Báo chí thời 4.0 và trách nhiệm công dân của nhà báo
BHG - Tính đến giữa năm 2018, cả nước có 857 cơ quan báo, tạp chí in. Trong đó, có 86 cơ quan báo in T.Ư, 107 cơ quan địa phương; tạp chí in có 350 đơn vị T.Ư, 134 đơn vị địa phương; báo điện tử và tạp chí điện tử có 159 đơn vị; có 67 Đài PT-TH T.Ư và địa phương. Số trang thông tin điện tử tổng hợp được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép đến hết tháng 6.2018 là 1.510; 228 mạng xã hội trong nước được cấp phép; trên 19 nghìn nhà báo được cấp thẻ. Nhưng, con số trên chưa thấm vào đâu so với lực lượng hùng hậu, hơn 60 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như facebook, zalo… trên cả nước hiện nay. Mỗi mạng xã hội là một “tờ báo”, mỗi người dùng là một “nhà báo công dân”, họ có mặt mọi lúc, mọi nơi, tạo ra dòng chảy thông tin rất lớn, được cập nhật theo từng giây với tất cả các vấn đề của đời sống xã hội. Sự xuất hiện của mạng xã hội với những “nhà báo công dân” vô hình chung đã tạo môi trường để các nhà báo chuyên nghiệp, các cơ quan báo chí chính thống khẳng định vai trò, uy tín bởi sự trung thực, khách quan, công bằng trong dòng chảy thông tin.
Các thế hệ nhà báo Báo Hà Giang trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: VIỆT THẮNG |
Các nhà nghiên cứu báo chí đã chỉ rõ: Thế kỷ XIX được coi là thời kỳ hoàng kim, độc tôn của báo in; thế kỷ XX là giai đoạn bùng nổ của báo chí khi xuất hiện 2 “tân binh” là phát thanh và truyền hình; thế kỷ XXI với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị có khả năng hoạt động trên nền tảng internet dẫn đến bùng nổ của loại hình báo điện tử và các phương tiện truyền thông trực tuyến. Báo điện tử ra đời, đã vẽ lại bản đồ báo chí truyền thông hiện đại bởi tiện ích, tích hợp được cả 3 yếu tố xem, nghe, đọc của 3 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình.
Mạng xã hội phát triển trên nền tảng internet; với tốc độ tăng trưởng cao, facebook là trang mạng xã hội có lượng người dùng cao nhất, có ảnh hưởng nhiều nhất đến người dân trong hiện tại và tương lai. Có thời điểm, nhiều người đặt câu hỏi hoài nghi, liệu mạng xã hội có lấn lướt báo chí truyền thống, rồi báo chí truyền thống có cạnh tranh được với dòng chảy thông tin trên mạng xã hội… Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, mỗi lĩnh vực có một lãnh địa riêng và chuyện chung sống, hợp tác giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội không còn là điều mới; không cạnh tranh đến mức hủy diệt, báo chí truyền thống và mạng xã hội đã trở thành đồng minh. Sử dụng fanpage để chia sẻ đường link các bài viết từ báo điện tử; sử dụng các ứng dụng chia sẻ tin tức trên nền tảng mạng xã hội, chọn mạng xã hội là phương tiện truyền tải thông tin đến bạn đọc là cách mà các tờ báo đang làm. Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã cho phép sản xuất tin, bài trên nền tảng mạng xã hội độc lập, không gắn với đường link của các báo điện tử; điều này cho phép độc giả có khả năng truy cập nhanh hơn, thông tin tự chủ động tìm đến công chúng thông qua tính năng thông báo tin tức của các trang mạng xã hội. Sự “bắt tay” của báo chí và mạng xã hội đã tạo ra cú nhảy vọt lớn, làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền tải thông tin.
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đang thực hiện chiến lược khai thác mạng xã hội để thu hút độc giả, gia tăng lượng người truy cập, cũng như tương tác; những thông tin nóng sẽ được chia sẻ trên các trang mạng xã hội để thu hút sự chú ý, thăm dò sự quan tâm của người dùng, từ đó có những tuyến bài đánh trúng tâm lý của công chúng. Thực tế này đòi hỏi, các nhà báo phải biết dùng mạng xã hội để khai thác, thẩm định và truyền phát thông tin. Với sự ra đời của mạng xã hội, các “nhà báo công dân” xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành lực lượng đông đảo hơn tổng số nhà báo chuyên nghiệp. Thông qua mạng xã hội, họ chia sẻ những thông tin nóng mà báo chí chưa kịp thời đăng tải tới công chúng.
Tuy nhiên, trong dòng chảy thông tin thật, giả lẫn lộn trên mạng xã hội, trước những thông tin do “nhà báo công dân” đăng tải không cung cấp cho công chúng bản chất thực sự của vấn đề thì sự chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm của nhà báo là yếu tố khác biệt. Một nhà báo chuyên nghiệp với đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ báo chí, được đào tạo và luôn trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, trong quá trình hoạt động cần đề cao trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.
Làm được những điều này, mỗi nhà báo phải xác định rõ mình là một chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ, phông văn hóa, tạo cơ sở để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp. Trong thời đại công nghệ số, báo chí phát triển nhanh chóng thì không chỉ những người làm báo chuyên nghiệp mà cả những người thường xuyên viết báo với tư cách “nhà báo công dân” cũng phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, không xâm phạm đến lợi ích của đất nước, của cộng đồng.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp: Báo chí là công cụ của Đảng và Nhà nước nên cũng cần có sự đóng góp, hỗ trợ của Nhà nước cho báo chí. “Xoá bao cấp là xoá những cái cần xoá để có tiền bao cái cần bao”. Cho nên báo chí, xuất bản hay một số ngành nghệ thuật phải bao. Phải coi phóng viên là công chức truyền thông. Trên thế giới, những tác phẩm “xấu” đối với chúng ta thì được tài trợ đưa vào Việt Nam rất nhanh, còn ở Việt Nam rất nhiều tác phẩm hay nhưng tác giả nghèo nên không đưa ra được với công chúng. Chúng ta cần có quỹ xuất bản để tài trợ cho các tác phẩm tốt sớm đến với công chúng nhiều hơn… “Tôi mong, các nhà báo phát huy hết các lợi thế của mình, có trách nhiệm xã hội cao hơn; trong tác nghiệp luôn thấm nhuần 6 chữ: Trung thực, Khách quan, Hướng thiện” - nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp chia sẻ.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc