"Bông hoa" ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc
BHG - Công tác ở một trường mầm non thuộc địa bàn xã biên giới của huyện Mèo Vạc còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với ý chí và nghị lực phấn đấu không ngừng, trong những năm qua, cô giáo Lê Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thượng Phùng đã đạt nhiều thành tích cao trong sự nghiệp “Trồng người” và trở thành tấm gương sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện huyện nhà.
Sinh năm 1983, tại xã Quảng Cát (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), sau khi tốt nghiệp THPT năm 2000, Dung lên Hà Giang hợp đồng giáo viên mầm non cắm bản tại xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên. Đến năm 2003, Dung thi đỗ vào khoa Trung cấp Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang; kết thúc khóa học năm 2005 với tấm bằng loại giỏi, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại trường và được Sở Nội vụ Hà Giang tuyển dụng, phân công công tác tại Trường Mầm non xã Niêm Sơn. Tại đây, cô luôn phấn đấu đạt nhiều thành tích trong giảng dạy; năm học 2008 - 2009 đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Tháng 8.2009, cô được UBND huyện Mèo Vạc điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thượng Phùng. Đây là ngôi trường nằm trên địa bàn xã biên giới, cách trung tâm huyện hơn 30km với điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn.
Nhớ về những ngày đầu đến trường Mầm non xã Thượng Phùng công tác, Dung tâm sự: “Khi mới về trường, em không khỏi băn khoăn, trăn trở về điều kiện cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn do trường mới được thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường PTCS xã Thượng Phùng. Toàn trường có 15 điểm trường thì duy nhất có điểm trường thôn Mỏ Phàng được xây dựng cấp 4, còn 14 điểm trường đều tạm bợ hoặc học nhờ điểm trường Tiểu học. Hơn nữa, đường đến các thôn, bản chủ yếu là đường dân sinh rất khó đi, đặc biệt có những điểm trường Thín Ngài, Lùng Chư 3, Khai Hoang 1 ở rất xa trung tâm xã, đi bộ phải mất từ 3 đến 4 tiếng; cộng với đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, chưa quan tâm đến việc học tập của con cái, dẫn đến tỷ lệ học sinh đi học còn thấp nên nhiều lúc em cũng thấy nản”. Nhưng với ý chí và nghị lực của bản thân, Dung đã làm tốt công tác đoàn kết trong tập thể nhà trường, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương kêu gọi các cấp, các ngành giúp đỡ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học và tuyên truyền vận động nhân dân cho con đi học. Vì vậy, từ một ngôi trường xa xôi hẻo lánh, cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn nhất huyện; đến nay, bộ mặt của Trường Mầm non xã Thượng Phùng đã có diện mạo mới, 13 điểm trường được xây dựng nhà lớp học cấp 4, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu dạy học. Năm học 2018 - 2019, nhà trường có 20 lớp với 453 học sinh, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 4 tuổi đến trường đạt 94%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 98%; tỷ lệ trẻ đi học hàng ngày luôn đạt trên 95%. Toàn trường có 22 cán bộ, giáo viên, trong đó 4 giáo viên giỏi cấp huyện, 11 giáo viên giỏi cấp trường.
Bên cạnh công tác giáo dục, Dung và tập thể giáo viên nhà trường còn tích cực tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng Nông thôn mới do xã Thượng Phùng phát động, như: Đóng góp được 21 ngày công san nền đường đi ba thôn Sà Phìn, Hầu Lùng Sán, Thàn Chư và bổ bê-tông sân trường Mầm non rộng 60m2. Nhưng điều mà Dung tâm đắc nhất là trong 3 năm qua, cô và đội ngũ giáo viên nhà trường đã tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh. Từ chỗ chưa quan tâm, đến nay 100% phụ huynh đều chủ động đưa đón trẻ đi học hàng ngày, tham dự các hội thi do trường tổ chức và đi họp phụ huynh đầy đủ. Đồng thời, tích cực tham gia giúp nhà trường san nền sân trường, tu sửa nhà lớp học. Do đó, tỷ lệ trẻ đi học hàng ngày của trường rất cao.
Đánh giá về Dung, đồng chí Lâm Quang Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc cho biết: “Công tác tại một trường học nằm ở khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng với năng lực quản lý, điều hành tốt và nhiều giải pháp đổi mới dạy học hiệu quả, cô giáo Lê Thị Dung đã đưa Trường Mầm non xã Thượng Phùng vươn lên nằm trong tốp đầu các trường Mầm non của huyện, được các cấp và ngành Giáo dục đánh giá cao”.
Từ sự phấn đấu của Dung cùng đội ngũ giáo viên, trong năm qua tập thể nhà trường đều đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến, bản thân Dung đạt giải Nhì hội thi cán bộ quản lý trường học giỏi cấp huyện năm học 2016 - 2017; 5 năm đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến và 5 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và các cấp, các ngành tặng nhiều Giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục.
Với 10 năm kinh nghiệm làm Hiệu trưởng trường học, cô giáo Lê Thị Dung đã có bề dày thành tích về sự nghiệp “trồng người”, trở thành cán bộ quản lý trường học tiêu biểu của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc.
Bài, ảnh: QUỲNH LƯU (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc