Đồng Văn nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chợ
BHG - Thực hiện chủ trương của tỉnh về tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ để thúc đẩy giao thương hàng hóa gắn với phát triển kinh tế biên mậu, du lịch; những năm qua, huyện Đồng Văn đã đề ra các giải pháp nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ phiên, chợ biên giới.
Chợ xã Sà Phìn (Đồng Văn) thu hút đông đảo người dân đến trao đổi hàng hóa. |
Trước đây, phần lớn các chợ phiên, chợ biên giới ở Đồng Văn hoạt động thiếu chuyên nghiệp, mất vệ sinh, công tác quản lý của chính quyền địa phương lỏng lẻo, chưa có sự quan tâm đúng mức. Từ đó dẫn tới tình trạng các gian hàng, hộ kinh doanh, người dân chưa chấp hành nội quy, quy chế; trong các phiên chợ, dễ dàng nhìn thấy tình trạng lều, bạt được người dân dựng tự do, chiếm lối ra, vào chợ; xe máy, ô tô dựng hai bên đường, dừng, đỗ tùy tiện, gây mất an toàn giao thông…
Nhận thức rõ vấn đề trên, thời gian qua, huyện Đồng Văn đã chỉ đạo đơn vị chức năng, như: Phòng Kinh tế - Hạ tầng hướng dẫn các xã, thị trấn có chợ kiện toàn, thành lập Ban Quản lý (BQL); ban hành nội quy mẫu trên cơ sở sửa đổi, bổ sung nội quy chợ cũ đã được phê duyệt để phù hợp với tình hình mới; xây dựng phương án nâng cấp, mở rộng, sắp xếp lại ngành hàng tại các chợ Phố Cáo, Lũng Phìn; chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn BQL chợ trung tâm huyện Đồng Văn sắp xếp lại một số điểm bán hàng nông sản, tạp hóa. Các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra định kỳ và đột xuất hoạt động kinh doanh, chất lượng các mặt hàng, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ phiên, chợ biên giới.
Đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Văn cho biết: Hiện, 9/19 xã, thị trấn của huyện có chợ; trong đó 3 chợ kiên cố, 6 chợ bán kiên cố. Những năm gần đây, các chợ được chỉnh trang, đầu tư xây dựng mới và kiện toàn lại công tác quản lý. Từ năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình 30a, nguồn cân đối ngân sách địa phương và doanh nghiệp, hộ kinh doanh đóng góp… huyện đã xây mới chợ xã Sà Phìn, tu sửa, nâng cấp chợ Phố Cáo, Sủng Trái, Sính Lủng với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng; các chợ trung tâm thị trấn Đồng Văn, chợ Sà Phìn, Phố Cáo, thị trấn Phố Bảng được sắp xếp lại các gian hàng, mặt hàng. Đặc biệt, tại chợ thị trấn Đồng Văn, Sà Phìn, Phố Cáo, Lũng Phìn được kiện toàn lại BQL, sắp xếp lại vị trí các mặt hàng, chợ gia súc, ổn định chỗ bán hàng cho các hộ kinh doanh cố định và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ; tăng cường công tác thu phí, lệ phí và thuế; các chợ này đã ký hợp đồng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ vững an ninh trật tự...
Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chợ còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ: Một số chợ như Lũng Phìn, Phố Cáo, mỗi phiên chợ có khoảng 450 - 500 hộ kinh doanh; số lượt người tham gia phiên chợ lên tới trên nghìn người dẫn tới quá tải, mặt bằng không đáp ứng được yêu cầu; nguồn kinh phí của huyện để đầu tư, nâng cấp, mở rộng và xây mới các chợ hạn hẹp trong khi nguồn thu phí tại các chợ thấp, không đáp ứng được việc tái đầu tư. Một số nội dung trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ chưa có hướng dẫn cụ thể của tỉnh… Từ những hạn chế trên, huyện mong muốn tỉnh cần ưu tiên bố trí nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới các chợ đã xuống cấp, quá tải; ban hành thêm cơ chế, chính sách để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia quản lý, khai thác chợ; sớm ban hành quy chế đấu thầu, lựa chọn nhà thầu quản lý, khai thác và kinh doanh chợ để huyện có căn cứ tổ chức thực hiện.
Với chuyển biến tích cực trong cách quản lý, cùng các giải pháp, huyện đã và đang triển khai, hy vọng trong thời gian tới hệ thống chợ ở Đồng Văn sẽ tiếp tục được đổi mới, thực sự là nơi để người dân địa phương và các vùng lân cận đến giao lưu, trao đổi hàng hóa.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc