Mướt xanh tán cọ…

15:49, 20/07/2018

BHG - Xã Phương Thiện quê tôi nằm ở cửa ngõ phía Nam cách thành phố Hà Giang 3 km. Trước đó, xã thuộc huyện Vị Xuyên, một thung lũng nhỏ bao quanh là núi đồi với những tán cọ mướt xanh. Những tán cọ làm nên một miền quê để thương, để nhớ!

Những cây cọ mướt xanh quanh nhà sàn mái cọ của người Tày quê tôi.
Những cây cọ mướt xanh quanh nhà sàn mái cọ của người Tày quê tôi.

Từ nhỏ, tôi đã thấy cây cọ và rừng cọ. Hình ảnh cây cọ và rừng cọ đã khắc sâu trong tôi dấu ấn của quê hương. Cọ trải dài, xanh mướt, phủ kín cả một vùng núi đồi quanh bản. Cây cọ thân hình gai góc với những tàu lá xòe ô luôn hướng về phía trời cao. Có những cây cọ cao vút, cao hàng chục mét, thân cây trơ như thân dừa có tuổi đời hàng trăm năm. Những tàu lá già được mang về lợp mái nhà, theo thời gian ngả màu nâu trầm, bền bỉ vượt qua bao nắng mưa đem lại cái mát mẻ cho ngôi nhà. Cái hồi bản tôi chưa biết đến Nông thôn mới, đường sá vẫn chỉ là đường mòn, từng đoàn người kéo lá cọ về làm nhà, nô nức như trẩy hội, kéo cọ đi qua khiến đường sạch bong. Lớn hơn một chút, hình ảnh cây cọ và rừng cọ quê hương lại mang theo những âm thanh trong trẻo của câu hát, mà tuổi thơ ta, ai chả một lần từng ngân nga:

“Hương rừng thơm đồi vắng

Nước suối trong thầm thì

Cọ xòe ô che nắng

Râm mát đường em đi…”

Ngày ấy, tôi thường theo mẹ lên đồi cọ. Nơi đó có tên gọi theo tiếng Tày là “pác cọ”. Mẹ tôi chặt những lá già, to, gấp xếp từng lá rồi bó chặt lại thành từng gánh, để hôm sau đem ra chợ bán. Mỗi gánh cọ khoảng 50 tàu, nặng chừng 30kg, chỉ bán được 30 đến 50 nghìn đồng. Ngày ấy, nhà tôi chưa có xe đạp, cả những ngày Hè nóng bức hay mùa Đông lạnh buốt, mẹ phải gánh bộ mang cọ đến chợ, có những hôm trời ngả chiều mới về nhà ăn cơm trưa. Số tiền đó mẹ bảo sẽ dành mua sách vở và quần áo mới cho chúng tôi đi học.

Cành cọ cũng được chẻ, được chuốt để đan thành những chiếc mành cọ, chiếu cọ bởi bàn tay khéo léo. Mành cọ ngăn ruồi muỗi, chiếu cọ cho bé nằm mát trưa Hè. Không chỉ vậy, những cành cọ đã khô cũng trở thành củi đốt cho bếp lửa mọi nhà. Bố tôi kể, “ngày xưa, chỉ lấy lá cọ về túm đồ, túm thịt, túm cua, cá hay rau củ quả mang đi chợ, đâu có như bây giờ, cuộc sống hiện đại túi nilon bán đầy trên chợ”.

Không chỉ riêng phần lá hay cành cọ, thân cọ hữu dụng với cuộc sống người dân quê tôi, quả cọ cũng thật ấn tượng. Tôi tin chắc rằng ai sống và lớn lên ở vùng đồi cọ hoặc đã một lần ăn quả cọ sẽ nhớ mãi. Lũ trẻ chúng tôi thường hái quả cọ về om với nước nóng già đợi đến khi nào bóp thấy mềm tay là cọ đã chín. Những quả cọ vỏ ngoài màu tím than, bóng nhẫy dầu, chỉ cần nhẹ nhàng tách đôi, bỏ hạt, các chủ nhân của rừng cọ đã có phần cùi cọ mềm màu vàng ươm trên đôi tay lem luốc màu mỡ gà bởi những giọt dầu cọ đọng lại để thưởng thức và cảm nhận hương vị bùi thơm, béo ngậy tan trong miệng. Tôi từng được mang quả cọ ra chợ bán, xếp vào mỗi túi vài chục quả, treo lủng lẳng hai bên ghi-đông xe đạp, và một rổ buộc sau gác ba ga, mỗi túi cũng chỉ bán được 3 nghìn đồng.

