Xây dựng "Quỹ tủ sách cho em" ở Bắc Quang
BHG - Sách được xem là kho tàng tri thức của nhân loại. Không biết tự bao giờ, sách đã đi vào cuộc sống của chúng ta; bởi đọc sách, giúp ta tích lũy được kinh nghiệm, mở mang kiến thức để hướng tới tương lai. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của sách, bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, Phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang chính thức khởi động Chương trình xây dựng “Quỹ tủ sách cho em”.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tân Lập tham gia đọc sách tại “Thư viện ngoài trời”. |
Theo thầy giáo Lại Linh Cương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBTTH) Tân Lập, năm học 2018 - 2019, nhà trường đón 200 học sinh, với 17 lớp học tại 7 điểm trường các thôn, bản. Các em đều là người dân tộc Dao, Mông, Pà Thẻn và có đến 119 em ở bán trú tại trường chính. Do vốn ngôn ngữ tiếng Việt của nhiều em còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức các môn học và tham gia các hoạt động của trường. Bên cạnh “Thư viện trường học”, góc “Thư viện lớp học”; 3 năm qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh góp sức xây dựng “Thư viện ngoài trời” để thu hút các em đọc sách, củng cố vốn từ vựng tiếng Việt. Đặc biệt, từ khi có phong trào gây “Quỹ tủ sách cho em”, ngoài trích một phần Quỹ tự chủ, trường còn vận động cán bộ, giáo viên ủng hộ, đóng góp khoảng 2 triệu đồng để có tiền mua thêm các đầu sách. Hiện tại, “Thư viện ngoài trời” có đến 700 cuốn sách tham khảo, báo, tạp chí, truyện tranh thuộc các lĩnh vực khác nhau; phù hợp với từng lứa tuổi học trò. Nhằm phát huy tinh thần tự quản của học sinh, nhà trường phân công các em ở bán trú quản lý, sắp xếp, quan sát việc tham gia sử dụng sách của các bạn.
Dưới không gian thư viện làm bằng tre, nứa, thân thiện và gần gũi với môi trường; mỗi ngày đến trường hay những giờ ra chơi, các em đều có thể tìm đọc những cuốn sách mà mình yêu thích để kích thích trí tò mò, tự học, tự sáng tạo. Em Phàn Mai Nga, học sinh lớp 5A, Trường PTDTBTTH Tân Lập hào hứng chia sẻ: “Em là người dân tộc Dao, ngày nào cũng vậy, em dành 15 phút để đọc sách; vì ở đây có nhiều loại sách hay, hấp dẫn. Nga hay nhắc nhở các bạn không được xé, để sách bừa bãi; mà phải giữ gìn, nâng niu thật cẩn thận... Là học trò chăm chỉ, chịu khó học tập; năm học 2017 - 2018, em đạt thành tích vượt trội môn Toán, tiếng Việt. “Thư viện ngoài trời” đã đem lại cho em và các bạn niềm vui, sự đoàn kết, gắn bó để cùng nhau học tập tiến bộ hơn”.
Với sự chung tay của xã hội, qua thời gian triển khai thực hiện “Quỹ tủ sách cho em”, 15 trường Tiểu học khó khăn trên địa bàn đã tiếp nhận 5.000 cuốn sách; bao gồm các thể loại: Sách giáo khoa, truyện, tài liệu tham khảo do các nhà giáo, nhà hảo tâm trao tặng học sinh, với tổng trị giá trên 30 triệu đồng. Đến nay, toàn bộ các đơn vị trường học đều tham gia Quỹ, quyên góp được hơn 140 triệu đồng và đang phối hợp với các tổ chức từ thiện tìm kiếm địa chỉ mua sách phù hợp với điều kiện hiện có.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang, Phạm Hồng Thanh cho biết: “Ý tưởng thành lập “Quỹ tủ sách cho em” xuất phát từ việc số đầu sách thư viện nhà trường chưa đa dạng, chủ yếu là sách tham khảo; một số điểm trường vùng cao thiếu sách đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Sau khi sáp nhập, năm học này, huyện có 71 trường học với trên 26.000 học sinh. Trung bình, mỗi trường có ít nhất 2 loại hình thư viện, luân chuyển sách theo năm học. Khi nguồn sách đến tay, các trường sẽ ưu tiên bổ sung cho các điểm trường chưa có sách; đây là hoạt động xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực gắn với tôn vinh giá trị của sách và nâng cao văn hóa đọc.
Hy vọng với sự lan tỏa, “Quỹ tủ sách cho em” không chỉ mang đến tri thức cho học sinh huyện Bắc Quang mà còn có thể nhân rộng khắp các địa bàn trong toàn tỉnh. Qua đó, giúp học sinh vùng đặc biệt khó khăn có thêm cơ hội nắm bắt được những tri thức quý giá, chắp cánh ước mơ, hoài bão từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc