Miên man những sắc màu trên Cao nguyên đá
BHG - Lên Cao nguyên đá Hà Giang đúng thời điểm mùa Tam giác mạch (TGM) bung hoa, bạn sẽ bị choáng ngợp giữa những rừng hoa bạt ngàn. Khắp sườn núi đá tai mèo, dưới những thung lũng, người dân gieo trồng nhiều Tam giác mạch và đến khi hoa nở, du khách mới ngẩn ngơ trước sắc thắm miên man.
Đoàn Báo Hải Phòng chụp ảnh hoa Tam giác mạch ở Sủng Là, huyện Đồng Văn. Ảnh: TƯ LIỆU |
Cứ mỗi độ tháng 10, vào lúc cuối Thu, đầu Đông; ấy là lúc Hà Giang lại trở thành điểm hẹn du lịch được nhiều người lựa chọn, bởi lúc này đang là thời kỳ hoa TGM nở rộ, khoe sắc rực rỡ. Dọc con đường Hạnh phúc (Quốc lộ 4C) từ thành phố Hà Giang qua bốn huyện Cao nguyên đá: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn; không chỗ nào dứt sắc hoa. Hoa TGM nối nhau, tiếp lửa cho nhau, từ ven đường lên vách núi cheo leo, từ giữa bạt ngàn đá xám dựng nhọn hoắt lô nhô đến tận chân Cột cờ Lũng Cú; sắc hoa vẫn rạng rỡ trong gió núi buốt lạnh. Ngắm những bông hoa TGM, thấy trong lòng dâng lên cảm xúc thật khó tả, thật mãnh liệt. Không còn là sắc hoa cụ thể nữa, hoa TGM là linh hồn của Cao nguyên đá; hoa phải gồng mình chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Thiếu đất, thiếu nước triền miên, hoa phải nhọc nhằn bám đá để sinh tồn, phải đối mặt với nắng gắt như thiêu mùa hạ, với lạnh thấu xương triền miên mùa Đông dài tê tái, cho nên những bông hoa luôn bừng bừng trong sương núi giá buốt như những chấm lửa hồng ấm áp. Mỗi nương hoa là một “quầng lửa” lộng lẫy, xua đi bao giá buốt, gian nan vất vả và cả những thiệt thòi của người dân nơi miền đá. Bước xuống ruộng hoa tràn ngập màu sắc, mới nở, hoa có màu trắng; sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím, rồi cuối cùng là đỏ sậm. Đến đây, đôi chân của du khách sẽ tự nhẹ bẫng và thả hồn thênh thang theo hương hoa; những mệt mỏi, lo âu và cả sự hối hả của cuộc sống thường nhật sẽ bị cuốn trôi theo những cơn gió, cứ thế trôi mãi, trôi mãi và đem lại cho du khách những phút giây thư thái tuyệt vời.
Những năm gần đây, ngoài làm lương thực, người dân còn trồng hoa để tạo thành những điểm du lịch; có thể thấy một vài điểm trồng hoa TGM nổi tiếng ở huyện Đồng Văn, như: Sủng Là, Lũng Cú, Phó Bảng... Với người dân, hạt TGM còn được nhiều loại bánh, nấu rượu; ngọn cây khi còn non là loại rau ăn ngọt và mát. Hoa TGM không chỉ trở thành biểu tượng của vùng núi cao Hà Giang, mà mỗi khi nhắc đến nó, người ta nhớ ngay đến vùng đất của những cung đường đèo quanh co, nguy hiểm cùng những dãy núi đá tai mèo cao chót vót và sắc nhọn.
Năm nay, Ban tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh lấy tên gọi “Lễ hội Hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ IV, năm 2018”, với chủ đề “Cao nguyên đá rạng rỡ những mùa hoa”. Các hoạt động như: “Không gian trưng bày văn hóa, du lịch và các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc Hà Giang” tại Hà Nội từ ngày 28 - 30.9.2018 đã diễn ra thành công và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách trong nước và quốc tế; sự kiện thu hút trên 20.000 lượt khách tham quan. Chương trình đã góp phần quan trọng vào công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế cùng những giá trị văn hóa du lịch của Hà Giang; thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế đến tìm cơ hội đầu tư, giao lưu, hợp tác phát triển và hội nhập, nhằm xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia. Đồng thời, tôn vinh các giá trị nhân văn của các dân tộc của tỉnh Hà Giang cùng các sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn, các làng nghề thủ công mỹ nghệ, trò chơi dân gian của các dân tộc Hà Giang với du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chương trình đã góp phần tuyên truyền, quảng bá sâu, rộng về Lễ hội Hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ IV tới du khách.
Một số hoạt động nổi bật của “Lễ hội Hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ IV, năm 2018”, đó là: Tại huyện Đồng Văn diễn ra Triển lãm ảnh Công viên Địa chất, tái hiện lại không gian văn hóa chợ Phố cổ Đồng Văn; tổ chức Hội thi, trình diễn quay sản phẩm mật ong Bạc hà và Hội thảo khoa học bàn về các giải pháp nâng cao giá trị của sản phẩm mật ong Bạc hà tại huyện Đồng Văn; Hội thi bò đẹp huyện Đồng Văn lần thứ II năm 2018; tổ chức con đường hoa tại Phố cổ Đồng Văn; Ẩm thực bittet thịt bò trên Cao nguyên đá; tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tại khu di tích Nhà Vương; giới thiệu sản phẩm mỳ TGM; hoạt động du lịch trải nghiệm… Tại huyện Mèo Vạc sẽ tổ chức không gian văn hóa chợ đêm gắn với giao lưu dân ca, dân vũ; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; thi chim Họa Mi hót; thi chụp ảnh đẹp với chủ đề “Sắc màu Mèo Vạc”; tổ chức giải leo núi chinh phục Vách đá trắng Mã Pì Lèng và các hoạt động trải nghiệm tham quan, chụp ảnh… Tại huyện Yên Minh sẽ tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, huyện Yên Minh lần thứ III, năm 2018; tổ chức Tết cá của người Tày. Tại huyện Quản Bạ tổ chức Lễ hội Dệt lanh và Lễ hội Đền Bình An; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc huyện Quản Bạ; Lễ hội Đua thuyền Kayak; Lễ hội Ẩm thực, làng nghề và các hoạt động du lịch trải nghiệm.
Thật kỳ diệu khi loài hoa TGM xưa cứu đói của đồng bào Hà Giang, nay bỗng trở thành “đặc sản” văn hóa của tỉnh nhà, sứ giả kết nối hàng triệu trái tim. Hà Giang đã sẵn sàng đón chào du khác đến với mùa hoa TGM năm 2018, chắc chắn du khách sẽ có những kỷ niệm khó quên.
VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc