Mèo Vạc gìn giữ bản sắc văn hóa thông qua làm du lịch
BHG - Huyện Mèo Vạc nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá (ĐCTC – CNĐ) Đồng Văn với nhiều danh lam thắng cảnh; một miền núi đá với nhiều câu chuyện tình yêu; một trong những miền đất hứa để phát triển du lịch. Từ lợi thế trên, huyện Mèo Vạc đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đưa du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Du khách trải nghiệm hoạt động cưỡi ngựa về Chợ tình Khâu Vai. |
Đến với Mèo Vạc, du khách sẽ được đắm mình trong không gian miền đá hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng với những dãy núi đá tai mèo lởm chởm, trùng điệp, những cung đường đèo uốn lượn giữa lưng trời, rất nên thơ và hữu tình. Vì vậy, từ lâu Mèo Vạc trở thành địa điểm lý tưởng để ghi lại khoảnh khắc tuyệt diệu nhất và rất thích hợp với những ai muốn phiêu lưu mạo hiểm, chinh phục những cung bậc cảm xúc. Đặc biệt, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, mỗi điểm đến gắn liền với những truyền thuyết, câu chuyện ly kỳ như: Chuyện tình chàng Ba và nàng Út; sự tích Vách đá trắng trên đỉnh núi Cô tiên; Mê Cung đá… Mèo Vạc càng đẹp hơn trong mỗi chợ phiên, tại đây du khách được chiêm ngưỡng bức tranh đầy sắc màu của người dân vùng cao; được hòa mình vào các lễ hội, thưởng thức những món ăn truyền thống, ngắm nhìn những bộ trang phục đầy sắc màu và đắm say trong lời ca, tiếng hát của đồng bào các dân tộc.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) điểm đến hấp dẫn du khách. |
Hiện nay, Mèo Vạc có 5 di tích văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia, gồm: Danh thắng Mã Pì Lèng; hóa thạch Huệ biển; hang Rồng; Lễ hội Mừng năm mới của dân tộc Giáy; tri thức canh tác thổ canh hốc đá của cư dân Cao nguyên đá. Bên cạnh đó, Mèo Vạc còn có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, các lễ, hội truyền thống mang đậm giá trị nhân văn được giữ gìn và phát huy như: Lễ hội Chợ tình Khâu Vai; Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; Lễ cầu mưa của dân tộc Lô Lô; Múa trống của dân tộc Giáy… Nhiều điểm đến hấp dẫn, mang tính trải nghiệm cao như: Làng Văn hóa du lịch (LVHDL) cộng đồng thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; LVHDL cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; LVHDL cộng đồng Lô Lô xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc…
Với nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch miền núi đá, từ khi Nghị quyết số 35/NQ-HĐND tỉnh quy định một số chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, 12 hộ thuộc LVHDL cộng đồng thôn Tát Ngà được hỗ trợ 720 triệu đồng để xử lý chất thải rắn và xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch. Các chính sách khuyến khích của nhà nước đã góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch ở địa phương, gắn với giữ gìn bản sắc dân tộc của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Riêng trong 7 tháng đầu năm, huyện Mèo Vạc đã đón hơn 27 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Đồng chí Nguyễn Thị Chanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ban, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mở rộng các dịch vụ homestay; đầu tư xây dựng các LVHDL cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới; nâng cấp, cải tạo nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các trạm dừng chân; cải tạo, vệ sinh môi trường; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm truyền thống địa phương, các điểm du lịch đến với du khách…
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc