Đặc sắc chợ phiên nơi miền đá

08:24, 17/12/2018

BHG - Đến Cao nguyên đá Hà Giang, đối với nhiều du khách sau khi đã thăm thú những danh thắng có tính tiêu biểu của mảnh đất này, thì việc khám phá những nét văn hóa bản địa là một trải nghiệm khó bỏ qua. Một trong nhiều sinh hoạt cộng đồng vô cùng lý thú và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước chính là các buổi chợ phiên.

Du khách thưởng thức phở trong chợ phiên Đồng Văn.
Du khách thưởng thức phở trong chợ phiên Đồng Văn.

Chợ phiên ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… với các ngày chợ họp vào cuối tuần và chợ lùi theo ngày âm lịch, vậy nên gần như ngày nào cũng có chợ. Có nhiều phiên chợ vùng cao Hà Giang được nhiều du khách khắp nơi biết đến như: Chợ phiên Sà Phìn, chợ Phố Cáo, chợ Lũng Phìn, chợ thị trấn Đồng Văn, chợ phiên Mèo Vạc…, các phiên chợ này thu hút sự tham gia của đông đảo bà con các dân tộc, tạo ra sự nhộn nhịp mang sắc màu riêng biệt của núi rừng. Ngoài ra, hàng tuần tại các xã cũng có phiên chợ của riêng mình như: Chợ phiên xã Du Già (Yên Minh), chợ Quyết Tiến (Quản Bạ)… đều đông đúc mỗi phiên họp, được nhiều công ty du lịch giới thiệu với du khách.

Được dịp hòa mình vào các buổi chợ này, bất kỳ ai cũng sẽ bị choáng ngợp bởi sự nhộn nhịp đầy màu sắc. Đơn cử như chợ Phố Cáo, xã Phố Cáo (Đồng Văn), nằm bên Quốc lộ 4C, hai bên núi đá mây phủ quanh năm, họp từ sáng tinh mơ, già trẻ, trai gái từ các bản làng tụ tập về thung lũng kỳ vỹ này. Họ mang đến chợ không chỉ là hàng hóa, vật dụng để mua bán, trao đổi mà còn mang theo những nếp văn hóa của dân tộc mình.

Ngày xưa phương tiện duy nhất của bà con là ngựa, mỗi khi tới ngày họp chợ họ phải rời nhà từ lúc rạng sáng mới kịp tới chợ, giờ đây với chiếc xe máy, họ đã có mặt ở chợ sớm hơn. Với người miền núi, tới chợ phiên không chỉ để mua bán, mà đơn giản là họ xuống chợ để tìm niềm vui của sự đông đúc. Với đặc trưng ở vùng núi non hiểm trở, mỗi nhà cách nhau một quả đồi, họ xuống chợ còn để nhắn gửi những lời mời cho một đám cưới, một đám đặt tên, vào nhà mới, thăm hỏi bạn bè...

Đàn ông người Mông đôi khi chỉ có một nhiệm vụ là tháp tùng vợ xuống chợ. Những người phụ nữ, cũng chính là linh hồn của bất kỳ phiên chợ nào. Từ những cô bé người Mông với khuôn mặt bầu bĩnh, ưng ửng đỏ, ăn vận lấp lánh, những thiếu nữ trang phục đầy sắc màu, đến những người phụ nữ tần tảo và vội vã, họ đều ít nhất mang trong mình một trách nhiệm khi đến chợ phiên. Và bởi họ là linh hồn của buổi chợ nên sự có mặt của họ làm cho phiên chợ với tính nguyên bản ban đầu là thông thương trở nên thơ mộng hơn. Nhìn ngắm họ cười đùa bên người đàn ông của mình, bên bạn chợ, bên các sạp hàng đa sắc… khiến mọi người vui lây.

Hòa mình vào không khí của các buổi chợ phiên vùng cao, cùng theo chân những người bản địa tới các gian hàng bán đặc sản núi rừng như bánh Tam giác mạch, xôi ngũ sắc, thảo quả, tiêu rừng... Cùng những người đàn ông Mông xem hàng bán rượu dài dằng dặc thử một vài chén rượu ngô men lá thơm lừng rừng, hoặc cùng họ đi mặc cả về con Họa mi hót hay nhất chợ, rồi dắt nhau vào hàng thắng cố, hàng phở thưởng thức món ăn đặc trưng bản địa là những trải nghiệm khó quên với du khách.

Bài, ảnh: Trọng Toan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dấu ấn những mùa hoa Tam giác mạch

BHG - Đêm khai mạc Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ IV đã thành công tốt đẹp, để lại những dấu ấn vô vùng sâu sắc trong lòng du khách. 4 năm qua, với sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trên vùng Cao nguyên đá; hoa Tam giác mạch đã, đang trở thành biểu tượng, thương hiệu du lịch Hà Giang. Với nhiều hoạt động trải dài từ tháng 10 đến hết tháng 12 tại 4 huyện vùng cao, Lễ hội Hoa Tam giác mạch đã đem đến cho du khách những trải nghiệm thực tế thú vị với sự hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá. 

30/11/2018
Gìn giữ kiến trúc truyền thống vùng Cao nguyên đá

BHG - Những năm gần đây, vùng Cao nguyên đá có sự đổi thay mạnh mẽ. Bên cạnh thành quả đổi thay của đời sống KT – XH, có những giá trị đứng trước nguy cơ bị mai một, đó là kiến trúc truyền thống. Biểu hiện đầu tiên là chất lợp truyền thống - ngói âm dương ở các làng bản dần được thay thế bằng Phi - bờ - rô xi - măng hoặc những mái tôn xanh, đỏ. Những ngôi nhà trước đây trình tường, bờ rào đá nay dần được thay thế bởi chất liệu gạch làm từ bột đá…

 

30/11/2018
Nét đẹp truyền thống trong đám cưới của dân tộc Pà Thẻn

BHG - Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, chính vì vậy, có rất nhiều phong tục, tập quán cũng như những nét đặc sắc trong văn hóa của mỗi dân tộc. Đặc biệt, tại xã Tân Bắc (Quang Bình) vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo trong Lễ cưới của người Pà Thẻn. Xã Tân Bắc hiện có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Pà Thẻn chiếm 46%. Tìm hiểu về Lễ cưới của người Pà Thẻn, chúng tôi có dịp về Tân Bắc nhân Lễ hội Nhảy lửa được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua. 

30/11/2018
Lễ hội Văn hóa dân tộc Nùng huyện Xín Mần

BHG - Ngày 28.11, tại xã Cốc Rế, UBND huyện Xín Mần tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian dân tộc Nùng cụm xã lần thứ nhất năm 2018. Đến dự có Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; đại diện các ban, ngành, đơn vị trường học của huyện; lãnh đạo và người dân 6 xã trong cụm gồm: Cốc Rế, Thu Tà, Tả Nhìu, Nấm Dẩn, Ngán Chiên, Trung Thịnh. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra Hội thi văn hóa dân gian như: Hát lướn, múa ngựa giấy, kéo đàn nhị, chà bóng vải đen, thi người đẹp trang phục dân tộc Nùng, thêu trang phục, trình diễn lễ hội cúng rừng dân tộc Nùng.

29/11/2018