Thư ký Tòa soạn "Người gác cửa" của tờ báo
BHG - Trong một cơ quan báo chí, mỗi bộ phận, mỗi người như một mắt xích trong một cỗ máy để truyền nối, liên kết với nhau vận hành cùng nhịp, cùng hướng để xuất bản được một tờ báo hoặc đăng tải một tác phẩm báo chí trên trang báo điện tử. Như vậy, bộ phận nào cũng quan trọng, mỗi một người đều giữ một vị trí quan trọng.
Các Biên tập viên chuẩn bị tin, bài cho số báo mới. Ảnh: Lê Lâm |
Sản phẩm báo chí mang đậm sản phẩm trí tuệ của tập thể sáng tạo. Một tác phẩm báo chí đến được với công chúng - bạn đọc, phải qua rất nhiều khâu phối hợp như: Phóng viên sau khi viết xong bản thảo chuyển lên Trưởng hoặc phó Phòng phóng viên trách nhiệm biên tập lại bản thảo lần đầu, đánh giá nội dung tác phẩm, gạt bỏ những câu, từ thừa, sửa lại những câu từ diễn đạt lủng củng, sai chính tả… rồi bổ sung những gì mà người viết chưa chuẩn, chưa hay, chưa đủ... vào bản thảo. Bản thảo đó lại được chuyển lên Phòng biên tập (Phòng Thư ký – xuất bản) để các Biên tập viên tiếp tục “gọt giũa” lần nữa, xem có còn gì phải tu sửa không như: Lỗi chính tả, từ ngữ, số liệu, địa danh, danh từ riêng vv… và căn cứ vào nội dung tuyên truyền, số chữ trong tác phẩm (tin, bài) để chuyển sang cán bộ maket (vi tính chế bản) dàn trang báo. Trưởng phòng Thư ký - xuất bản căn cứ vào kế hoạch nội dung xuất bản từng số báo mà chỉ đạo hoạ sỹ ma két trình bày tin, bài, ảnh cho phù hợp với nội dung và cơ cấu các chuyên mục. Bản thảo bài báo được dùng đầy đủ hay có thể bị cắt bớt nhiều hay ít lại còn tùy thuộc vào tính quan trọng của nội dung hoặc diện tích trang báo. Trước khi bài báo được đưa nhà in, khâu cuối cùng là lãnh đạo Ban biên tập duyệt. Như vậy phòng Thư ký-xuất bản ở cơ quan báo chí đóng vai trò rất quan trọng mà người chịu trách nhiệm chính là Thư ký Toà soạn.
Tôi đã được đi thăm hàng chục cơ quan báo chí cả Trung ương lẫn địa phương, trong nước và nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc. Trao đổi về công tác nghiệp vụ làm báo, đặc biệt là Phòng (Ban) Thư ký - xuất bản, cơ quan báo chí nào cũng nhận thức rõ vai trò quan trọng của Phòng Thư ký – xuất bản và đặc biệt là vai trò của Thư ký Toà soạn. Vì vậy lãnh đạo cơ quan báo chí thường bố trí cán bộ Phòng Thư ký- xuất bản (Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) là những người giàu kinh nghiệm làm báo, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ khá giỏi, đặc biệt là người có phẩm chất: tính trung thực, sự cần cù, tỉ mỉ, thận trọng và kỷ luật...
Hiện nay trong hệ thống báo chí nước ta vẫn chưa có quy định cụ thể mang tính thống nhất về bộ máy tổ chức cho cơ quan báo chí. Ví dụ như ở tờ báo bộ, ngành Trung ương thì cơ quan báo chí cần bao nhiêu người, bao nhiêu bộ phận và tên gọi? Ở cơ quan báo chí địa phương (Báo Đảng địa phương, Đài PT-TH địa phương; Tạp chí Văn nghệ địa phương) cũng vậy, các cơ quan báo chí này đều do chính quyền địa phương quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự? Điều đó đã dẫn đến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn về nhân lực thực hiện nhiệm vụ. Do dó việc bố trí bộ máy tổ chức, cán bộ, tên gọi trong các cơ quan báo chí ở địa phương hiện nay mỗi tỉnh làm theo một cách. Có tỉnh biên chế cơ quan báo chí 25, 35 người, có tỉnh trên 40, 50 người, có tỉnh, thành phố gần 100 người... Tên gọi các bộ phận trong bộ máy cơ quan Báo chí cấp tỉnh, có tỉnh gọi cấp phòng là ban (Ban Thư ký- xuất bản, Ban Bạn đọc, Ban kinh tế, Ban văn - xã); có tỉnh gọi là phòng (phòng Thư ký –xuất bản, Phòng Bạn đọc, phòng Kinh tế)... Quy tụ lại thì Trưởng ban Thư ký hay Trưởng phòng Thư ký – xuất bản của một cơ quan báo chí là rất quan trọng. Trưởng phòng Thư ký chính là người tham mưu đắc lực cho Ban biên tập để xây dựng kế hoạch xuất bản báo hàng tháng, tuần, ngày; tập hợp bài viết các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng để tổ chức, sắp xếp, biên tập lại lần cuối tin, bài, ảnh của phóng viên, cộng tác viên. Thư ký Toà soạn là người tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền của Ban biên tập, chỉ đạo các biên tập viên, Họa sỹ trình bày, biên tập nội dung tác phẩm, sửa lỗi chính tả, câu chữ, số liệu, tên người, địa danh... cho đúng. Một vấn đề quan trọng nữa là còn giúp Ban biên tập cơ quan loại bỏ những thông tin không có lợi cho công tác tuyên truyền, những thông tin trùng lặp, thông tin tầm thường...
Một tờ báo ra đến với bạn đọc, được bạn đọc trân trọng ngợi khen hoặc chê bai, thậm chí bực mình, thì vai trò chịu áp lực hàng đầu là ở Thư ký Tòa soạn. Nếu Thư ký Tòa soạn thiếu năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu phẩm chất chính trị, trách nhiệm không cao, để mặc cho biên tập viên xử lý tin, bài... mà không kiểm tra kiểm soát chặt chẽ... thì có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Mặc dù khâu duyệt tin bài cuối cùng vẫn là Ban biên tập. Nhưng trong Ban biên tập, đồng chí được giao phụ trách từng số báo cũng không thể đọc xuể một khối lượng khoảng 4 - 5 vạn từ đối với báo 4 trang và 8-9 vạn từ báo 8 trang/số ra hàng ngày. Như vậy Thư ký Tòa soạn có thể gọi là người “gác cửa” trung thành rất quan trọng của cơ quan báo chí.
Một tờ báo không bị sai sót về tính chính trị, không bị lỗi về câu từ, chính tả, không sai về số liệu thông tin... trong bài viết là tờ báo giỏi. Phần thưởng ấy là tặng cho vai trò của các biên tập viên và Thư ký Toà soạn. Nhưng có tờ báo thỉnh thoảng lại có số bị lỗi, sai... phải đính chính với bạn đọc. Sẽ có nhiều nguyên nhân như đã nói ở phần trên. Có thể tờ báo lỗi do người viết mà biên tập viên không “sành” để phát hiện ra hoặc lỗi do nhân viên vi tính đánh máy nhầm chữ “tác” thành “tộ” hoặc biên tập viên trình độ năng lực chưa đáp ứng làm giảm hiệu quả của bài viết… Người cuối cùng “gác cổng” cho Ban biên tập là Thư ký Toà soạn lại không “ để ý” tới thì tờ báo làm sao tránh được sai sót... Một tờ báo mà thỉnh thoảng lại phải đính chính với bạn đọc thì không thể chấp nhận được trước hết đối với vai trò của Thư ký Toà soạn. Bất cứ một sự cẩu thả, đểnh đoảng, thiếu trách nhiệm, kém chuyên môn của một biên tập viên đều bị trả giá trên ấn phẩm báo chí. Có không ít cơ quan báo chí đã bị cấp có thẩm quyền nhắc nhở vì những “lỗi” như vậy hoặc đình chỉ số xuất bản . Cá biệt có số báo phải in lại vừa tốn kém kinh phí lại giảm uy tín tờ báo...
Qua thự tế nhiều năm làm báo, tôi nhận thấy làm việc ở Phòng Thư ký - xuất bản không ai muốn vào. Nhiều phóng viên được Ban biên tập điều động lên Thư ký xuất bản cứ giãy nảy lên. Có người nghe tin sắp phải lên Thư ký - xuất bản liền đến gặp lãnh đạo xin rút. Ấy là ở chỗ làm biên tập viên suốt ngày, tháng phải “ôm bốn chân bàn”, chai lỳ mông quần ra, khen thì thấy ít nhưng bị “trách thì nhiều”. Người biên tập chỉ có bạn với bốn bức tường và hàng vạn những con chữ trên bản thảo các loại, mà đâu phải phóng viên, cộng tác viên nào viết cũng “ngon”, ít phải sửa. Trước đây khi internet chưa phát triển, phóng viên chưa có máy tính, chưa biết đánh máy, có một số phóng viên viết tay, chữ quá xấu, nội dung sơ sài, còn sai số liệu, tên người, địa danh, chức danh... Ấy vậy mà vẫn đưa lên Phòng Thư ký – xuất bản, các biên tập viên lại phải “thi đấu” với những tin bài như thế đến hoa cả mắt. Có biên tập viên tâm sự: “Bọn em ăn chữ, uống chữ, ngủ cũng chữ, xung quanh toàn chữ”.
Làm báo là một nghề. Trong nghề lại có nhiều lĩnh vực theo sự phân công của tổ chức, âu cũng là nhiệm vụ. Dù có ai thích hoặc không thích công việc mà mình đang làm nhưng do tổ chức phân công thì không thể từ chối. Công việc của Thư ký Toà soạn hiện nay đối với các cơ quan báo chí đang có xu hướng tăng kỳ xuất bản đối với báo in là tương đối căng. Vì vậy các cơ quan báo chí cũng cần xem xét thực tế để có những cơ chế đãi ngộ đối với công việc của biên tập viên và Thư ký Toà soạn.
Nhà báo Đặng Quang Vượng (Nguyên Phó tổng Biên tập Báo Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc