Lễ hội Cúng rừng của người Nùng xã Cốc Rế
BHG - Từ lâu, Lễ hội Cúng rừng đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Nùng ở xã Cốc Rế (Xín Mần). Trong quan niệm của người dân địa phương ở đây, “Thần rừng” được coi là một vị thần linh thiêng, che chở cho dân làng trong cuộc sống hàng ngày, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Lễ hội Cúng rừng của đồng bào dân tộc Nùng xã Cốc Rế. |
“Thần rừng” tiếng Nùng được gọi là “Đông Chứ”. Hiện, xã Cốc Rế có 6 thôn thực hiện cúng rừng hàng năm; trong đó, thôn Nắm Ngà, Lùng Vai, Cốc Cái tổ chức cúng vào ngày 29 tháng 5 âm lịch; còn lại 3 thôn Cốc Đông, Tòng Táo và Cốc Rế được cúng vào ngày 30 tháng giêng âm lịch. Tất cả người dân trong thôn đều có ý thức được những điều cấm kị như: Không được chặt cây, phá rừng, săn bắt thú rừng, đã được quy định trong các hương ước, quy ước của thôn, bản mọi người đều biết rõ và có ý nghĩa tuân thủ.
Trước khi tổ chức Lễ hội Cúng rừng, người dân địa phương thường họp bàn về cách thức, địa điểm thực hiện lễ cúng, chọn thầy cúng và chuẩn bị chu đáo lễ vật... Thầy cúng phải là người có uy tín, hiểu được phong tục, tập quán của dân tộc mình và là người được các thế hệ thầy cúng đi trước lựa chọn để truyền dạy các bài cúng. Lễ vật được chuẩn bị với 3 mâm, bao gồm: Mâm thứ nhất là mâm cúng “Thần rừng”, mâm thứ 2 là mâm cúng “Thần thổ địa” và mâm thứ 3 là mâm cúng “Thần mưa thuận, gió hòa” cho mùa màng bội thu. Mỗi mâm được bố trí sắp xếp các lễ vật khác nhau theo quy định của lễ cúng.
Bước vào Lễ cúng rừng, thầy cúng dùng phần ngọn sừng trâu bổ đôi để khấn mời các thần lên mâm. Nếu sừng trâu có 1 miếng ngửa lên, 1 miếng úp xuống thì coi như là các vị thần đã đến trong mâm đầy đủ. Đối với các mâm, lễ vật được chuẩn bị bao gồm: Lợn, gà, rượu, xôi đỏ, hương... Trong đó, mâm cúng “Thần rừng” là mâm quan trọng nhất, được sắp xếp đặt ở vị trí cao nhất. Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ đồ lễ, thầy cúng bắt đầu xin phép “Thần rừng” được tổ chức Lễ cúng rừng cho dân làng trong thôn. Sau đó, lấy những tệp giấy bạc do bà con nhân dân mang đến gấp thành 12 quân tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Các quân giấy bạc có hình dạng như những chiếc thuyền dùng để thay thế cho đồng tiền mà người dân sử dụng thời xưa. Thầy cúng tiến hành thắp 5 cây hương mời các vị thần về dự lễ hội có nội dung “Hôm nay ngày lành tháng tốt, tất cả dân làng tổ chức mâm cúng “Thần rừng”... Các bài cúng được thực hiện đầy đủ các bước theo trình tự: Báo cáo với dân làng, dâng lễ vật, làm thịt gà cho các vị thần, dâng thần và cầu mong các vị thần phù hộ cho cả dân làng được bình an, không có bệnh tật, ốm đau, luôn luôn có sức khỏe lao động sản xuất, phát triển KT - XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết thúc buổi lễ, thầy cúng mời tất cả người dân trong làng cùng hưởng lộc, ăn cơm tại nơi tổ chức lễ cúng.
Bác Vàng Văn Sinh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Cốc Rế cho biết: Lễ cúng rừng là lễ hội truyền thống của người Nùng. Năm nay, Lễ cúng rừng được xã tổ chức gắn với mục tiêu xây dựng Làng Nùng kiểu mẫu ở thôn Nắm Ngà. Lễ hội không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vị trí, vai trò của cộng đồng gắn với thiên nhiên, hòa đồng cùng thiên nhiên, tôn trọng bảo vệ thiên nhiên, coi rừng là cuộc sống, gắn bó với rừng, bảo vệ rừng đã trở thành ý thức của cộng đồng người dân tộc Nùng, được thể hiện ở từng gia đình, làng, bản; cũng từ đó, rừng sinh thủy để phục vụ đời sống sản xuất, cải tạo môi trường sinh thái và có giá trị thực tiễn trong cộng đồng. Mỗi khu rừng thiêng được người dân bảo ve, chăm sóc không những mang lại giá trị vật chất, tinh thần cho cộng đồng làng, bản mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái chung của toàn xã hội...
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc