chữ viết và tiếng nói của đồng bào Mông; trong 2 năm 2017 và 2018, các phòng chuyên môn của huyện đã tổ chức mở được nhiều lớp dạy tiếng Mông tại các xã Phố Cáo, Lũng Thầu, Phố Bảng, Lũng Cú với tổng số 553 học viên là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn huyện tham gia… Tại các trường học, văn hóa truyền thống được tổ chức truyền dạy thường xuyên đã nâng cao nhận thức cho học sinh về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình; qua đó, lưu giữ những nét đẹp văn hóa cho thế hệ tương lai. Một số hoạt động văn hóa truyền thống và các hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian được tổ chức hàng năm đã tạo sân chơi lành mạnh cho nhân dân các dân tộc trong huyện được giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết, góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc như: Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Gầu Tào,...
Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: “Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiệu quả những nội dung mà Đề án 09 của BTV Tỉnh ủy đã đề ra. Trong đó, tập trung làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hoá của các dân tộc; Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại 10 thôn trọng điểm; khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống… Đề án đã giúp huyện định hình lại những việc cần làm trong bảo tồn văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn và là tiền đề để xây dựng những kế hoạch bảo tồn văn hóa các dân tộc khác hiệu quả hơn”.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú và sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc khác trên địa bàn huyện Đồng Văn đã đạt được những kết quả tích cực. Từ đây, góp phần đẩy nhanh việc xây dựng Hà Giang thành tỉnh đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc, là tiền đề để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; từng bước đưa tỉnh ta phát triển bền vững, toàn diện, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc