Hiệu quả từ công tác xã hội hóa giáo dục ở Hoàng Su Phì
BHG - Xác định vai trò quan trọng của công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD), nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã chủ động, linh hoạt trong việc liên hệ, vận động các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm và phụ huynh học sinh tham gia. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, môi trường học tập; phát huy tinh thần đoàn kết, tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Chiến Phố trong giờ ngoại khóa. |
Chỉ riêng năm 2018, trên địa bàn huyện các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã đóng góp được 16 tỷ đồng, bao gồm: 4,3 tỷ đồng tiền mặt, 4,1 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất; số trang thiết bị phục vụ học tập trị giá 1,5 tỷ đồng; 5,1 tỷ đồng gồm các hỗ trợ khác...; phụ huynh học sinh đóng góp ngày công trị giá trên 925 triệu đồng. Các tổ chức đóng góp nhiều như: Nhóm thiện nguyện Ong chăm; Câu lạc bộ Bồ câu trắng; Nhóm từ thiện Chủ nhật yêu thương; Quỹ Trò nghèo vùng cao; Dự án Plan Hà Giang...
Chúng tôi có dịp tham dự Lễ Khánh thành nhà lưu trú học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Thàng Tín được Nhóm thiện nguyện Ong chăm (thành phố Hà Nội) tài trợ, xây dựng theo mô hình nhà sàn kiểu mới, cột và sàn đổ bê - tông cốt thép, mái lợp tôn lạnh, mỗi nhà sàn có diện tích 180 m2, với kinh phí đầu tư từ 500 - 600 triệu đồng/nhà. Thời gian qua, Nhóm thiện nguyện Ong chăm đã hỗ trợ xây dựng nhà sàn lưu trú xã Nậm Khòa 250 triệu đồng, Sán Sả Hồ 400 triệu đồng, Thèn Chu Phìn 400 triệu đồng và Thàng Tín 400 triệu đồng; số kinh phí còn lại do huyện, xã hỗ trợ, nhân dân đóng góp ngày công. Bên cạnh đó, Nhóm thiện nguyện Ong chăm đã trao tặng nhiều phần quà cho nhà trường và học sinh, gồm: Sách, vở, trang thiết bị dạy học, quần áo ấm mùa Đông, chăn đệm... Tổng kinh phí xây dựng các công trình và quà tặng gần 2 tỷ đồng, số tiền do các thành viên trong nhóm quyên góp và kêu gọi từ các nhà hảo tâm trên cả nước.
Được biết, từ năm học 2017 - 2018, Nhóm Ong chăm còn nhận đỡ đầu 39 học sinh mồ côi ở 20 trường học trên địa bàn huyện, trong đó có 2 học sinh con gia đình liệt sĩ, với mức hỗ trợ từ 150 - 300 nghìn đồng/tháng/học sinh. Bà Phan Vũ Diễm Hằng, đại diện Nhóm thiện nguyện Ong chăm chia sẻ: Từ tâm huyết của nhiều nhà hảo tâm trên mọi miền đất nước, nhóm luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Khi làm từ thiện ở huyện Hoàng Su Phì, Nhóm thiện nguyện Ong chăm luôn nhận được sự phối hợp, giúp đỡ từ các ngành, các cấp nên việc triển khai các hoạt động được tiến hành nhanh chóng, phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Hải Vịnh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hoàng Su Phì cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục. Vận động XHHGD bằng nhiều biện pháp sáng tạo; kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân; hỗ trợ cho công tác giáo dục và đào tạo dưới các hình thức như trao học bổng, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, tặng trang thiết bị phục vụ học tập, sinh hoạt.
Có thể nhận thấy, hoạt động XHHGD trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc từ xã hội, nhà trường và gia đình. Ngành giáo dục của huyện luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ từ các nhà hảo tâm để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, phục vụ hiệu quả quá trình học tập, sinh hoạt của học sinh.
Bài, ảnh: Đại Tâm
Ý kiến bạn đọc