Độc đáo Lễ cúng Thần rừng, Thần núi đỏ của người Giấy xã Má Lé
BHG - Lễ cúng Thần rừng và Thần núi đỏ của người Giấy, xã Má Lé (Đồng Văn) có từ lâu đời và trở thành hoạt động thường niên. Theo người già trong làng kể lại, Thần rừng và Thần núi đỏ là hai anh em. Thần rừng cai quản toàn bộ khu rừng của làng Má Lé, thần ngự ở cây to nhất trong khu rừng để che chở cho dân làng không bị thú dữ quấy phá; đồng thời, cung cấp nguồn nước sạch cho dân làng. Còn Thần núi đỏ ngự ở đỉnh núi cao nhất vùng bên dòng suối Séo Hồ, nên khu vực này quanh năm có một màu đỏ (hiện nay khu vực này vẫn có màu đỏ như vậy). Thần núi đỏ cai quản đất đai, nương rẫy của dân làng; người dân thờ cúng sẽ có mùa màng bội thu, cây cối quanh năm xanh tốt. Việc tổ chức Lễ cúng Thần núi đỏ được thực hiện ở một địa điểm cùng với Lễ cúng Thần rừng. Theo lời thầy cúng, thì Thần núi đỏ là em của Thần rừng nên anh ở đâu thì em ở đó; vì vậy mới có việc tổ chức lễ cúng ở chung một địa điểm. Lễ cúng Thần rừng và Thần núi đỏ được tổ chức vào ngày mùng 2. 2 (âm lịch) hàng năm, nhưng cũng có thể tổ chức khác ngày này; do thầy cúng của làng xem ngày và quyết định.
Thực hiện nghi lễ cúng Thần rừng và Thần núi đỏ. |
Ngày lễ, già làng cử một thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn đi đón thầy cúng từ sáng sớm. Khi thầy cúng đến khu rừng thiêng, vàng hương và rượu đã được chuẩn bị sẵn; thầy cúng thắp hương và khấn mời Thần rừng và Thần núi đỏ về, sau đó hóa vàng. Lễ vật cúng Thần rừng và Thần núi đỏ của người Giấy, gồm: Đầu lợn, chân giò lợn và gà tất cả đều được luộc chín. Sau khi lễ vật được dâng, thầy cúng làm lễ và khấn những bài khấn cổ được ghi chép trong một cuốn sách. Sau khi khấn Thần rừng và Thần núi đỏ, thầy cúng lấy một số vàng và hương giao cho một thanh niên đem đến miếu thần Thổ địa để thắp hương. Sau khi kết thúc lễ cúng, thầy cúng và già làng cùng với một số vị chức sắc trong làng cùng ngả bàn để hưởng lễ. Cùng đó, toàn bộ người dân trong làng, tập trung tại trụ sở thôn tổ chức bữa cơm liên hoan mừng một năm mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.
Người Giấy ở xã Má Lé đặc biệt quan tâm đến Lễ cúng Thần rừng và Thần núi đỏ, qua nghi lễ này, diện tích rừng của Má Lé sẽ được người dân chăm sóc và bảo vệ tốt hơn; đặc biệt ở khu vực rừng thiêng, không ai dám chặt cây, kể cả cành củi khô cũng không ai dám nhặt. Đất đai của các hộ dân đang canh tác không bị bỏ hoang hóa, không có sự tranh chấp, hay lấn chiếm. Lễ cúng Thần rừng và Thần núi đỏ cùng với lễ ra đồng của người Giấy ở xã Má Lé đã, đang làm phong phú thêm nét đẹp trong bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Được biết, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Văn đang tiếp tục chỉ đạo khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phong phú này; nhằm góp phần thu hút du khách đến với Cao nguyên đá cũng như cùng chung tay xây dựng huyện Đồng Văn ngày một phát triển.
Bài, ảnh: Nguyễn Chinh (Văn phòng HĐND & UBND huyện Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc