Khó khăn trong tuyển sinh bậc THPT ở Đồng Văn
BHG - Những năm qua, lĩnh vực giáo dục - đào tạo của huyện Đồng Văn đã có những bước tiến mới trong việc huy động học sinh bậc Mầm non, Tiểu học và THCS đi học đúng độ tuổi. Tuy nhiên, ở bậc THPT số lượng học sinh theo học lại đang giảm, nhiều năm liền Trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Văn không tuyển đủ số học sinh theo yêu cầu.
Cơ sở vật chất Trường THPT Đồng Văn được tu sửa khang trang. |
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lương Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Văn cho biết: Theo kế hoạch, năm học 2018 - 2019, nhà trường tuyển sinh 328 em vào học lớp 10. Tuy nhiên, tính đến trước ngày khai giảng, nhà trường mới tuyển được gần 2/3 số học sinh. Nguyên nhân của tình trạng trên do điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn; một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ việc cho con em đi học,... Hơn nữa, trong những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học đi lao động trái phép ở Trung Quốc vẫn còn; nhiều học sinh học hết bậc THPT và theo học chuyên nghiệp nhưng không xin được việc làm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các em; nhiều em học hết lớp 9 đã chuyển hướng học nghề hoặc đi lao động phổ thông.
Cũng theo cô giáo Lương Thị Ngọc, mặc dù tỷ lệ học sinh lớp 10 nộp hồ sơ theo học tại trường năm nay không đạt so với kế hoạch, nhưng vẫn cao hơn năm trước. Trong năm học này, thực hiện công tác tuyển sinh, ngay từ tháng 7, nhà trường đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, tuyên truyền tới các phụ huynh và học sinh về chế độ, chính sách ưu tiên cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn học THPT như: Học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí và hỗ trợ 100 nghìn đồng/học sinh/tháng; giảm 50% học phí đối với học sinh hộ cận nghèo; giảm 70% đối với học sinh DTTS vùng đặc biệt khó khăn; học sinh vùng đặc biệt khó khăn, ở bán trú được hỗ trợ tiền ăn 40% mức lương tối thiểu, tương đương 556 nghìn đồng/học sinh/tháng và hỗ trợ tiền thuê trọ với định mức tương đương 139 nghìn đồng/học sinh/tháng; hỗ trợ 15 kg gạo/học sinh/tháng. Riêng các em học sinh DTTS rất ít người ở bán trú được hỗ trợ 60% mức lương tối thiểu, tương đương số tiền 834 nghìn đồng/học sinh/tháng... Những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã phần nào khuyến khích, giúp các em giảm bớt khó khăn khi theo học bậc THPT tại huyện. Nhưng trên thực tế, để “hút” các em theo học THPT không dễ, cô Lương Thị Ngọc thừa nhận.
Để nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh và học sinh về việc “Học tập suốt đời”, “Học để ngày mai lập nghiệp”, thiết nghĩ các cấp, ngành, các trường học trên địa bàn huyện Đồng Văn cần tăng cường tuyên truyền; ngoài các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, huyện cần có cơ chế riêng trong việc định hướng, hỗ trợ các em học hết bậc THPT vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; có hướng chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới cho các em... như vậy mới giúp các em yên tâm học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong giai đoạn mới.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc