Khai thác giá trị văn hóa, lịch sử Căng Bắc Mê trong phát triển du lịch

15:58, 09/11/2018

BHG - Căng Bắc Mê thuộc thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, được thực dân Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Qua năm tháng, những dấu tích và hiện vật của Căng Bắc Mê vẫn được người dân và chính quyền địa phương bảo tồn; trở thành địa chỉ “đỏ” trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Phòng trưng bày hiện vật và hình ảnh lịch sử tại Căng Bắc Mê.
Phòng trưng bày hiện vật và hình ảnh lịch sử tại Căng Bắc Mê.

Căng Bắc Mê là bằng chứng ghi dấu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng, là trường học cách mạng với nhiều tấm gương bất khuất về ý chí kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người Cộng sản trong nhà tù của chế độ thực dân, đế quốc. Quần thể di tích lịch sử Căng Bắc Mê gồm 3 khu vực: Trung tâm Căng, khu vực nhà Bang tá và khu vực kho muối thuộc thôn Bản Noong, xã Lạc Nông. Trung tâm Căng Bắc Mê được xây dựng với diện tích khoảng 2.500 m2, gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà làm việc, nhà thông tin, nhà kho… Xung quanh Căng có hệ thống tường thành bảo vệ được xây bằng đá tảng, dài khoảng 190 m, cao 2 m; cách 10 m, có lỗ châu mai hình vuông. Với vai trò, ý nghĩa và giá trị lịch sử quan trọng; năm 1992 Căng Bắc Mê được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Những di vật còn lại của Căng Bắc Mê.
Những di vật còn lại của Căng Bắc Mê.

Qua những thăng trầm của lịch sử, Căng chỉ còn một số hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh như: Bản lề cánh cửa, gạch, ngói, xích tù nhân và phần còn lại của các ngôi nhà, tường thành, bốt gác nằm ở trong khu vực di tích. Khu vực di tích được trồng các loài cây, như: Tếch, đa, si, sữa... tạo nên cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh, cổ kính, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Di tích lịch sử Căng Bắc Mê được trùng tu, tôn tạo năm 2003 và 2009 với một số hạng mục như: Xây dựng nhà tưởng niệm tại khu di tích, đắp tường, làm bậc lên xuống bằng đá xẻ, dựng vọng gác, trồng mới và tôn tạo hệ thống cây xanh.

Trưởng phòng Văn hóa huyện Bắc Mê Lưu Bá Cường cho biết: Để làm sống lại giá trị lịch sử những năm tháng hoạt động của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nơi đây, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn; đặc biệt Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với Huyện đoàn, các đơn vị trường học tổ chức nhiều hoạt động hướng về cội nguồn nhằm giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa và giáo dục truyền thống lý tưởng cách mạng, lòng yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ học sinh, thanh, thiếu niên. Mỗi năm, Căng Bắc Mê thu hút khoảng 1.548 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Nhằm phát huy những giá trị lịch sử của Căng Bắc Mê, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp để lưu giữ và bảo tồn như: Kêu gọi, khuyến khích cá nhân, các thành phần kinh doanh, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư kinh phí tu bổ di tích gắn với phát triển du lịch; mở rộng giao lưu hợp tác về du lịch với các công ty lữ hành, các địa phương; xây dựng, kết nối các tua, tuyến du lịch. Đồng thời, đề xuất tỉnh trùng tu, tôn tạo di tích, nhằm khai thác giá trị lịch sử, văn hóa của Căng với những hình ảnh sống động, thu hút khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu.

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sở Văn hóa TT&DL khảo sát tổ chức các hoạt động văn hóa tại huyện Mèo Vạc

BHG - Ngày 29.10, Đoàn công tác Sở Văn hóa TT&DL do đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát hiện trạng một số khu vực dự kiến tổ chức các hoạt động văn hóa tại huyện Mèo Vạc. Cùng đi có đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Sơn (Hà Nội) và lãnh đạo huyện Mèo Vạc.

30/10/2018
Ấm áp Ngày hội Đại đoàn kết ở Sui Thầu

BHG - Theo chân lãnh đạo xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì), chúng tôi đến thôn Sui Thầu vào một ngày đầu Đông; khung cảnh nơi đây núi non hùng vỹ mà nên thơ hiện ra với "biển mây" bồng bềnh, đồi thông non như rì rào khúc hát... Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ấm ấp, dạt dào tình mến thương nơi xóm nhỏ Sui Thầu… Thôn Sui Thầu có 106 hộ, 521 khẩu; gồm 2 dân tộc Nùng và Mông sinh sống. Những ngày đầu tháng 11, hòa chung không khí nô nức, vui tươi của các thôn, xóm, tổ dân cư trên khắp miền cực Bắc; thôn Sui Thầu tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18.11.1930 – 18.11.2018)...

09/11/2018
Hiệu quả từ Chương trình "Nâng bước em tới trường"

BHG - Tỉnh ta có 6 huyện biên giới đặc biệt khó khăn; cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề… nên 12 Đồn Biên phòng (ĐBP) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động gắn bó với đồng bào. Một trong những hoạt động đầy tính nhân văn - đó là Chương trình "Nâng bước em tới trường". Là tỉnh có gần 300 km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc, đời sống KT-XH còn nhiều khó khăn; trên địa bàn còn không ít trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Cha, mẹ mất sớm hoặc cha mất, mẹ đi lấy chồng bên nước bạn, đi lao động không trở về… Vì thế, sự chung tay, hỗ trợ của các ĐBP cùng các tấm lòng hảo tâm, giúp trẻ đặc biệt khó khăn ở các địa phương có ý nghĩa rất thiết thực. 

 

09/11/2018
Hoàng Su Phì thực hiện hiệu quả Đề án 84 của UBND tỉnh

BHG - Các em học sinh đến trường đầy đủ hơn, được học tập trong môi trường giáo dục tốt, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và ứng xử, có điều kiện phát triển cả về thể lực và trí lực thông qua những hoạt động ngoài giờ lên lớp, chất lượng dạy và học được nâng lên đáng kể… Đó là những kết quả tích cực từ Đề án 84 của UBND tỉnh "Chuyển học sinh Tiểu học từ điểm trường về trường chính" trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.

 

09/11/2018