Mã Pì Lèng – "Đệ nhất hùng quan"

15:08, 11/08/2018

BHG - Mã Pì Lèng được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”, là đoạn Quốc lộ 4C dài khoảng 20 km nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là đoạn khó khăn nhất, hào hùng nhất của con đường Hạnh phúc, là đường đèo hiểm trở bậc nhất trên Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây chứa đựng nhiều cảnh quan hùng vĩ và những di sản địa chất có giá trị.

Mã Pì Lèng có rất nhiều tên gọi khác như: Mũi ngựa mát, tuyết bám mũi ngựa hay dốc ngựa chết,... Tất cả tên gọi đều nói đến mức độ hiểm trở của con đèo này. Nếu như một điểm du lịch mà chỉ toàn những hiểm trở thì không phải du khách nào cũng thích mạo hiểm, khám phá. Nhưng trải dài dưới chân đèo này có dòng sông Nho Quế giống như một dải lụa mềm mại, xanh ngát tạo nên những bức tranh hùng vĩ, làm dịu bớt sự mạo hiểm của những vách đá, những khối đá lô nhô như hổ đá cũng hóa dịu dàng, nên thơ.

Cung đường đèo Mã Pì Lèng uốn lượn qua sườn núi.
Cung đường đèo Mã Pì Lèng uốn lượn qua sườn núi.

Mã Pì Lèng là khu vực được cấu tạo bởi các loại đá vôi hình thành trong môi trường biển cách đây khoảng vài trăm triệu năm. Du khách khi đến đây có thể bắt gặp nhiều giống loài cổ sinh như: Trùng thoi, San hô, Huệ biển… Đèo Mã Pì Lèng xứng đáng là “Đệ nhất hùng quan” của Hà Giang. Để đến được Mã Pì Lèng, một trong 11 điểm du lịch nổi tiếng của Hà Giang, du khách phải vượt qua những cung đường, những khúc cua vô cùng hiểm trở. Ngày 16.11.2009, theo Quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đèo Mã Pì Lèng đã được công nhận là Danh lam thắng cảnh Quốc gia.

Đến đỉnh đèo Mã Pì Lèng ở độ cao 2.000 m, dưới chân đèo là dòng sông Nho Quế như sẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pì Lèng, du khách sẽ ngỡ ngàng giữa không gian vô cùng hùng vĩ của núi rừng hiện lên trên nền trời sáng trong. Ngàn tầng lớp núi trùng trùng điệp điệp và với dòng sông Nho Quế trong xanh, hiền hòa dưới chân núi.

Sông Nho Quế được bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn – Vân Nam (Trung Quốc) với độ cao 1.500 m, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, như những sợi chỉ mảnh màu xanh ngọc bích ẩn hiện giữa núi rừng Đông Bắc hoang sơ, kì vĩ. Hẻm Tu Sản trên sông Nho Quế nổi tiếng là một những hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, nằm giữa Đồng Văn và Mèo Vạc. Từ những mỏm đá cao, có thể phóng tầm mắt ngắm trọn bức tranh dòng sông Nho Quế và hẻm vực Tu Sản với những gam màu, đường nét kỳ bí. Nước sông khúc chảy xiết trắng xóa, khúc lại hiền hòa, lững lờ trôi. Để khám phá hẻm Tu Sản, có thể đi xe máy theo lối mòn trên sườn núi chạy song song với dòng sông phía dưới.

Đặc biệt, một mỏm đá nhô ra từ một vị trí thuộc khu vực Mã Pì Lèng chính là nơi cảm nhận trọn vẹn sự hùng vĩ, bao la của của núi rừng miền đá biên giới phía Bắc. Du khách đứng trên đèo tưởng như ở giữa lưng trời bao la, bát ngát, ngắm nhìn hình sông, thế núi cao vời vợi, nhiều du khách còn ví như “chèo thuyền” trên miền núi đá. Nếu chú ý hơn, du khách còn có thể quan sát đặc điểm địa chất lý thú như mặt trượt đứt gãy; nếp uốn; tháp kim; ranh giới giữa các lớp đá vôi với nhau. Điều đặc biệt hơn, từ nơi đây cũng có thể quan sát thấy di tích đáy thung lũng Mèo Vạc cổ nằm trên sườn ở độ cao 900 m so với mực nước biển, dưới dạng một số quả đồi đẳng thước, khá thoải và đã được một số hộ dân tìm đến sinh sống. Đó có thể coi là di tích thềm sông cổ nhất của cả thung lũng Mèo Vạc cũng như thung lũng dòng sông Nho Quế.

Những cung đường uốn lượn, những mỏm đá lô nhô trùng trùng, điệp điệp và dòng sông Nho Quế hiền dịu như cô gái miền sơn cước xinh đẹp trong mắt mọi người... tất cả những nét đẹp đó nhờ các vận động kiến tạo về sau đã biến khu vực này thành lục địa, tạo ra vô số những uốn nếp, dập vỡ trong các loại đá vôi. Cảnh quan hùng vĩ như ta thấy ngày nay là chủ yếu do hoạt động đứt gãy sông Nho Quế khoảng từ 32 triệu năm trước đến nay, cũng như nhiều quá trình địa chất khác như: Rửa trôi, bóc mòn, san bằng, karrst hóa,... Hẻm vực sông Nho Quế đoạn qua Mã Pì Lèng dài khoảng 1,7 km, sâu tới 700 – 800 m, vách dốc 70 – 80 độ, được coi là hẻm vực sâu nhất Việt Nam và Đông Nam Á nên từ lâu đã được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan”.

Với vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên ban tặng, đèo Mã Pì Lèng đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nhưng cùng với vẻ đẹp đó, nơi đây cũng chứa đựng những nguy hiểm. Vì vậy, du khách khi đến đây cũng nên chú ý đảm bảo an toàn, không nên đứng ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm ở những khu vực không có lan can, nơi có biển cảnh báo nguy hiểm.

Cùng với các giá trị văn hóa khác, như di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh Quốc gia Con đường Hạnh phúc, Tượng đài Thanh niên xung phong,... các di sản địa chất đã góp phần đem lại cho du khách những cảm xúc khó quên nhất về Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn cho ngành du lịch tỉnh

BHG - Tiếp tục Chương trình đào tạo "Xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động tái cơ cấu ngành kinh tế tỉnh Hà Giang đến năm 2030" do UBND tỉnh phối hợp với Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) tổ chức; sáng 31.7, các nhóm tiến hành thảo luận và bàn giải pháp phát triển ngành du lịch tỉnh.

 

31/07/2018
Đoàn T.Ư Hội khuyến học Việt Nam làm việc với Hội khuyến học tỉnh

BHG - Ngày 27.7, Đoàn T.Ư Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam do đồng chí Bùi Thị Kim Dung - Ủy viên Ban kiểm tra HKH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với HKH tỉnh nhằm đánh giá công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, nhất là Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020.

28/07/2018
Hội thảo liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong vùng Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang

BHG - Ngày 26.7, Sở Văn hóa TT&DL phối hợp với UBND huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang tổ chức Hội thảo "Liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong vùng Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang". Dự Hội thảo có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND Vị Xuyên, Bắc Quang và thành phố Hà Giang...

27/07/2018
Dấu xưa thành cổ Lam Kinh

BHG - Hòa trong nắng và gió cùng dòng xe xuôi ngược trên Quốc lộ 47, đầu tháng Bảy, Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang có chuyến hành hương về nguồn, thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - cái nôi của khởi nghĩa Lam Sơn; nơi phát tích dòng họ Đế vương có công bình Ngô giữ nước. Nơi đây còn được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt với nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử - văn hoá thiêng liêng.

 

27/07/2018