Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở Mèo Vạc
BHG - Huyện Mèo Vạc có trên 90% đồng bào dân tộc Mông; cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông đang dần bị mai một. Vì vậy các cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đang chú trọng khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Mông trên địa bàn.
Hiện nay dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mèo Vạc vẫn lưu giữ rất nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống, những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, lao động, như: Tục lệ đám cưới cổ truyền; các làn điệu dân ca; trang phục; lễ đặt tên trưởng thành; bài thuốc dân gian; làm khèn, sáo Mông; hát đối giao duyên; múa khèn… Nghề truyền thống, như: Dệt vải, thêu, đan lát, làm hương… được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phục vụ nhu cầu gia đình. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức thi đấu, vui chơi thường xuyên, như: Đẩy gậy, kéo co; ném pao; đánh yến; thi múa khèn… được duy trì.
Phụ nữ dân tộc Mông thi dệt vải tại Lễ hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc lần thứ III, năm 2017. |
Với mục đích bảo tồn, khôi phục, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, đồng thời cải tạo các hủ tục trong việc cưới, việc tang, nhằm góp phần phát triển văn hóa, xã hội, phấn đấu giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn… huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh nhiều giải pháp giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông như: Tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phát huy Hội Nghệ nhân dân gian các xã, thị trấn, người có uy tín trong cộng đồng; tăng cường hoạt động của Đội tuyên truyền văn hóa lưu động; tổ chức chương trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong huyện; mở các lớp truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Mông; các loại hình nghệ thuật dân gian, chế tác nhạc cụ dân tộc; duy trì các bước trong lễ trưởng thành, lễ ăn hỏi, lễ đặt tên; gìn giữ nghề trồng lanh, dệt lanh, trang phục của phụ nữ dân tộc Mông, kiến trúc nhà ở;...
Hiện nay, trên địa bàn huyện đa số người Mông giữ được tiếng nói của dân tộc. Tuy nhiên, lớp trẻ con em dân tộc Mông ra ngoài học, đi làm rất ít sử dụng và không biết tiếng nói của dân tộc mình. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật như: Các làn điệu dân ca, điệu múa, các câu chuyện cổ tích về đời sống sinh hoạt của dân tộc Mông cũng bị mai một; một bộ phận giới trẻ không hứng thú với loại hình nghệ thuật dân gian…
Qua tìm hiểu, được biết Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi được xây dựng nhằm bảo tồn và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mông: Các dãy nhà ở theo lối kiến trúc truyền thống; thưởng thức các làn điệu múa khèn, trải nghiệm dệt lanh…; các Lễ hội Gầu Tào, Tết cổ truyền được tổ chức tại sân khấu chung của làng, được thưởng thức và trải nghiệm nấu các món ăn: Mèn mén, thắng cố, thịt treo gác bếp… cùng những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người Mông. Nghệ nhân múa khèn Giàng Chí Pó tâm sự: Tôi thường đến làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tập cho các cháu những điệu múa khèn và giới thiệu cho du khách về khèn mỗi khi đến thăm làng.
Đồng chí Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông, huyện tiếp tục lựa chọn một đến hai dòng họ Mông làm chuẩn trong phát âm để dạy cho cán bộ, học sinh; mở các lớp dạy viết chữ Mông; khôi phục, chế tác các nhạc cụ truyền thống như khèn, đàn tròn; truyền dạy hát, múa các làn điệu dân ca cho lớp trẻ; vận động các gia đình người Mông cải tạo, giữ gìn nhà cổ truyền thống, xếp bờ rào đá; xây dựng các làng nghề truyền thống...
Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở Mèo Vạc đã và đang được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm, góp phần xây dựng nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trên vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc