Hiệu quả từ Chương trình "Nâng bước em tới trường"

07:51, 09/11/2018

BHG - Tỉnh ta có 6 huyện biên giới đặc biệt khó khăn; cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề… nên 12 Đồn Biên phòng (ĐBP) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động gắn bó với đồng bào. Một trong những hoạt động đầy tính nhân văn - đó là Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các Đồn Biên phòng nhận đỡ đầu.
Nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các Đồn Biên phòng nhận đỡ đầu.

Là tỉnh có gần 300 km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc, đời sống KT-XH còn nhiều khó khăn; trên địa bàn còn không ít trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Cha, mẹ mất sớm hoặc cha mất, mẹ đi lấy chồng bên nước bạn, đi lao động không trở về… Vì thế, sự chung tay, hỗ trợ của các ĐBP cùng các tấm lòng hảo tâm, giúp trẻ đặc biệt khó khăn ở các địa phương có ý nghĩa rất thiết thực. 

Đại tá Nông Thế Hanh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết: Từ năm 2014 đến nay, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, BĐBP Hà Giang và các ĐBP đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới, tổ chức rà soát, lựa chọn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhận hỗ trợ, đỡ đầu. Đến nay, 12 ĐBP trong tỉnh đã nhận đỡ đầu 153 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để duy trì tốt chương trình này, nhiều đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp từ tiền lương để giúp cho mỗi em được nhận hỗ trợ là 500 nghìn đồng/tháng. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các tấm lòng hảo tâm tham gia hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến khi học xong cấp 3…”.

Có dịp đến thăm ĐBP Xín Mần (Xín Mần), chúng tôi được biết, ngoài 13 trường hợp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các địa phương được hỗ trợ hàng tháng, hiện đang nhận nuôi 2 học sinh người dân tộc Mông tại đơn vị. Qua 4 năm đón về nuôi dưỡng tại đơn vị, các em đều phát triển tốt về thể chất, tinh thần và thực sự, xem đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị như người cha, người anh trong gia đình. Cùng với đó, các ĐBP còn thường xuyên cử cán bộ theo dõi, đưa đón các cháu đi học, chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ, dạy cách ứng xử; phối hợp với người thân, nhà trường nắm chắc tình hình học tập của các cháu, tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao...

Đại tá Nông Thế Hanh cho biết thêm: “Cùng với ĐBP Xín Mần, các ĐBP Lũng Cú, Phó Bảng (Đồng Văn) hiện đang nhận nuôi trực tiếp 6 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc làm của các ĐBP đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân đánh giá cao, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình đoàn kết quân dân, giải quyết một phần những khó khăn trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở các địa phương biên giới. Không chỉ làm tốt công tác chăm lo cho trẻ em vùng cao, thời gian qua lực lượng Biên phòng tỉnh còn quan tâm, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, cùng với chính quyền địa phương đưa ra các giải pháp, mô hình giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế…”.

Đóng chân nơi địa đầu Tổ quốc, nơi có Cột cờ Quốc gia Lũng Cú thiêng liêng nhưng nơi đây cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, ĐBP Lũng Cú đang hỗ trợ 12 cháu và hàng tuần, tháng các chiến sĩ thường xuyên xuống từng gia đình dạy học, động viên các cháu khắc phục khó khăn, đi học đầy đủ; phối hợp chặt chẽ với các nhà trường kèm cặp, giúp đỡ các cháu chăm học, ngoan ngoãn nghe lời thầy cô, có động lực phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện. Đặc biệt, Đồn còn nhận nuôi 3 cháu nhỏ người Mông trong một gia đình gồm: Thò Thị Dính, Thò Mí Và và Thọ Thị Súa. 3 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố, mẹ mất sớm, phải ở với bà hơn 80 tuổi, không còn khả năng lao động. Các cháu được đưa về sinh sống tại Đồn, chăm chút, dạy dỗ và thương yêu như chính những đưa con ruột của mình. Với tình thương, trách nhiệm của những người cha, chú đã giúp các em có sự thay đổi rất lớn, từ những học sinh yếu kém, sau thời gian được kèm cặp bởi các chiến sĩ, lực học dần nâng lên.

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Chương trình “Nâng bước em đến trường” đã, đang lan tỏa sự gắn kết, sự tri ân; với sự chăm lo, dẫn lối, chỉ đường, chú trọng bồi dưỡng… các em sẽ là lớp người kế cận, tham gia giữ gìn vững chắc, bảo vệ chủ quyền đường biên, mốc giới Quốc gia.

Bài, ảnh: Vũ Thuỳ Linh (Trường chính trị tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sở Văn hóa TT&DL khảo sát tổ chức các hoạt động văn hóa tại huyện Mèo Vạc

BHG - Ngày 29.10, Đoàn công tác Sở Văn hóa TT&DL do đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát hiện trạng một số khu vực dự kiến tổ chức các hoạt động văn hóa tại huyện Mèo Vạc. Cùng đi có đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Sơn (Hà Nội) và lãnh đạo huyện Mèo Vạc.

30/10/2018
Lễ đặt tên Trưởng thành - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông

BHG - Tỉnh ta có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt riêng; được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, Lễ đặt tên Trưởng thành của dân tộc Mông là nét văn hóa đặc sắc vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Việc làm Lễ đặt tên Trưởng thành có ý nghĩa hết sức quan trọng với người con trai dân tộc Mông, nó đánh dấu sự trưởng thành và có một cái tên mới với dòng họ, cộng đồng; cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Lễ đặt tên Trưởng thành của dân tộc Mông được tuân thủ theo những quy định, cách làm của các thế hệ ông cha đi trước thì mới được Tổ tiên và dòng họ công nhận. Người con trai muốn làm Lễ đặt tên Trưởng thành thì phải có độ tuổi từ 20 trở lên và đã có con đầu lòng. 

27/10/2018
Miên man những sắc màu trên Cao nguyên đá

BHG - Lên Cao nguyên đá Hà Giang đúng thời điểm mùa Tam giác mạch (TGM) bung hoa, bạn sẽ bị choáng ngợp giữa những rừng hoa bạt ngàn. Khắp sườn núi đá tai mèo, dưới những thung lũng, người dân  gieo trồng nhiều Tam giác mạch và đến khi hoa nở, du khách mới ngẩn ngơ trước sắc thắm miên man. Cứ mỗi độ tháng 10, vào lúc cuối Thu, đầu Đông; ấy là lúc Hà Giang lại trở thành điểm hẹn du lịch được nhiều người lựa chọn, bởi lúc này đang là thời kỳ hoa TGM nở rộ, khoe sắc rực rỡ. Dọc con đường Hạnh phúc (Quốc lộ 4C) từ thành phố Hà Giang qua bốn huyện Cao nguyên đá: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn...

26/10/2018
Phố chợ cổ Đồng Văn cần những giá trị truyền thống để hướng tới tương lai

BHG - Phố chợ cổ Đồng Văn từng là một trong những địa điểm hấp dẫn du khách nhất trên Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Hấp dẫn bởi kiến trúc, quy hoạch xưa và đặc biệt hấp dẫn bởi một thời đây là không gian văn hóa chợ nổi tiếng, độc đáo và thơ mộng nhất trên đất Hà Giang.     Tôi còn nhớ hơn chục năm trước, khi lên Đồng Văn trong buổi sớm se lạnh cuối Thu, ánh nắng sớm chiếu vào phố chợ cổ Đồng Văn như tạo nên một bức tranh đẹp đến xao lòng. Nắng vàng vờn trên những mái ngói nhuốm màu thời gian, sắc mầu trang phục của đồng bào các dân tộc xuống chợ là những điều còn đọng mãi trong tôi và biết bao người đã từng đến đây. 

26/10/2018