"Làm du lịch để gìn giữ văn hóa dân tộc"
BHG - Đó chính là trăn trở và cũng là mong muốn của anh Sùng Mí Dình, thôn Xóm Mới, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) khi bắt tay xây dựng Mông homestay (Nhà ở du lịch theo kiến trúc người Mông). Đối với anh Dình, Mông homestay không chỉ để mang lại thu nhập cho gia đình mà còn là khát khao xây dựng một nơi có thể bảo tồn, giao lưu và giới thiệu văn hóa dân tộc Mông nói riêng, văn hóa của mảnh đất địa đầu nói chung đến với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Mông homestay cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 2 km, với không gian mang đậm văn hóa đồng bào dân tộc Mông. Nằm gọn trên một quả đồi, với không gian tuyệt vời; bên phải là ruộng bậc thang trồng lúa nước, bên trái là đồi thông xanh vút tầm mắt; phía trước nhìn xuống toàn cảnh thị trấn Đồng Văn, phía sau Mông homestay “dựa lưng” vào núi. Du khách đến đây đều cho rằng đó là mảnh đất “vàng”, bởi không gian sống lý tưởng, đáng để trải nghiệm.
Lớp dạy tiếng Anh được mở tại Mông homestay. |
Trong câu chuyện với chúng tôi về những ý tưởng lập nghiệp, anh Dình thổ lộ: Năm 2015, anh bắt tay vào xây dựng Mông homestay, với xuất phát ban đầu vì đam mê làm du lịch; mong muốn mang văn hóa của đồng bào đến với mọi người. Từ số vốn 300 triệu đồng, gia đình anh Dình đã xây dựng Mông homestay theo đúng bản sắc văn hóa của đồng bào Mông; với cách trang trí, được trưng bày hết sức tinh tế. Đến nay, Mông homestay đã duy trì lượng khách ổn định, nhất là khách nước ngoài. Với quy mô 5 phòng đơn và 7 giường tập thể, có thể chứa khoảng 20 khách. Mỗi du khách chỉ phải trả 220 nghìn đồng/ngày cho trọn gói các dịch vụ ăn, nghỉ và trải nghiệm tại đây. Vào ngày cuối tuần, các phòng đơn và phòng tập thể đều kín khách. Anh Dình cho biết: Khách đến với Đồng Văn đã không còn theo xu hướng du lịch theo mùa nữa, mà rải đều vào các ngày cuối tuần, các tháng trong năm. Với lượng khách đó, mỗi tháng, Mông homestay có thể mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 15 – 20 triệu đồng. Một số tháng được coi là cao điểm của mùa du lịch có thể cao hơn.
Khi loại hình du lịch hometay phát triển ngày càng mạnh mẽ, thì việc tạo ra sự khác biệt cho homestay của mình là điều thiết yếu. Bên cạnh các hoạt động quen thuộc giống với các homestay như nấu ăn, ca hát, múa dân tộc,... thì tại Mông homestay, du khách còn được trải nghiệm thêm các hoạt động: Đi bộ lên đồi thông, cùng bà con lao động sản xuất… Đặc biệt, anh Dình còn mở một lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho gần 20 cháu nhỏ sống tại thị trấn và người dân có nhu cầu học ngay tại Mông homestay. Các giáo viên tham gia giảng dạy chính là những du khách, không phân biệt giới tính, màu da, hay khoảng cách địa lý; họ tình nguyện dành thời gian dạy các cháu học và cùng chơi các trò chơi dân gian. Không chỉ dừng lại ở đó, anh luôn trăn trở: Làm sao, làm thế nào để bà con cùng nhận thức được, có được những tư duy đổi mới để mạnh dạn làm kinh tế. Anh mời bà con trong thôn đến cùng tham gia giao lưu văn nghệ với du khách nước ngoài, đây là một cách vừa để giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào mình, vừa để bà con nhìn thấy được hiệu quả từ cách làm kinh tế của gia đình anh để làm theo. Anh Dình chia sẻ, đã có nhiều hộ đến tìm hiểu và học tập kinh nghiệm và được anh sẵn sàng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Điệp, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn cho biết: Anh Dình là một điển hình về làm kinh tế giỏi, và cũng là người có công rất lớn trong việc định hướng cho bà con trong thôn thông qua hiệu quả của mô hình homestay của anh. Huyện Đồng Văn nói chung và thị trấn Đồng Văn nói riêng đều có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các mô hình homestay phát triển. Gắn phát triển du lịch với bảo tồn các giá trị văn hóa là điều mà chúng tôi vẫn luôn hướng đến. Đối với Mông homestay luôn được đánh giá rất cao, bởi đây không đơn thuần chỉ là một mô hình kinh tế, mà còn có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thời hội nhập.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc