Ngành Giáo dục huyện Bắc Mê quan tâm chăm lo học sinh bán trú
BHG - Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự tận tình chăm lo của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bắc Mê, đời sống sinh hoạt của học sinh (HS) dân tộc bán trú (DTBT) đã được cải thiện; HS được học tập, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách và kỹ năng sống trong môi trường tương đối đầy đủ.
Bữa cơm trưa với đầy đủ dinh dưỡng ở Trường PTDTBT - Tiểu học Đường Hồng. |
Trong năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT Bắc Mê đã tập trung đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học nói chung và HS bán trú nói riêng. Toàn huyện có 44 trường, trong đó có 10 trường phổ thông DTBT; 13 trường Tiểu học và THCS có HS bán trú. Đây là mô hình trường chuyên biệt được thành lập tại các xã, có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Ngoài phòng học được xây dựng chính quy, các trường DTBT đã chủ động xây dựng một số phòng ở, nhà bếp, nhà ăn và các công trình phụ…, cơ bản đáp ứng cho cầu sinh hoạt cho HS.
Tính riêng trong năm học 2018 - 2019, toàn huyện có 3.470 HS được hưởng chế độ bán trú; các em được hỗ trợ 15 kg gạo/HS/tháng và hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/HS/tháng trong thời gian 9 tháng. Ngoài ra, còn được hỗ trợ 150 ngàn đồng/HS để mua sắm thiết bị văn nghệ, thể thao và lập tủ thuốc dùng chung tại trường. Qua đó, phụ huynh rất an tâm khi đưa con em đến học tập tại các trường bán trú; giáo viên luôn quan tâm và có trách nhiệm trong quản lý, bồi dưỡng HS; tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa… HS bán trú luôn gắn bó với môi trường sinh hoạt tập thể, được học 2 buổi/ngày củng cố vững chắc kiến thức, tham gia nhiều hoạt động văn – thể - mỹ bổ ích.
Trường Phổ thông DTBT - Tiểu học Đường Hồng có 566 HS, trong đó có 303 HS ở trường chính và 263 HS ở 9 điểm trường. Trong năm học này, nhà trường có 203 HS được hưởng chính sách hỗ trợ đối với HS bán trú. Đây là năm thứ hai, nhà trường chuyển sang mô hình bán trú; qua đó, việc duy trì sĩ số HS được nâng lên. Sau mỗi buổi tan học, HS được bố trí ăn, ở ngay tại trường. Em Triệu Phi Yến, HS lớp 5C, chia sẻ: Chúng em rất gắn bó và có thêm quyết tâm học tập khi được nhà nước hỗ trợ, được thầy cô chăm lo hằng ngày.
Thầy Nguyễn Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT - Tiểu học Đường Hồng, cho biết: Để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước với HS bán trú, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu đã tham mưu cho UBND xã về việc triển khai chế độ chính sách hỗ trợ cho HS; đồng thời phối hợp tuyên truyền tới các ngành, đoàn thể, thôn, bản và các bậc phụ huynh. Nhà trường tổ chức nấu ăn tập trung cho HS, với 3 bữa trên ngày; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được quan tâm, nhà trường lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm có uy tín và ký cam kết trách nhiệm, đồng thời lưu mẫu thức ăn theo quy định. Thực đơn được thay đổi theo ngày, mùa và niêm yết công khai. Hiện, nhà trường có 8 phòng, với 60 giường 2 tầng đủ đảm bảo cho HS ở bán trú tại trường. Nhà trường cũng thành lập Ban Quản lý HS bán trú do đồng chí Phó hiệu Trưởng làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo về công tác bán trú. Những năm gần đây, nhờ có mô hình bán trú mà HS đã tích cực đến trường; tỷ lệ HS bỏ học giảm đáng kể và chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên rõ rệt.
Đồng chí Nguyễn Đức Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, cho biết: Những năm qua, Phòng luôn tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức KT - XH để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường bán trú, tuyên truyền, vận động HS ở bán trú. Nhờ đó, quy mô trường, lớp và số lượng HS ngày càng tăng. Việc tổ chức chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho HS bán trú, nên chất lượng học tập của các em không ngừng được tăng lên. HS bán trú học 2 buổi/ngày, giáo viên có điều kiện giảng dạy bổ sung kiến thức và phụ đạo cho HS yếu. Cùng với đó, các em còn được dạy kỹ năng sống, giao tiếp, tự lập, thay đổi nếp sống, giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy tại các trường.
Mô hình trường học bán trú đã thực sự nâng cao chất lượng giáo dục của huyện, tỷ lệ HS trong độ tuổi đến trường cấp Tiểu học đạt 98,5%, cấp THCS đạt trên 96%. Đặc biệt, đối với HS ở bán trú, ngoài việc học, thông qua các hoạt động tăng gia, sản xuất; các em được rèn luyện về kỹ năng sống và tự biết chăm sóc bản thân.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc