Người giữ nghề dệt truyền thống tại xã Du Già
BHG - Từ sạp hàng bán các sản phẩm dệt thủ công đầy màu sắc tại chợ phiên xã Du Già (Yên Minh), chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Liên, thôn Làng Khác A để tìm hiểu về nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày nơi đây.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Liên (bên phải) giới thiệu sản phẩm thủ công đã hoàn thiện. |
Chúng tôi đến nhà, đúng lúc chị Liên đang dệt vải; những sợi tơ nhiều màu được đôi bàn tay khéo léo đan dệt thành những hoa văn rất tinh tế. Ngừng tay dệt, chị Liên kể về cơ duyên đến với nghề; ban đầu, bà nội và mẹ định truyền nghề lại cho các chị gái; nhưng khi chị được 12 tuổi, phát hiện con gái út có năng khiếu hơn, nên đã chọn chị làm người nối nghiệp. Trước đây, các dịp lễ hội, đám cưới, phụ nữ Tày đều mặc những bộ váy áo đẹp nhất đến dự, nên con gái người Tày thường được mẹ truyền dạy nghề dệt từ nhỏ; nhưng theo thời gian, nghề này mai một dần và giờ chỉ còn vài người biết. Khi quyết định khôi phục lại nghề dệt, chị phải nhờ chồng là anh Nguyễn Văn Bình phục dựng lại khung dệt theo 2 mẫu cũ đã bị hỏng. Sau thời gian cố gắng, 4 chiếc khung dệt mới đã được phục dựng để những đôi tay cẫn mẫn và khéo léo tiếp tục cho ra những sản phẩm khăn quàng, váy mang đậm màu sắc của núi rừng.
Chị Liên cho biết, dệt thổ cẩm mất nhiều thời gian và dễ gây mỏi mệt; nên chỉ dành cho những người có tính kiên nhẫn, khéo léo để các đường dệt đều tay, giữ cho hoa văn chính xác. Từ các sản phẩm khăn quàng, vỏ gối tới các sản phẩm cầu kỳ, như: Chiếc địu cho các em bé mới sinh, hay những bộ váy cô dâu dân tộc Tày đều được các chị làm kỹ lưỡng bằng cả tâm, sức của mình. Với mong muốn giữ gìn nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Tày; năm 2013, UBND xã Du Già đã thành lập nhóm sở thích dệt thổ cẩm truyền thống; đồng thời hỗ trợ các nghệ nhân trên địa bàn giúp họ yên tâm dệt ra những sản phẩm đẹp mang đậm bản sắc vùng miền và truyền nghề lại cho thế hệ kế tiếp. Từ khi thành lập, chỉ với 6 nghệ nhân tham gia; tới nay, số thành viên của nhóm đã tăng lên 12 người. Khách hàng của gia đình chị Liên và các thành viên trong nhóm là những người đến từ các xã của huyện Bắc Mê và Yên Minh; đa phần đều là phụ nữ và các cô gái chuẩn bị về nhà chồng. Để ngày trọng đại của mình thêm ý nghĩa, trước đám cưới, họ sẽ đến gặp chị đo và chọn màu vải để các nghệ nhân may cho chiếc áo cưới từ những tấm vải đầy màu sắc. Hiện nay, với sự đa dạng về mẫu mã và sản phẩm nghề dệt cũng đem đến nguồn thu nhập khá ổn định cho các thành viên trong nhóm. Một ngày, chị Liên có thể hoàn thiện được một sản phẩm từ các tấm vải với những họa tiết mang màu sắc riêng, giản dị nhưng cũng không kém phần đặc sắc của người Tày. Để nghề dệt của dân tộc được truyền lại mai sau, hiện, chị Liên và các nghệ nhân trong nhóm đang chọn lớp trẻ có tay nghề để dạy kỹ thuật cũng như tình yêu với nghề dệt cổ truyền.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc