Tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường
BHG - Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để học sinh (HS) rèn luyện đạo đức, lĩnh hội tri thức, phát triển toàn diện về đức – trí – thể - mỹ luôn là mục tiêu của mỗi cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) hiện đang là vấn đề đáng lo ngại đặt ra không chỉ với những người làm công tác giáo dục mà cả với các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Trước thực trạng đó, việc tăng cường các giải pháp phòng, chống BLHĐ, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện rất cần được đẩy mạnh.
Các hoạt động thể chất lành mạnh thu hút học sinh Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh tham gia. |
BLHĐ bao gồm: Bạo lực về thể chất, tâm lý, tình dục, bắt nạt… xảy ra ở trong hoặc ngoài lớp học, xung quanh trường học và cả trên môi trường internet. Tuy đây không phải là vấn đề mới, nhưng BLHĐ càng trở nên nhức nhối hơn khi thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ bạo lực ở nhiều địa phương trên cả nước; gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần HS, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, một HS bị bạo hành ngay trong lớp học trước thái độ thời ơ thậm chí thích thú của các bạn cùng lớp. Đáng nói, những clip ghi lại cảnh BLHĐ được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội, thu hút nhiều lượt truy cập, chia u
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh luôn được Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh đẩy mạnh. |
Nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống BLHĐ, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, thành lập các tổ nắm bắt, theo dõi thông tin chung về GD&ĐT và tình hình BLHĐ. Xây dựng hòm thư góp ý, đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin về BLHĐ. Ban hành hướng dẫn thực hiện kế hoạch theo từng năm học và yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống BLHĐ. Chỉ đạo các trường học trên địa bàn xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống nhằm tạo sự chuyển biến trong thái độ, hành vi chuẩn mực của HS, giáo viên, cán bộ trong trường học. Cùng đó, triển khai tích cực các đề án, chỉ thị, công văn của cấp trên về xây dựng trường học an toàn; phòng, chống BLGĐ. Phối hợp với các ban, ngành, tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn; phòng, chống BLHĐ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thường xuyên nắm bắt tình trạng BLHĐ thông qua các phương tiện thông tin, mạng xã hội để có những định hướng, chỉ đạo kịp thời.
Thực tế cho thấy, vai trò của nhà trường trong công tác phòng, chống BLHĐ rất quan trọng. Bà Đỗ Lệ Hằng Thi, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh, cho biết: Nhà trường hiện có 525 HS, nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, chúng tôi luôn làm tốt công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích và BLHĐ. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho HS, cán bộ, giáo viên về mối nguy hiểm và hậu quả của BLHĐ; trách nhiệm phát hiện, tố giác hành vi này. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống cho HS thông qua các buổi chào chờ, sinh hoạt chi đoàn, các câu lạc bộ. Tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh, hình thành môi trường để HS sáng tạo, giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội và phát triển nhân cách toàn diện…
Trong các nhà trường, vai trò của giáo viên chủ nhiệm cần phải được nâng cao và có sự quan tâm đúng mức. Đây là những người không chỉ trực tiếp quản lý về sĩ số, học tập mà còn về đạo đức, lối sống của HS. Do đó, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm phát huy vai trò giáo viên chủ nhiệm trong phòng, chống BLHĐ. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và xử lý các tình huống sư phạm. Đánh giá, rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp với chuyên môn, năng lực. Đẩy mạnh vai trò nêu gương người giáo viên chủ nhiệm trong định hướng, nhắc nhở, giáo dục HS về tinh thần đoàn kết và thay đổi những hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực… để giáo viên chủ nhiệm thực sự là cầu nối, người cố vấn, cùng HS giải quyết mọi vấn đề trong môi trường học đường.
Có thể khẳng định, trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống BLHĐ không chỉ thuộc về riêng ngành Giáo dục mà cần có sự tham gia của các cấp, ngành và toàn xã hội. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục với Công an, Lao động – TB&XH, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN… Mỗi gia đình cũng cần quan tâm, có phương pháp giáo dục đúng đắn nhằm phòng ngừa, can thiệp và cùng với nhà trường, xã hội đẩy lùi BLHĐ.
Bài, ảnh: LINH CẦM
Ý kiến bạn đọc