Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường
BHG - Sáng 17.4, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường (BLHĐ). Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT; đại diện một số sở, ban, ngành và trường học trên địa bàn.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. |
Trong thời gian qua, công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống BLHĐ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầy đủ đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trên toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học. Tuy nhiên, tình trạng BLHĐ vẫn xảy ra ở 1 số địa phương, cơ sở giáo dục. Đặc biệt, thời gian qua nổi cộm lên một số vụ việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập; sự bùng nổ CNTT, mạng xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm chưa hiệu quả…
Tại Hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT, lãnh đạo chính quyền các địa phương và các bộ, ban, ngành có liên quan đã đưa ra nhiều tham luận, ý kiến và kinh nghiệm thực tế nhằm khắc phục tình trạng BLHĐ. Trong đó, đưa ra nhiểu giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; tích hợp nội dung phòng, chống BLHĐ với chương trình và các hoạt động giáo dục; bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất nhà giáo; tổ chức ký cam kết phối hợp quản lý giữa gia đình với nhà trường trong giáo dục học sinh…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, để phòng, chống BLHĐ cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội; riêng ngành GD&ĐT phải chủ động tích cực và quan tâm đến các hoạt động phòng, chứ không phải chống. Sở GD&ĐT, cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan cần triển khai quyết liệt kế hoạch phòng, chống BLHĐ năm 2019; tăng cường công tác phổ biến các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống BLHĐ. Các cơ sở giáo dục cụ thể hóa các chỉ đạo bằng những chương trình hành động của nhà trường; trong đó, ban giám hiệu, cấp ủy, người đứng đầu chịu trách nhiệm về công tác này. Tăng cường kiểm tra, công bố công khai kết quả xử lý BLHĐ để xã hội giám sát...
Tin, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc