"Bám đá" ươm mầm xanh tương lai
BHG - Pà Vầy Sủ (Xín Mần) là địa danh mà bất kỳ ai đã một lần đến sẽ không thể quên. Mảnh đất xa xôi và khắc nghiệt này là nơi đồng bào Mông sống kiên cường bám đá giữ biên cương; nơi mà các thầy, cô giáo “treo” mình trên đá để gieo con chữ cho những mầm xanh tương lai. Để đến được xã Pà Vầy Sủ, phải vượt 18 km đường ngoằn ngoèo bám theo những chân núi đá dựng đứng, và để đến được với điểm trường Seo Lử Thận phải mất thêm 8 km đường dốc, đất đá lổn nhổn. Nói về những giáo viên trên đỉnh Pà Vầy Sủ, cô giáo Vương Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pà Vầy Sủ chỉ gói gọn trong một câu: “Không có lòng yêu nghề và sự kiên cường thì không thể làm giáo viên ở mảnh đất này”.
Cô giáo Mai Thị Tuyết trong giờ lên lớp. |
Một trong những thầy, cô giáo đến và làm việc ở Pà Vầy Sủ mang trong mình một tình yêu nghề như cô giáo Mai Thị Tuyết (quê Xuân Trường, Nam Định). Người đã có thâm niên 15 năm “bám đá” gieo chữ giữa điểm cao quanh năm mây mù. Cô Tuyết không chỉ là một giáo viên yêu nghề, hết lòng với học sinh và bà con dân bản; mà cô còn đang là người “truyền lửa” nghề cho các thế hệ giáo viên đến sau noi theo. Năm 2005, điểm trường Khâu Xỉn được mở với 7 học sinh mầm non, cô giáo Mai Thị Tuyết khi đó từ miền xuôi lên đứng lớp ở đây; nơi mà cô chưa từng tiếp xúc với đồng bào dân tộc Mông. Hồi ấy, khi được phân công về huyện vùng cao Xín Mần, chính bố chồng cô - một thầy giáo kỳ cựu của tỉnh Sơn La đã phải thốt lên rằng “Nó ở vùng người Tày bao lâu mà không biết câu tiếng Tày nào thì làm sao làm giáo viên ở nơi toàn người Mông như thế?”. Vậy mà, từ thời điểm ấy tới nay, cô giáo Tuyết đã gắn bó với mảnh đất này hơn 10 năm; từ điểm trường đầu tiên là Khâu Xỉn tới điểm Xi Cà Lá rồi đến nay là Seo Lử Thận.
Giờ đây cứ mỗi khi chuẩn bị bắt đầu vào năm học mới, Trưởng thôn Vàng Văn Hầu lại lặn lội xuống UBND xã để gặp lãnh đạo xã và Hiệu trưởng nhà trường truyền đạt lại ý nguyện của bà con thôn Seo Lử Thận để giữ cô giáo Tuyết ở lại chăm lo dạy dỗ cho con em của mình. Có được sự tin yêu của người dân như vậy, cô giáo Tuyết đã phải trải qua nhiều gian khổ và mất mát: Lên công tác vùng cao chưa được bao lâu thì chồng qua đời, để lại đứa con gái nhỏ ốm yếu. Nhờ sự yêu thương, động viên của bố mẹ chồng và các đồng nghiệp giúp chị chữa chạy cho con gái và đủ nghị lực gắn bó với các em nhỏ nơi vùng cao biên giới này. Với thâm niên và cống hiến của mình, cô hoàn toàn đủ điều kiện được chuyển về trường chính công tác để phần nào đỡ vất vả; nhưng trước những tình cảm mà bà con nơi bản nghèo dành cho cô để có thêm nghị lực và tình yêu con trẻ và bám trụ cùng điểm trường. Giờ đây, điểm trường Seo Lử Thận đã được xây dựng khang trang, có điện thắp sáng; nhưng hồi tưởng lại những ngày tháng đã qua, cô Tuyết không thể quên ngôi nhà trình tường chật hẹp, tối tăm nằm kẹp trong hẻm núi đá treo leo.
Năm tháng qua đi, ở Seo Lử Thận, nhiều thế hệ học trò lớn lên cùng tuổi thanh xuân của cô giáo Tuyết. Dù chỉ là cô giáo Mầm non, nhưng không ít học trò lớn lên, trưởng thành rồi được dựng vợ, gả chồng vẫn nhớ về cô giáo Tuyết dạy. Ngày khai giảng năm học 2014, cô Tuyết nhận được một bức thư tay từ anh Lù Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Pà Vầy Sủ. Tự nhủ trong lòng, thời nay còn ai viết thư tay gửi mình? Nhưng khi đọc được một nửa bức thư, cô đã khóc. Người viết thư là Giàng Seo Lìn một học sinh cũ của cô tại điểm trường Khâu Xỉn. Lìn viết thư để cảm ơn cô đã mua sữa và nấu cháo bón cho đứa con trai 4 tuổi vì bỏ bữa sáng đói quá và ngất đi… Trong thư Lìn viết “Nếu không có cô thì khai giảng năm nay, em chỉ biết nhìn con người ta đến lớp” rồi mắt cô nhòa lệ vì những lời cảm ơn chân thành của một học sinh cũ giờ đây đã là một người đàn ông Mông kiên cường. Tiếp xúc với những đồng nghiệp và người quen biết cô, tôi được họ kể lại những câu chuyện về sự tận tâm với nghề của cô. Cũng chính Giàng Seo Lìn cho tôi biết chuyện cô bị tảng đá từ vách núi dựng đứng bay qua trước mặt khiến cô ngất sau khi trở về từ chuyến công tác ngoài huyện và chuyện cô giáo viên miền núi không biết đi xe máy. Là người công tác ở vùng cao, gặp nhiều giáo viên miền núi; ngoài sự khâm phục về lòng tận tâm với nghề của các cô giáo thì điều khiến tôi phải kính nể ở các cô giáo vùng cao chính là khả năng đi xe máy trên những con đường đèo; và cô Tuyết có lẽ là một trong những cô giáo vùng cao đầu tiên tôi gặp, không biết đi xe máy. Quãng đường từ Seo Lử Thận xuống trung tâm xã mỗi lần có việc, cô phải đi bộ mất 2 tiếng đồng hồ mới tới; gặp ngừi dân bản có xe máy, cô được đi nhờ mỗi khi xuống trường chính; Trưởng thôn Giàng Seo Hầu lúc nào cũng sẵn sàng đón cô từ bất kể nơi đâu.
Anh Hầu tâm sự: Cô giáo đến dạy ở thôn này thì nhiều rồi, nhưng không phải ai cũng rửa chân tay dính bùn, buộc tóc, bắt chấy cho con em họ; không phải ai cũng học tiếng Mông để dỗ dành con em mình lúc nó khóc đòi về… Giao các con cho cô Tuyết, cả bản này ai cũng an tâm để đi làm. Còn câu “Qúy lắm, người ở lại Pà Vầy Sủ ấy” là câu nói mà anh Thèn Văn Tính, Bí thư Đảng ủy xã luôn dành cho cô giáo Mai Thị Tuyết.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ban đầu đến mảnh đất này nhận công tác, mình cũng thấy khắc khổ quá; nhưng dần rồi quen, rồi thấy gắn bó lắm em ạ. Còn được bà con yêu quý, thì mình vẫn ở lại với các cháu nhỏ Seo Lử Thận thôi” - cô giáo Mai Thị Tuyết tâm sự, khi tôi hỏi về dự định sau này.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc