Vận động đầu tư qua mạng xã hội hiệu quả thiết thực ở Quản Bạ
BHG - Trong 2 năm, từ 2016 – 2018, huyện Quản Bạ đã huy động được 17,77 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 59 phòng lớp học, 26 phòng lưu trú học sinh, 10 phòng lưu trú giáo viên và 15 công trình khác như sân bê - tông, bờ kè, nhà vệ sinh, xóa được 16 điểm trường tạm… Trong đó, nhiều công trình có được nguồn vốn tài trợ từ những thông tin lãnh đạo huyện chia sẻ trên mạng xã hội.
Điểm trường Mầm non Giàng Chu Phìn, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) do Đoàn từ thiện Hà Nội và Hải Phòng tài trợ xây dựng năm học 2017 - 2018. |
Khi lãnh đạo huyện “chơi” facebook, zalo
Nhớ lại điểm trường đầu tiên được xây dựng từ việc kêu gọi, kết nối với nhà hảo tâm thông qua mạng xã hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Sèn Thăng Long không giấu được niềm vui, anh hào hứng chia sẻ: Điểm trường Thào Chư Phìn, xã Bát Đại Sơn được xếp vào diện khó khăn nhất của huyện, bởi nơi đây nằm trên núi cao, chưa có đường giao thông. Khi chúng tôi kết nối được với nhà tài trợ - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển THT Việt Nam (Hà Nội), thì cái khó đặt ra là làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho nhà tài trợ biết được thực tế địa hình, từ đó có phương án xây dựng cụ thể. Và giải pháp đưa ra là huyện chủ động gửi hình ảnh từ mặt bằng, quy mô đầu tư, những phần huyện, xã và nhân dân chủ động đối ứng... qua facebook để nhà tài trợ nắm được, sau đó họ mới lên khảo sát thực tế và quyết định đầu tư. Trong suốt quá trình xây dựng điểm trường, chúng tôi thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin qua mạng xã hội, chỉ đến khi khánh thành họ mới bố trí lên dự…
Trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách hết sức hạn hẹp, để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn, huyện Quản Bạ đã tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa, kết nối với các nhà tài trợ thông qua mạng xã hội. Đơn cử như, 2 năm từ 2016 – 2018, huyện đã huy động được 17,77 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 59 phòng học, 36 phòng lưu trú học sinh, giáo viên và 15 công trình khác như sân bê - tông, bờ kè, nhà vệ sinh, xóa được 16 điểm trường tạm. Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, đồng bào các xã ở Quản Bạ đã yên tâm hơn khi con em mình được học trong lớp học kiên cố, sạch sẽ, có đầy đủ đồ chơi, nhà vệ sinh, bếp ăn…
Với kinh nghiệm kết nối đầu tư xây dựng điểm trường qua facebook, zalo, Phó Chủ tịch UBND huyện Sèn Thăng Long tâm sự: Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, chúng tôi luôn day dứt mỗi khi đến thăm các điểm trường, nhìn các em học trong căn phòng tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ. Trong thời buổi công nghệ số, tôi thấy hiện có rất nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện trao đổi thông tin trên mạng xã hội, vì vậy cách kết nối với họ nhanh nhất là mình cũng dùng mạng xã hội. Hiện nay, còn gần 30 thôn chưa có điểm trường kiên cố, huyện đã xây dựng 30 dự án kêu gọi xã hội hoá. Tuỳ điều kiện của từng tổ chức, cá nhân, huyện sẽ lựa chọn dự án, địa điểm, gửi các hình ảnh cho nhà tài trợ để 2 bên cùng thống nhất cách thức triển khai.
Xin tài trợ qua mạng xã hội
Để xây dựng những điểm trường, còn cần sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nhà trường và phụ huynh học sinh đóng góp công sức, thể hiện trách nhiệm đối với công tác giáo dục tại cơ sở. Cô Vũ Thị Tám đã có hơn chục năm làm Hiệu trưởng các trường Mầm non trên địa bàn huyện Quản Bạ chia sẻ: Tôi có duyên kết nối với các nhà tài trợ khi ở điểm trường thôn Lùng Hóa, xã Lùng Tám có Đoàn từ thiện Hà Nội lên giúp đỡ xây điểm trường. Tuy nhiên, đó là một tổ chức thiện nguyện, vốn của họ không nhiều, cần có thêm sự giúp sức của chính quyền địa phương và phụ huynh trong giải phóng mặt bằng, vận chuyển vật liệu xây dựng. Các thầy, cô giáo cũng lăn vào cùng làm và tuyên truyền phụ huynh tham gia.
Từ điểm trường đầu tiên được xây dựng, đến nay cô Tám đã tham gia vận động xây dựng thêm 7 điểm trường. Theo cô Tám, để xin tài trợ thành công, nhà trường cần tham khảo yêu cầu bên tài trợ cần mình làm gì, rồi tham mưu chính quyền địa phương hỗ trợ, họp giáo viên và phụ huynh để vận động, tuyên truyền; có những điểm trường chúng tôi kêu gọi phụ huynh đóng góp vật liệu, ngày công lên đến hàng trăm triệu đồng. Có những nhà tài trợ họ chỉ xây lớp học, mình phải có kế hoạch vận động, lên danh sách những thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, ăn bán trú, liên hệ với họ qua zalo, gửi ảnh chụp, trao đổi trực tiếp. Nhiều tổ chức từ thiện, họ thấy mình nhiệt tình, trách nhiệm nên đã giới thiệu thêm các tổ chức lên xây điểm trường; có những điểm trường, mình xin được hàng trăm triệu đồng trang bị đầy đủ đồ dùng học tập - cô Tám chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Sèn Thăng Long tâm sự: Trong thời buổi công nghệ số, việc sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, phản ánh được nhanh, chính xác những vấn đề mình đang quan tâm. Nếu chúng ta sử dụng mạng xã hội để vận động đầu tư, tương tác với người dân thì sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc