"Địa chỉ đỏ" trên bản đồ du lịch
BHG - Với xu hướng nở rộ các loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá các giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai với nhiều hoạt động hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa cư dân bản địa và giàu giá trị nhân văn trở thành “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch của đông đảo du khách.
Cao nguyên đá Đồng văn là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai hội tụ đầy đủ nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Nét văn hóa ấy được thể hiện trong trang phục xúng xính đi chợ tình của những người phụ nữ Mông, Lô Lô, Nùng, Giáy; trong tiếng khèn Mông gọi bạn tình da diết, xốn xang; trong Lễ cầu mưa của đồng bào dân tộc Lô Lô; trong hội thi dệt vải lanh của người Mông, người Nùng; hay gần gũi hơn là nét ẩm thực vùng cao với bát mèn mén, chảo thắng cố nghi ngút khói, chén rượu ngô chếnh choáng men nồng; hay giá trị nhân văn về tình yêu trong sáng, thủy chung, son sắt của phiên chợ phong lưu đã 100 tuổi…
Toàn cảnh Chợ tình Khâu Vai. |
Để bảo tồn và phát triển văn hóa gắn với du lịch, từ năm 2013, Tỉnh ủy ban hành Chương trình “Phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013 - 2020” với mục tiêu: Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn, phát triển văn hóa. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” nhấn mạnh: “Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc…”. Thực tế, muốn phát triển du lịch bền vững, phải song hành với bảo tồn văn hóa. Và lễ hội chính là không gian bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng; nơi đông đảo du khách luôn muốn tìm về để khám phá, trải nghiệm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm nay được tổ chức quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, mang đậm văn hóa vùng cao. Ngoài phiên chợ chính diễn ra vào đêm 26.3 (âm lịch), để tìm hiểu nét văn hóa của phiên chợ phong lưu, du khách có thể tham gia giải đua thuyền và du thuyền tại lòng hồ Thủy điện Nho Quế I. Còn gì tuyệt vời hơn khi du khách được thả mình giữa lòng hồ thơ mộng, ngắm cảnh quan hùng vĩ của đèo Mã Pì Lèng đệ nhất hùng quan. Tham quan, trải nghiệm tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc), nơi gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên Cao nguyên đá; tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật gắn với trao giải ảnh đẹp về “đất và người Mèo Vạc”; giao lưu văn hóa, văn nghệ; thưởng thức văn hóa ẩm thực vùng cao tại các gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng của các địa phương trong tỉnh; tham gia hội thi chim Họa mi hót; đua lợn đen Lũng Pù, làm bánh dày; lễ cầu duyên; hát giao duyên và trình diễn trang phục dân tộc; dâng hương miếu Ông, miếu Bà và các trò chơi dân gian truyền thống như: Gánh nước qua cầu khỉ, bịt mắt tìm bạn, bắn nỏ, rót nước vào chai. Du khách cũng có thể trải nghiệm cưỡi ngựa về chợ tình; hóa thân thành người dân tộc địa phương; đi bộ mạo hiểm qua Vách đá trắng trên đỉnh Mã Pì Lèng và tham quan Mê cung đá. Đặc biệt, Chợ tình Khâu Vai năm nay trùng với dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5. Tỉnh tổ chức các hoạt động như: Giải Marathon quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh phúc”; giải đua xe địa hình huyện Yên Minh… hứa hẹn thu hút lượng lớn các vận động viên và du khách tham gia.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Chợ tình đã cơ bản hoàn tất. Các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn cam kết đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và niêm yết công khai giá phòng nghỉ, món ăn, số điện thoại đường dây nóng... từng bước xây dựng hình ảnh du lịch Hà Giang thân thiện, mến khách, chuyên nghiệp. Với sự chuẩn bị chu đáo, các hoạt động diễn ra theo chuỗi sự kiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch được tham gia trải nghiệm các hoạt động; Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm nay hứa hẹn mang đến sự hài lòng cho du khách thập phương.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc