Trắng đêm ở vùng lũ
BHG - Gần 7 năm gắn bó với nghề báo ở một tỉnh miền núi biên giới của Tổ quốc. Dù tuổi đời lẫn tuổi nghề chưa nhiều, nhưng nghề báo là niềm tự hào trong tôi với biết bao kỷ niềm vui buồn; những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để thấy mình trưởng thành hơn. Với tôi, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm đặc biệt và lần đầu tiên tham gia tác nghiệp ở vùng lũ xã Bản Rịa (Quang Bình) là ký ức không thể quên.
Phóng viên Mộc Lan (áo kẻ) về vùng lũ xã Bản Rịa, huyện Quang Bình. Ảnh: Nguyễn Ngân |
Còn nhớ, khoảng 10 giờ sáng ngày 22.10.2018, khi vừa trở về nhà sau buổi giao ban cơ quan; tôi nhận được cuộc điện thoại của đồng chí Lê Tiến Cường, Bí thư Đảng ủy xã Bản Rịa thông tin vội: “Em ơi, xã anh bị lũ ống bất ngờ ập xuống, cuốn trôi mất người, nhà cửa và tài sản của nhân dân”. Tôi cùng phóng viên phụ trách địa bàn lập tức báo cáo lãnh đạo phòng, chuẩn bị đồ nghề rồi lên đường đến vùng lũ. Hôm đó, bất chấp cơn mưa nặng hạt, để đến hiện trường thật nhanh và đưa thông tin kịp thời; chúng tôi quyết định di chuyển bằng xe máy xuống huyện. Vốn dĩ, thường ngày con đường từ trung tâm huyện vào xã Bản Rịa đã khó khăn, vất vả; hôm đó, xe cộ không thể di chuyển được do bị sạt lở nghiêm trọng ngay từ phía ngoài. Không còn cách nào khác, chúng tôi “vừa đi bộ, vừa chạy” khoảng 4 cây số, vượt qua hàng chục điểm sạt lở lớn, nhỏ; đất, đá, bùn ngập ngang đầu gối, quên cả những vết trầy xước trên đôi chân và sau hơn 1 tiếng mới tiếp cận được vùng lũ.
Là những phóng viên đầu tiên có mặt tại vùng rốn lũ thuộc thôn Bản Thín. Một cảnh tang thương bao trùm lên xóm nghèo, con mất cha, vợ mất chồng; những ngôi nhà nay còn trơ lại sỏi, đá…, đâu đó, người dân cố tìm kiếm những gì còn sót lại trong đống đổ nát. Cố gắng trấn tĩnh, chúng tôi ghi vội những bức ảnh ban đầu để xử lý tin trước. Quá trình tác nghiệp tại ùng lũ đã gian nan và nguy hiểm; việc truyền thông tin và hình ảnh cũng gặp không ít trở ngại bởi điện bị cắt, xã thuộc vùng sâu, vùng xa nên sóng 3G, 4G rất chập chờn. Trong tình thế vừa vội lại lo, chúng tôi nghĩ ra cách sử dụng điện thoại kết nối ảnh, viết tin rồi chuyển về tòa soạn bằng mạng xã hội zalo, facebook; gửi tin xong, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Sau bữa cơm vội tại nhà dân, chúng tôi và các đồng chí cán bộ xã nhanh chóng quay trở lại một số hộ dân thuộc thôn Bản Thín có nhà bị lũ cuốn trôi và sạt lở nặng. Lúc này, tầm 21 giờ tối và mưa vẫn chưa ngớt; trong hoàn cảnh khốn khó nhất, tôi cảm nhận rõ sự đùm bọc của cán bộ, người dân địa phương. Không ai bảo ai, họ cùng nhau xúm tay lại giúp đỡ bà con dọn dẹp nhà cửa, sẻ chia từng gói mì, bát gạo. Cứ thế, Bản Thín gần như trắng đêm không ngủ và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Dù đã thấm mệt, tay chân rã rời, nhưng công việc chưa hoàn thành, chúng tôi tiếp tục thực hiện bài viết “Chung tay cùng Bản Rịa khắc phục hậu quả sau lũ” để gửi ngay về cơ quan ngay sáng hôm sau. Tôi nhớ, viết xong bài thì trời đã sáng, chúng tôi lại tiếp tục hành trình bám bản, bám làng về với người dân.
Đến giờ, nghĩ lại tôi không hiểu sao lúc đó mình lại khỏe thế. Trong những ngày lăn xả để thực hiện loạt tin, bài ở vùng lũ, chúng tôi thầm cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ, giáo viên và người dân nơi đây. Tết Nguyên đán năm 2019, tôi có dịp về thăm vùng lũ, bà con kể cho tôi nghe về nơi định cư mới và cách mà họ vực dậy vươn lên trong cuộc sống... Những điều ý nghĩa đó, là động lực để những người làm báo trẻ như tôi càng thêm giữ lửa với tình yêu nghề và thông qua ngòi bút chân thực của mình để gửi đến độc giả những tin tức thời sự nóng hổi, bài viết hay, ấn tượng.
MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc