Quản Bạ tăng cường quảng bá sản phẩm địa phương gắn với phát triển du lịch
BHG - Là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Quản Bạ quan tâm xây dựng và quảng bá sản phẩm địa phương kết hợp với phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân với nhiều cách làm mới, hiệu quả, sáng tạo.
Khách nước ngoài ghé thăm điểm bán hàng tại Trung tâm Thông tin huyện Quản Bạ. |
Nằm ở cửa ngõ Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Quản Bạ có nhiều danh lam, thắng cảnh như: Điểm du lịch Thạch Sơn Thần; Cổng trời, Núi đôi, hang Lùng Khúy... Có nhiều lễ hội độc đáo như: Lễ hội bắt cá dân tộc Dao ở xã Quản Bạ; Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông tại xã Tùng Vài; Lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Mông, xã Cao Mã Pờ; Lễ hội cúng Thần Rừng tại xã Đông Hà; Lễ hội Miếu Làng Đán, xã Quyết Tiến. Nhờ vậy, đã thu hút được hàng chục nghìn lượt du khách thập phương đến tham quan mỗi năm. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, lượng khách đến huyện là 42.958 người, trong đó có 4.483 lượt khách nước ngoài; 38.475 khách trong nước, tăng 3.448 người so với cùng kỳ năm trước. Riêng khách nghỉ tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm là 2.536 lượt người; khách thăm động Lùng Khúy là 5.240 lượt người... Qua đó đã tạo lợi thế cho việc quáng bá và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương.
Với số lượng khách ngày càng tăng, huyện Quản Bạ đã triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch như: Đề án xây dựng Làng Văn hoá du lịch cộng đồng Nặm Đăm đạt tiêu chuẩn “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN”, giai đoạn 2018 - 2020. Đến nay đã có 19 hộ đủ điều kiện đón khách du lịch với lượng khách trung bình 15 lượt người/ngày. Bên cạnh đó, huyện có dự kiến xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Khố Mỷ tại xã Tùng Vài; xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Bố Y, thôn Nậm Lương tại xã Quyết Tiến; xây dựng homestay tại xã Lùng Tám nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, các điểm tham quan du lịch, người dân địa phương đã kết hợp bày bán các sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương để tăng thu nhập và góp phần quảng bá sản phẩm địa phương.
Tại một địa điểm thường xuyên có khách du lịch ghé thăm như Cổng trời, Trung tâm Thông tin huyện cũng bày bán các sản phẩm địa phương. Chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên bán hàng tại đây, chia sẻ: “Hàng ngày có rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm cửa hàng. Chúng tôi bán các sản phẩm của các HTX như: Hồng trà, Mật ong rừng, Mật ong Bạc hà, túi lanh, cao Atiso... Nhiều người rất thích thú với các sản phẩm đặc sản này bởi được sản xuất tại địa phương, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo về chất lượng, có khách hàng không chỉ mua về làm quà mà còn giới thiệu cho nhiều người khác đến mua”.
Huyện Quản Bạ cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm của địa phương để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, như hỗ trợ các HTX trên địa bàn chuẩn hóa, thiết kế nhãn mác, mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để tiến tới hoàn thiện các sản phẩm đặc sản lợi thế của địa phương. Huyện tập trung vào 29 sản phẩm thế mạnh chính, gồm: Mật ong rừng, cao Atiso, sản phẩm lanh, trà gừng, tinh dầu… dần trở thành những mặt hàng bán chạy tại các điểm bán hàng.
Thực hiện quảng bá sản phẩm địa phương, huyện Quản Bạ đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX tập trung đưa các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP trưng bày tại cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện, đảm bảo các sản phẩm khi được trưng bày phải đầy đủ nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.
Từ những hoạt động trên đã góp phần đưa công tác du lịch trên địa bàn huyện Quản Bạ đi vào nề nếp, từng bước làm đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch và gắn kết tour tuyến, kết hợp khai thác các thế mạnh nông sản và phong trào khởi nghiệp, từng bước nâng doanh thu từ du lịch trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc