Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới
BHG - Sau 5 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI), chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu.
Giáo viên Trường Mầm non Thanh Vân (Quản Bạ) và học sinh trong giờ hoạt động ngoài trời. |
Toàn ngành Giáo dục hiện có trên 19.800 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên; trong đó có hơn 5.350 giáo viên mầm non; 6.832 giáo viên Tiểu học; 5.790 giáo viên THCS và THPT. Hầu hết cán bộ, giáo viên đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn. Những năm qua, ngành Giáo dục luôn quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo các yêu cầu chuẩn nghề nghiệp.
Trong năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT đã điều động, luân chuyển 318 giáo viên; bổ nhiệm mới và bổ nhiệm lại 325 cán bộ bộ quản lý; tổ chức trên 20 đợt tập huấn, giao ban, bồi dưỡng cho trên 5.200 lượt người tham gia; hàng nghìn cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng lý luận chính trị thường xuyên và được đánh giá, xếp loại; có 1.247 cán bộ quản lý, giáo viên đạt kết qủa cao trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp; 196 giáo viên được cử đi đào tạo trình độ sau đại học; các cấp thường xuyên tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, động viên giáo viên phấn đấu vươn lên trong nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục đều tạo điều kiện thuận lợi và động viên giáo viên tham gia học các lớp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị, tham gia các loại hình đào tạo khác để nâng cao trình độ về mọi mặt.
Bên cạnh đó, thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, đội ngũ nhà giáo đã không ngừng tự học, tự rèn để chiếm lĩnh tri thức khoa học, công nghệ và nghệ thuật sư phạm; nâng cao ý thức trách nhiệm; lương tâm nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo; qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo vượt khó vươn lên học tập, được học sinh và nhân dân tin yêu, quý trọng. Năm 2017, ngành Giáo dục có 5 nhà giáo vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; hàng năm, có hàng nghìn sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên được Hội đồng khoa học ngành đánh giá và xếp loại.
Tập thể cán bộ, giáo viên toàn ngành luôn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhờ vậy, chất lượng giáo dục của tỉnh không ngừng được nâng lên: Tỷ lệ huy động trẻ từ 6 – 14 tuổi đến trường đạt 98,7%; tỉnh Hà Giang đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2; xóa mù chữ và phổ cập THCS mức độ 1. Các trường học đẩy mạnh các hoạt động đổi mới giáo dục; tập trung quản lý, chỉ đạo tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; chú trọng các môn học ngoại khóa, đổi mới hình thức, phương pháp thi; kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học…
Bên cạnh chất lượng chuyên môn, hiện nay, điều kiện công tác của nhiều giáo viên gặp khó khăn; đặc biệt là giáo viên công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ở nhiều điểm trường, giáo viên phải đi bộ hàng giờ mới đến được lớp học, thiếu nhà công vụ, thiếu điện, nước, sóng điện thoại, bất đồng ngôn ngữ… Vì vậy, các cấp, ngành và toàn xã hội cần tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng kịp thời các chế độ, chính sách để giúp giáo viên yên tâm bám trường, bám lớp, cống hiến cho sự nghiệp ‘‘trồng người’’ nơi vùng đất biên cương Tổ quốc.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc