Thành phố ngày Xuân
BHG - Khai mạc Hội Xuân hàng năm, là những tràng pháo hoa bung nở, khoe sắc, những tiếng pháo, những bông hoa rực lửa như xóa đi màn sương cùng gió lạnh nơi biên cương cực Bắc; Hội Xuân còn là một trong những hoạt động được tổ chức và kéo dài trong tháng Giêng. Tại thành phố Hà Giang, Hội Xuân diễn ra với nhiều hoạt động, trò chơi và lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc của người vùng cao.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phát những bông lúa tế lễ cho người dân tại Lễ hội Lồng Tồng xã Phương Độ. |
Mở màn cho Hội xuân năm nay là những hoạt động diễn ra tại Quảng trường 26.3, từ mùng 2 – mùng 4 tháng Giêng. Với các trò chơi như: Kéo co, đẩy gậy, chọi chim, đi cầu khỉ..., mỗi trò chơi đều mang đến người xem sự thích thú cùng những tiếng cười sảng khoái. Đặc biệt, sự kích thích, tò mò và trí thông minh qua trò chơi Cờ người. Cờ người là một trong những trò chơi dân gian có từ lâu đời, được phác họa từ Cờ tướng, với 36 quân cờ là 36 người mặc áo mang tên các quân và chịu sự điều khiển của người chơi. Riêng với Hà Giang, Cờ người được biến tấu và có sự khác biệt; thay vì 36 người chơi là 36 tấm biển đóng giả quân cờ; chỉ với 1 người đi cờ và người chơi. Trên bàn Cờ người, nhìn từ trên xuống như một trận đánh giữa quân xanh và đỏ; người chơi cờ như những vị tướng anh dũng, nhiều mưu mẹo tung ra những chiêu trò với nước đi thông minh, dứt khoát. Mỗi ván cờ được kéo dài trong 45 phút, với các danh thủ cờ đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố đã tạo nên sự gay cấn và kích thích trí tò mò của người xem.
Đông đảo du khách tham gia Lễ hội Xuân. |
Để các hoạt động diễn ra theo kế hoạch là sự góp mặt của các cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn hóa Thông tin và Du lịch thành phố. Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Để đảm bảo và thực hiện các kế hoạch hoạt động vui chơi, văn hóa – văn nghệ trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi; Trung tâm triển khai theo đúng kế hoạch của UBND thành phố, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công nhiệm vụ rõ ràng. Để kịp khai đúng kế hoạch, Trung tâm đã chuẩn bị trước đó 10 ngày với việc xây dựng sân khấu, kẻ vẽ, thiết kế các dụng cụ... Nhằm tạo không khí vui tươi, sôi động; năm nay có sự góp mặt của 8/8 xã, phường trên địa bàn; cùng với đó, trò chơi chọi chim đã thu hút các đội thi đến từ các huyện trong tỉnh.”
Rời những hoạt động tại Quảng trường, ta có thể hòa mình vào dòng người trong Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức tại thôn Tha, xã Phương Độ vào ngày mùng 5 Tết. Từ tờ mờ sáng, người dân các thôn đã nô nức kéo nhau về trung tâm hội; có những cụ bà tuổi ngoài 90, lưng đã còng nhưng vẫn chống gậy tham gia. Gần đến giờ diễn ra lễ hội, lượng người đổ về ngày một đông; cả một sân vận động rộng lớn, trong chốc lát đã chật kín người. Lễ hội năm nay diễn ra trong tiết trời khá mát mẻ cùng những tia nắng nhẹ, khiến các hoạt động diễn ra suôn sẻ. Sau những bài hát, điệu múa đậm đà bản sắc là bài cúng Thổ địa của thầy cúng cao tay. Được đón chờ nhất, chính là khoảng khắc thầy Mo (người tế lễ) phân phát những bông lúa; bà con, ai ai cũng háo hức muốn được nhận một bông mang về gieo xuống ruộng nhà mình để có một mùa vàng bội thu. Lễ hội còn được diễn ra với nhiều trò chơi, như: Ném còn, đẩy gậy, kéo co, thi khéo tay..., các hoạt động ngoài tính tâm linh, còn là sân chơi để người dân tranh sức, đua tài; thể hiện sự khéo léo, dẻo dai…
Hội Xuân còn thu hút sự chú ý và tạo cảm giác mới lạ cho những vị khách nước ngoài. Anh Mason, du khách đến từ Pháp, cho biết: “Lần đầu tiên tôi được ném còn, rất thú vị…, tôi được một cậu bé hướng dẫn cách chơi. Đầu tiên là quay tròn và xoay ngược kim đồng hồ, sau đó thả tay ra; nghe thật đơn giản, nhưng khi làm thì quá khó, bởi quả còn không bay lên cao mà lại quay ngược trở lại. Tại sân chơi, chúng tôi còn nghe thấy những tiếng hò hét, cổ động của đông đảo người dân đang tập trung kéo một sợi dây; chắc hẳn, đây mới thực sự là hương vị của Tết Việt, một trải nghiệm thật thú vị...”.
Mùa Xuân nơi địa đầu Tổ quốc như được kéo dài hơn, với những lễ hội diễn ra trong tháng Giêng, tháng Hai âm lịch. Các hoạt động tạo không khí hứng khởi, vui tươi và là sân chơi bổ ích, lành mạnh; hướng cộng đồng về với cội nguồn, về với những nét đẹp văn hóa truyền thống. Tiếp đó, sẽ còn nhiều hoạt động, lễ hội được diễn ra tại các huyện; mở màn cho một năm mới sung túc, đủ đầy.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc