Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ: Phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở
BHG - Phân luồng học sinh sau THCS được xác định là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì vậy, ngày 5.12.2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW, về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS; tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn, trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14.5.2018, phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Đề án đã đưa ra mục tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương và ngành Giáo dục, công tác phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh ta đạt được một số kết quả, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết; việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. Hầu như học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT hoặc nghỉ học đi làm thuê, đặc biệt đáng báo động nhiều học sinh các xã biên giới vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Từ đó, tỷ lệ học sinh sau THCS sang học các hệ nghề còn thấp, năm 2017 tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề ước đạt 3%, thực trạng này gây ra nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh đối với các trường Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn tỉnh.
Trong bối cảnh đó, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và công nghệ (KT&CN) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác tuyển sinh năm học 2018 – 2019. Sau khi kết thúc tuyển sinh đợt 1.2018, nhà trường tuyển được 337 học sinh hệ Trung cấp, đạt trên 84% kế hoạch. Trong đó, hầu hết là học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký tham gia các ngành học tại trường, cụ thể: Công nghệ ô – tô, 80 học sinh; may thời trang, 76 học sinh; vận hành nhà máy thủy điện, 29; quản trị cơ sở dữ liệu, 31 em; điện dân dụng, 15 em; kỹ thuật xây dựng, 13 em… Kết quả trên cho thấy, công tác tuyển sinh đợt 1 của nhà trường cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề.
Có được kết quả đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng KT&CN tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tuyển sinh. Trong đó, giải pháp mang tính đột phá, hiệu quả nhất là việc nhà trường chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị trong công tác tuyển sinh, đặc biệt việc phân luồng học sinh sau THCS. Tổ chức ký kết với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để bảo đảm các điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành, thực tập tốt nghiệp; gắn kết nội dung đào tạo với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng theo hình thức “đơn đặt hàng” trong đào tạo lao động, giải quyết tốt việc làm và thu nhập cho học sinh, sinh viên ngay trong thời gian thực hành, thực tập và sau khi tốt nghiệp. Từ đó tạo niềm được niềm tin, giải tỏa tâm lý của học sinh cũng như các bậc phụ huynh trong việc định hướng, lựa chọn con đường đi cho con em sau khi tốt nghiệp THCS.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng tuyển sinh trong thời gian tới, nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sư quan tâm lãnh, chỉ đạo và phối hợp thực hiện của các cấp, ngành trong công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó sự thay đổi về nhận thức của xã hội, đặc biệt các bạn trẻ về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tự định hướng cho bản thân trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Nguyễn Trọng Nam (Trường Cao đẳng KT&CN tỉnh)
Ý kiến bạn đọc