Ấn tượng về cây cọ quê hương trong tôi còn là những lần trời đổ mưa, nhà tôi mái lá đã lâu nên bị dột; bố tôi lại lên đồi chặt vài tàu cọ về dặm lại, nhìn mái nhà lá khô chen lá ướt trông như chiếc áo vá. Chiếc quạt cắt từ lá cọ mẹ ru tôi ngủ giữa trưa Hè. Chiếc chổi cọ quen thuộc chúng tôi vẫn dùng quét sân nhà. Bóng mát cho người nông dân nghỉ ngơi giữa những buổi nắng nôi cấy hái trên đồng…

Ngày nay, cuộc sống đã thay đổi, những ngôi nhà sàn mái cọ quê tôi cũng thưa dần, thay vào đó là những căn nhà mái tôn, mái ngói, nhà cao tầng. Qua bao năm tháng, đồi cọ quê tôi vẫn giữ được một màu xanh mướt nhưng không còn bát ngát mênh mông như ngày xưa, bởi cây cọ mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp nên một phần đã bị chặt phá để trồng xoan, trồng cây ăn quả… Tuy không còn nhiều, nhưng cọ vẫn bám mình trên những sườn đồi, vẫn là bóng mát và góp phần phủ xanh đồi trọc, giảm thiểu các tác nhân ô nhiễm môi trường và cân bằng hệ sinh thái. Và trên tất cả, những tán cọ đã làm nên bản sắc làng quê miền núi của tôi. Cọ phủ xanh đồi núi, lá cọ lợp mái nhà nghèo, cành cọ làm hàng rào, thân cọ già làm chuồng trâu…

Những cây cọ mướt xanh luôn khiến người xa quê nhớ về bản quán!

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Dịu (Sinh viên thực tập)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát huy thế mạnh các homestay ở Đồng Văn

BHG - Homestay là loại hình du lịch đang phát triển mạnh trên cả nước, nó mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Tại huyện Đồng Văn, các homestay rất được ưa chuộng và đang phát huy hiệu quả tích cực do du khách là người nước ngoài, yêu thích du lịch trải nghiệm, khám phá cuộc sống và văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc trên Cao nguyên đá.

 

19/07/2018
Khởi sắc du lịch Xín Mần

BHG - Thực hiện Đề án số 183/ĐA-UBND ngày 17.12.2015 của UBND huyện Xín Mần về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020; Chương trình số 22-CT/HU, ngày 28.9.2017 của Đảng bộ huyện về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2017 – 2020… du lịch Xín Mần đang có những khởi sắc rõ rệt. Xín Mần, địa phương nằm ở phía Tây của tỉnh, nơi có nhiều tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng và du lịch khám phá. Những địa danh như Quảng Nguyên, Khuôn Lùng, Nấm Dẩn...

 

19/07/2018
Thêm một mùa Hè ý nghĩa với thiếu nhi vùng cao

BHG - Có thể nói, mỗi hoạt động vui chơi ngày Hè không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh cho thanh, thiếu nhi; mà còn là thông điệp giáo dục để nuôi dạy trẻ lòng nhân ái, khơi dậy tính nhân văn của các em khi còn nhỏ. Với mong muốn mang đến một mùa Hè ý nghĩa cho học sinh, các cháu nhỏ ở vùng cao; Huyện đoàn Đồng Văn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho các em được rèn luyện, phát triển toàn diện trước khi bước vào năm học mới.

 

18/07/2018
Quản Bạ sẵn sàng cho tái đánh giá Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Thời điểm Đoàn chuyên gia của UNESCO tiến hành thẩm định lại Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá (CVĐCTC - CNĐ) Đồng Văn lần thứ 2, để đánh giá tư cách thành viên Mạng lưới CVĐCTC theo định kỳ đang đến gần. Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, từ nhiều tháng nay, huyện Quản Bạ đã có kế hoạch, thực hiện các nội dung được khuyến cáo bằng nhiều giải pháp cụ thể, sát yêu cầu đặt ra với quyết tâm thực thi đầy đủ các cam kết, tiêu chí, khuyến nghị của Đoàn chuyên gia thẩm định UNESCO.

 

17/07/2018