Dấu ấn ngành Du lịch
BHG - 2018 tiếp tục là một năm thành công của hoạt động du lịch khi số lượng khách đến Hà Giang đạt trên 1,1 triệu lượt người, tăng 7,5% so với năm 2017; doanh thu đạt trên 1.150 tỷ đồng; các sản phẩm du lịch và dịch vụ ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách.
“Phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững” là một trong năm chương trình trọng tâm được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đưa ra nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập. Cụ thể hóa nghị quyết Đại hội, BTV Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án khuyến khích phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; các huyện, thành phố đều có nghị quyết, chương trình hành động về phát triển du lịch gắn với điều kiện thực tế của địa phương.
Dịch vụ Homestay tại thôn Nặm Đăm (Quản Bạ) thu hút đông đảo du khách. |
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, lĩnh vực du lịch đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Toàn tỉnh hiện có 18 đơn vị kinh doanh lữ hành, trên 250 cơ sở lưu trú; 52 homestay, 8 làng văn hóa du lịch cộng đồng, công suất sử dụng phòng nghỉ bình quân đạt 70%, vào mùa lễ hội đạt 100%. Chất lượng các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ du lịch ngày càng được nâng lên. Nhiều công trình phục vụ phát triển du lịch được tỉnh đầu tư, nâng cấp; thu hút đầu tư vào du lịch đạt trên 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Công viên Địa chất toàn cầu - Cao Nguyên đá Đồng Văn xuất sắc vượt qua kỳ tái thẩm định, tiếp tục được trao danh hiệu của UNESCO nhiệm kỳ 2018 – 2022.
Để phát triển mạnh mẽ du lịch, bắt nhịp với thời đại Công nghiệp 4.0, UBND tỉnh vừa ra mắt Cổng thông tin Du lịch thông minh và ứng dụng Hà Giang tourism nhằm hỗ trợ khách du lịch tìm kiếm các thông tin và lựa chọn dịch vụ một cách tốt nhất.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển các loại hình du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm, khám phá và xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo thu hút đông đảo du khách như: Tour “Chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi”; chèo thuyền kayak trên thác Minh Tân, trên sông Nho Quế; dù lượn trên Cao nguyên đá, khám phá hẻm vực Tu Sản…
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch: Tổ chức thành công Hội nghị “Sắc màu Hà Giang” tại thành phố Cần Thơ, tham gia Hội chợ quảng bá du lịch tại châu Văn Sơn (Trung Quốc); Hội chợ du lịch Quốc tế VITM tại Hà Nội; triển khai thực hiện các liên kết phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); xây dựng chương trình hợp tác với Tổng công ty Hàng không và Đường sắt Việt Nam về quảng bá sản phẩm du lịch.
Để Hà Giang thực sự là điểm đến hấp dẫn với du khách không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, sự đa dạng về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là điểm đến văn minh, thân thiện; mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Bộ “Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang”; trong đó quy định quy tắc ứng xử của khách du lịch đến tham quan tại Hà Giang; của các doanh nghiệp lữ hành; hướng dẫn viên du lịch; cơ sở lưu trú, đơn vị vận chuyển khách du lịch; cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, điểm mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe phục vụ khách du lịch và ứng xử của cộng đồng dân cư.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia nhiệt tình của người dân, du lịch Hà Giang đang hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, với hệ thống cơ sở vật chất từng bước đồng bộ, sản phẩm chất lượng ngày càng nâng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường, đưa Hà Giang trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước; góp phần nâng cao đời sống người dân.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc