Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, tái hiện nét văn hóa truyền thống
BHG - Những năm qua, việc xây dựng và phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ) là một trong những hướng đi quan trọng, được tỉnh ta ưu tiên thực hiện để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Trong đó, LVHDLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) đã và đang từng bước hoàn thiện, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông nơi đây cũng như phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào cũng như phục vụ du khách thập phương.
Một góc Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. |
Thôn Pả Vi Hạ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng: 100% người dân tộc Mông, bà con nơi đây vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, địa điểm đẹp và phù hợp cho du khách tham quan, ngắm cảnh. Đến với LVHDLCĐ dân tộc Mông nơi đây, du khách được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc như: Dãy nhà ở theo lối kiến trúc truyền thống; thưởng thức các làn điệu múa khèn, trải nghiệm dệt lanh,..; các Lễ hội Gầu Tào, Tết cổ truyền được tổ chức tại sân khấu chung của Làng, được thưởng thức và trải nghiệm nấu ăn các món ăn: Mèn mén, thắng cố, thịt treo gác bếp… cùng những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người Mông....
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt Đề án LVHDLCĐ dân tộc Mông, UBND huyện tham mưu và chỉ đạo các ngành chức năng địa phương phối hợp với các Ban xây dựng Đảng Huyện ủy, các hội, đoàn thể huyện và cấp ủy, chính quyền xã Pả Vi thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia thực hiện đề án. Nhân dân thôn Pả Vi Hạ đồng tình ủng hộ trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng và đăng ký tham gia làm nhà trong làng văn hóa: 52/52 hộ dân đồng ý cho thu hồi đất để xây dựng làng văn hóa; 28 hộ đăng ký thực hiện đề án với 28 lô đất; 11 hộ đã và đang triển khai xây dựng với 15 nhà; các hộ còn lại đang san mặt bằng và chuẩn bị vật liệu xây dựng,… Làng đã hoàn thành trước tiến độ về một số công trình hạng mục như: Bãi đỗ xe, cổng làng, điện chiếu sáng, hai trục chính đường giao thông, khu chuồng trại chăn nuôi,… Đến nay, xã đã chi trả xong 100% tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho dân, với tổng diện tích đất thu hồi trên 27 nghìn m2, tổng số tiền bồi thường đất đai, cây cối, hoa màu và các chính sách hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng.
Anh Hồng Mí Sinh, hộ có nhà đầu tiên khánh thành, khai trương dịch vụ homestay và quán ăn phục vụ khách du lịch tại LVHDLCĐ dân tộc Mông, chia sẻ: Sau khi xã triển khai đề án, gia đình tôi bắt tay ngay vào thực hiện, cũng đã hoàn thiện đầy đủ. Tôi làm dịch vụ homestay với quán ăn, sân chơi cho du khách, các món ăn dân tộc Mông là chủ yếu. Homestay theo lối kiến trúc truyền thống dân tộc Mông kết hợp với hiện đại, có 11 phòng nghỉ với giá 300 – 350 nghìn/phòng/ngày. Quán cà phê và phòng ăn thiết kế dân dã, có gian hàng trưng bày đồ lưu niệm như: Thổ cẩm, các vật dụng sinh hoạt thường ngày của đồng bào Mông…
Đồng chí Tề Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Pả Vi, cho biết: Để bảo tồn văn hóa truyền thống trong LVHDLCĐ dân tộc Mông, UBND xã chú trọng khuyến khích các Nghệ nhân dân gian ôn luyện những làn điệu truyền thống; tuyên truyền cho các hộ dân giữ gìn nét đẹp truyền thống, sinh hoạt văn hóa tiêu biểu; đồng thời tiếp tục đầu tư và thành lập Đội nghệ nhân dân gian; thành lập ban quản lý LVHDLCĐ; tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm văn hóa của người Mông như nấu ăn, dệt vải, múa khèn…
Bài, ảnh: Vương Mai
Ý kiến bạn đọc