Đèo Gió - cung đường mây giữa đại ngàn
BHG - Chưa vượt đèo Gió chưa tới Xín Mần, chưa khám phá được hết những nét đẹp hoang sơ, văn hóa nguyên bản của mảnh đất gian nan phía Tây Hà Giang. Con đường uốn lượn xuyên mây đưa ta tới thị trấn Cốc Pài từ cửa ngõ phía Nam là một cung đường đèo ấn tượng với bất kỳ ai từng vượt qua. Khác với đèo Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam đã tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng du khách yêu mến mảnh đất Cao nguyên đá; đèo Gió là cung đường có độ cao tương đương với Mã Pì Lèng, không kém phần hùng vĩ bởi độ cao và khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ của những cánh rừng nguyên sinh hai bên đường. Đèo Gió như một bức thành, có khí hậu khá tương đồng với cổng trời Quản Bạ nhưng được nâng lên với độ cao và mây mù thường xuyên hơn. Trong các chuyến đi cơ sở, tôi không thể nhớ đã vượt đèo Gió bao nhiêu lần, chỉ biết dù đi qua lúc buổi sáng, hay giữa trưa, nắng thiêu đốt từng tấc đất khô cằn thì vẫn phải bật đèn pha, căng mắt xuyên màn sương mịt mù và khí hậu mát lạnh của cung đường đại ngàn này. Nói đèo Gió là cung đường giữa đại ngàn và mù sương quả không sai, với diện tích rừng nguyên sinh 1.279 ha, quần thể sinh vật đa dạng từ các loại rêu kí sinh trên những thân cây, từ vầu, nứa, tới những cây sến, lim hàng trăm năm tuổi được bà con dân tộc Nùng sinh sống ở địa phận xã Nấm Dẩn (Xín Mần) thờ cúng như một báu vật thiên nhiên ban tặng.
Thác Tiên thuộc địa phận đèo Gió trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. |
Mỗi lần đi qua đèo Gió là một lần cho ta những trải nghiệm mới mẻ, từ cảm giác rờn rợn của người đơn độc đi giữa mênh mông núi đồi, tới cảm giác háo hức vượt những vòng cua tay áo trong mù mịt sương cũng không kém phần thách thức. Nhưng với quần thể thực vật đa dạng của mình, đèo Gió còn cho ta một cảm giác háo hức khó tả khi được đi xuyên qua đại ngàn hùng vĩ với những tán cây rộng mênh mông và tiếng suối róc rách lẫn từng cơn gió của một đỉnh cao như đỉnh chóp của bức tường thành ngăn cách Xín Mần với các địa phương khác.
Đèo Gió - thác Tiên - bãi đá cổ Nấm Dẩn là những danh thắng đã tạo dấu ấn trong lòng du khách khi đến mảnh đất miền Tây Xín Mần. Cung đường uốn lượn dưới sương mù, dòng thác đôi gắn với huyền thoại về cô gái Nùng xinh đẹp và mối tình với con trai thần rừng là điểm nhấn để thu hút du khách đến với mảnh đất còn nhiều nét hoang sơ, mộc mạc này. Trong các cuộc trò chuyện với bạn bè làm hướng dẫn viên du lịch, tôi vẫn hay nghe họ kể chuyện những vị khách phương Tây đến khám phá Xín Mần, dù không biết chính xác cái tên thơ mộng thác Tiên nhưng với mong muốn được chiêm ngưỡng và trải nghiệm vẻ đẹp của 2 dòng nước từ độ cao 70 m đổ xuống, họ vẫn dùng các ngữ điệu cử chỉ để tả về một địa danh với 2 dòng nước trắng xóa, đòi hướng dẫn viên bản địa đưa tới bằng được. Trung bình mỗi năm thác Tiên - đèo Gió đón hơn 2.000 lượt du khách. Vào mùa Hè, lượng khách đến thác Tiên đông hơn, tận hưởng khí hậu trong lành, hòa mình vào tiếng thác từ đỉnh cao đổ xuống là dịp để du khách tận hưởng cuộc sống và thanh lọc những mệt mỏi hàng ngày.
Với địa thế và độ cao cùng khí hậu ẩm ướt quanh năm, vùng núi khu vực đèo Gió giờ đây là vựa Thảo quả lớn của Xín Mần. Tính riêng địa phận xã Nấm Dẩn, diện tích Thảo quả đã lên tới 835 ha và đang được bà con trồng thêm. Loại dược liệu quý này đang từng ngày đem tới sự thay đổi về kinh tế cho bà con nơi đây. Những vườn ươm giống sẽ giúp cho các nương Thảo quả nở rộ thêm và cho thêm những chùm quả đỏ lựng nơi núi cao mù sương này. Từ vựa Thảo quả, bà con nơi đây còn được hưởng thêm một món lợi khi cây ra hoa đó là mật ong hoa Thảo quả - sản phẩm đặc trưng của các vùng núi cao lạnh giá.
Đồng chí Cháng Văn Kinh, Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn cho biết, hiện tại xã có 657 hộ nuôi ong, vụ hoa Thảo quả từ tháng 1 đến tháng 4; các đàn ong được di chuyển tới gần khu vực nương Thảo quả để chúng hút mật hoa dược liệu này và cho ra loại mật đặc sản có công dụng chữa bệnh mà ít nơi có được. Hiện nay, xã Nấm Dẩn đã xây dựng thành công sản phẩm mật ong hoa Thảo quả với sự hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa, từng bước tạo thương hiệu sản phẩm xuất xứ từ những cây Thảo quả dưới tán rừng nguyên sinh đèo Gió.
Bài, ảnh: TRỌNG TOAN
Ý kiến bạn đọc