Phố chợ cổ Đồng Văn cần những giá trị truyền thống để hướng tới tương lai
BHG - Phố chợ cổ Đồng Văn từng là một trong những địa điểm hấp dẫn du khách nhất trên Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Hấp dẫn bởi kiến trúc, quy hoạch xưa và đặc biệt hấp dẫn bởi một thời đây là không gian văn hóa chợ nổi tiếng, độc đáo và thơ mộng nhất trên đất Hà Giang.
Bà con mua bán ở chợ cổ Đồng Văn trước đây. |
Tôi còn nhớ hơn chục năm trước, khi lên Đồng Văn trong buổi sớm se lạnh cuối Thu, ánh nắng sớm chiếu vào phố chợ cổ Đồng Văn như tạo nên một bức tranh đẹp đến xao lòng. Nắng vàng vờn trên những mái ngói nhuốm màu thời gian, sắc mầu trang phục của đồng bào các dân tộc xuống chợ là những điều còn đọng mãi trong tôi và biết bao người đã từng đến đây. Chính vì thế, phố chợ cổ Đồng Văn đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di sản Văn hóa cấp Quốc gia.
Theo quy luật thời gian, vạn vật thay đổi. Với phố chợ cổ Đồng Văn, có thời gian những ngôi nhà cổ trở nên sập xệ, có nhà có nguy cơ đổ. Trong sự phát triển đô thị, chợ cổ Đồng Văn quá tải tạo nên những áp lực cho trung tâm huyện Đồng Văn. Đứng trước những vấn đề đó, để bảo tồn, phố chợ cổ Đồng Văn đã được Nhà nước đầu tư, tu sửa và bảo tồn. Từ đó, giúp cho hình hài của phố chợ cổ có từ thời Pháp thuộc được gìn giữ.
Tuy nhiên, sau khi chợ thị trấn Đồng Văn được chuyển khỏi chợ cổ hiện nay để xuống một địa điểm khác, phố chợ cổ Đồng Văn, một điểm nhấn cực kỳ độc đáo của Cao nguyên đá dần mất đi trong mắt nhiều người. Giờ đây dưới những dãy nhà chợ cổ là các quán cà phê, hàng ăn uống bày la liệt bàn ghế, được xé lẻ cho các hộ thuê kinh doanh. Chợ cổ Đồng Văn giờ là “khu liên hợp” cà phê, ăn uống, bán đồ lưu niệm. Vẫn còn đó đèn lồng đỏ treo cao, nhưng giờ hiếm thấy bóng dáng bà con các dân tộc với trang phục sặc sỡ nơi đây. Hàng ngày lác đác vài du khách dạo qua phố chợ cổ, ngồi uống cà phê, wifi internet ở những dãy chợ. Trong không gian ấy, văng vẳng những bản nhạc hiện đại cả tiếng Việt và nước ngoài.
Nhiều lần chúng tôi đưa du khách lên Cao nguyên đá, một trong những mong muốn của họ là được đến thăm phố chợ cổ Đồng Văn. Nơi vẫn còn đó những cột nhà bằng đá ám khói, ghi dấu hàng ngàn phiên chợ đã diễn ra ở đây trong cả thế kỷ đã qua. Từ phiên chợ này, đã có biết cao cuộc trò chuyện, tâm tình, biết bao đôi lứa tìm thấy nhau trên miền đá. Nhưng lần nào cũng vậy, trong khi tôi đang suy tưởng về những phiên chợ đậm sắc màu một thời ở đây thì sực hiện ra trước mắt là dáng mấy cô bán cà phê tóc đỏ, tóc vàng vồn vã mời chào uống nước!?.
Nhìn vào chợ cổ Đồng Văn hiện nay, không biết là chợ hay quán nữa. Tại các gian hàng cà phê, quán ăn dưới những dãy chợ cổ là hình ảnh những tấm bạt, những tấm gỗ, hàng quầy quây bọc, đến đêm các chủ quán lại úm bạt kín để bảo vệ hàng khiến cho kiến trúc chợ cổ độc đáo bỗng trở nên tầm thường. Trước đây ở cổng chợ, người ta còn treo cả tấm biển điện tử to đùng chạy dòng chữ “chợ cổ Đồng Văn” bằng cả tiếng Anh và Việt khiến du khách không khỏi sửng sốt, chợ cổ thời 4.0 chăng!? Nhiều lần, báo chí phản ánh về sự luộm thuộm ở phố chợ cổ Đồng Văn bởi sự thiếu hợp lí trong quản lí, cải tạo và thiếu mỹ quan trong hoạt động buôn bán ở nơi đây. Việc tổ chức một vài sự kiện văn hóa hàng năm ở đây cũng không thể làm sống lại cái không khí vốn có trước đây.
Không ít ý kiến thắc mắc, vẫn gọi là chợ mà sao không có bà con các dân tộc vậy!? Bảo tồn phải bao gồm cả vật thể và phi vật thể chứ, phố chợ cổ chỉ là phần xác, còn bà con các dân tộc mới là chủ thể, hồn cốt để tạo nên một phiên chợ độc nhất vô nhị trên đất Hà Giang chứ. Bảo tồn xong mà như thế này thì chỉ nên gọi là “chợ mới”.
Chợ cổ Đồng Văn hiện tại. |
Có nhiều ý kiến cho rằng, từ khi rời chợ đi nơi khác, đến Đồng Văn người ta không còn nghĩ đến văn hóa xuống chợ nữa. Nhà văn Đỗ Bích Thúy, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội tiếc nuối nói với chúng tôi: “Đồng Văn đánh mất chợ rồi”. Còn anh Nguyễn Văn Kiên, cán bộ Ủy ban Olympic Quốc gia Việt Nam, cho biết: “Đồng Văn không cẩn thận lại giống như Sa Pa bây giờ. Nếu không thực hiện tốt việc quy hoạch đô thị, giữ gìn bản sắc, dễ rơi vào tình trạng miền núi không ra miền núi, đồng bằng không ra đồng bằng”...
Ai đã từng đi chợ cổ Đồng Văn trước đây đều dễ dàng cảm nhận cái đẹp, cái vui, cái đầm ấm của phiên chợ nổi tiếng này. Đặc biệt, giữa mùa Đông bao la sương khói và cái lạnh đến thấu xương của Cao nguyên đá, phố chợ cổ như một vườn hoa đa sắc màu “nở tung”, là nơi thắt chặt tình cảm, tình đoàn kết giữa các dân tộc trên miền đá. Nhiều chuyên gia khẳng định, chợ cổ Đồng Văn trước đây là không gian văn hóa độc đáo và hiếm có, vì thế mà nó được duy trì cả một thế kỷ.
Đã có nhiều ý kiến về việc có nên duy trì họp chợ ở chợ cổ Đồng Văn hay không hoặc làm một điều gì đó để giữ được cái hồn cốt vốn có ở đây. Để phát huy được giá trị, tạo nên điểm nhấn về văn hóa, du lịch, thương mại thực sự cho huyện Đồng Văn nói riêng và cho Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung, chúng ta rất cần có sự nghiên cứu một mô hình hoạt động, có thể chỉ là việc trả lại một phần bản sắc cho phố chợ cổ Đồng Văn.
Chợ cổ Đồng Văn là một “đặc sản” về kiến trúc và không gian văn hóa mà Cao nguyên đá từng may mắn có được. Vậy nên chăng, để giữ gìn thứ “đặc sản” này, cần đưa bà con các dân tộc về chợ, tổ chức lại một phần phiên chợ này song song với chợ mới hiện hành!?.
Anh Nguyễn Thanh Giang, Phó trưởng BQL Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn chia sẻ, nên đưa những gian hàng như trang phục truyền thống, vải vóc, nông cụ, sản phẩm nông lâm thổ sản, ăn uống trao đổi đơn thuần về chợ cổ. Một số hàng hóa như thực phẩm tươi sống, gia súc, gia cầm, hàng hóa có thể phát sinh rác, ô nhiễm hoặc hàng hóa có giá trị lớn như điện máy không bán ở đây. Nếu làm được như vậy, chắc chắn một hình ảnh về thị trấn Đồng Văn đầy cá tính sẽ trở lại, tạo thêm sức hút đặc biệt cho Cao nguyên đá những ngày cuối tuần. Đặc biệt nhất là việc phục vụ nhu cầu xuống chợ giao lưu, tâm tình của bà con; đáp ứng với Khuyến nghị của Chuyên gia Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu về bảo tồn văn hóa bản địa; thực hiện đúng Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người.
Chợ cổ Đồng Văn khi tìm lại bản sắc truyền thống sẽ không còn những tiếng xì xèo, nuối tiếc về một phiên chợ tuyệt đẹp và hấp dẫn đã từng có ở đây. Vì thế, rất cần sự tham gia phản biện, xây dựng của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lí, chính quyền huyện Đồng Văn nhằm xây dựng phố chợ cổ Đồng Văn hướng tới tương lai bền vững.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc