Mùa nước đổ quê tôi
BHG - Xã Phương Độ, thành phố Hà Giang là một phần của dãy núi Tây Côn Lĩnh, nơi những người nông dân cần mẫn bám đất cày bừa. Ruộng bậc thang quê tôi chỉ làm được một vụ Hè – thu. Cứ đầu mùa Hè, các mẹ, các chị lại rủ nhau lên xem nước, xem bờ thửa qua ngày, tháng bỏ hoang bao nhiêu lở lói. Những đám ruộng này xa quá, giờ ít ai làm nữa, bỏ hoang; đám thành rừng, đám thành đồi Sim, Mua rậm rạp. Những thửa gần hơn vẫn đổ nước mùa về.
Ruộng bậc thang thôn Nà Thác, xã Phương Độ mùa này loang loáng nước. |
Nhờ sự cần mẫn cải tạo thiên nhiên, cha ông đã để lại cho con cháu những thửa ruộng bậc thang ngang núi ngang đồi. Nay những nền nhà cũ, bờ ao xưa không còn nhiều vết tích nữa, nhưng riêng ruộng bậc thang thì vẫn bờ thửa nối nhau, chỉ cần mây tích đủ mưa xuống, có bàn tay chăm chỉ của con người lại sẽ cho những hạt thóc mây mẩy.
Vào mùa nước đổ, người lớn vác cày, trẻ con dắt trâu, mương nước được khơi. Ruộng bậc thang quê tôi nhỏ hẹp, nông choèn, nhưng muốn làm nhanh đâu phải dễ. Chưa gặp cơn mưa phải đợi nước, đến khi có nước, bờ khô nẻ lâu ngày uống no nước rồi lở toác, lại thêm những “ông đá” lô nhô ngồi giữa thửa ruộng phải cẩn trọng nhát cuốc đường cày. Từng thửa ruộng được tưới tắm, gột rửa một trận thỏa thuê bởi bàn tay con người sau những mùa dài khô khốc, phơi mình dưới ánh nắng. Nhìn từ xa, những bờ ngắn, bờ dài nối nhau thành bậc chẳng khác gì cầu thang nhà sàn vừa được tay thợ khéo bào nhẵn rồi bắc nghiêng nghiêng lưng núi. Chả thế mà có đứa trẻ từ dưới bản mang cơm lên chăn trâu giúp bố mẹ, lúc nhàn gà gật giấc trưa dưới gốc cây đã mơ thấy ông khổng lồ trong chuyện cổ tích bước những bước chân vỹ đại theo từng bậc đám ruộng ấy lên đỉnh núi để về trời.
Qua bàn tay con người, những đám ruộng như một thực thể vừa được đánh thức sau giấc ngủ dài. Hãy nghe tiếng thở của nó kìa, vừa giống tiếng ào ào nước chảy, vừa như tiếng con trâu ập xuống đằm mình sau buổi cày mệt nhoài. Giữa bao la núi đồi xanh ngát, đám ruộng nổi bật, bắt mắt đến, người nông dân cần cù tự biết mình đã giúp những thửa ruộng thay áo mới, được lúc nghỉ ngơi nhìn lại còn phải trầm trồ vì “nhan sắc” của nó thì nói gì đến những khách du từ xa đến.
Đêm xuống, thực thể ấy vẫn không thôi hoan hỉ với sự thay đổi của mình, những tiếng ri rỉ của giun dế, tiếng ồm ộp của ếch, nhái. Vô vàn đôi mắt xanh, đỏ thi nhau thức đua cùng ánh sao trên trời cao vợi. Chỉ những người nông dân miền sơn cước vào mùa ăn ngủ với ruộng, rừng mới được ngắm cái đẹp của ruộng bậc thang những đêm trăng sau cơn mưa. Đó là buổi tối mà thiên nhiên khiến con người thấy mình vừa bé nhỏ, vừa là một bộ phận của nó khi được chứng kiến sự biến chuyển không ngừng của núi rừng. Cơn mưa rừng ồ ạt từ những đỉnh cao nhất kéo về khiến những con đom đóm lập lòe chẳng kịp tìm chỗ trú, nhưng cũng là giây phút đám ếch, nhái keo nhau ra tự tình. Chẳng mấy chốc nước từ cánh rừng đổ xuống ruộng, tràn bờ. Từ căn lều nhìn xuống dưới theo ánh chớp giật, những thửa ruộng bắt đầu biến thành một thang mưa, vừa hung dữ, vừa mềm mại. Đám ruộng bắt đầu “cất tiếng hát” hòa vào bài ca hoang sơ của núi rừng, ào ào dồn dập. Người nông dân lúc này cũng được đánh thức bản năng “ăn rừng” của mình, hòa mình vào cơn mưa, bắt đầu nhận lấy sự hào phóng của thiên nhiên. Mưa là lúc ếch, nhái ghép đôi, sau giây phút ngửa cổ đón chờ những hạt nước, chúng bắt đầu gọi nhau khiến cả miền rừng chỉ còn tiếng gọi bạn tình loài vật ấy và tiếng nước đổ.
Lũ “gà đồng” này đã ghép cặp là si dại quên mọi thứ, từng đôi một ấp lấy nhau, cứ thế, kẻ hưởng sái là anh nông dân. Ếch ruộng rừng không to nhưng thịt ngon và chắc hơn ếch dưới bản, người nông dân chỉ cần chịu khó một chút là trưa hôm sau có bữa cơm ngon lấy sức theo ngày mùa. Ếch đồng nấu mẻ, thả thêm mấy cọng rau Răm… ngon nhất trần đời. Người Dao lại có kiểu chế biến thịt ếch, nhái không giống bất kỳ nơi nào. Con nhái bắt về họ mổ moi sạch ruột, lấy que nhọn xiên thành từng xiên rồi để lên gác bếp ba bốn ngày cho bọn nhái ám chút mùi khói lẫn với mùi thịt động vật để lâu ngày rồi mới mang xuống rửa qua nước và nấu với măng chua ăn. Mưa tạnh, trên trời mây mù kéo nhau đi hết, chỉ còn lại nàng Trăng chiếu ánh sáng xuống đám ruộng loang loáng nước. Lung linh và thanh tân đó là cảm giác mà ngay cả một người chân nông dân chất thô mộc nhất cũng cảm thấy khi ngắm nhìn những thửa ruộng no nước dưới ánh trăng.
Muốn chiêm ngưỡng ruộng bậc thang nhiều và đẹp ở Phương Độ quê tôi phải ngược núi năm bảy cây số nữa lên bản của người Dao. Tại đây, những ruộng lúa nước bám theo rông đồi, ngọn núi cao hút mắt nhìn. Có một thời, người Dao duy trì lối canh tác du canh, đốt rừng làm rẫy chứ không chú trọng đến lúa nước như người Tày. Cứ tối đến, từ dưới bản nhìn lên, thấy một góc trời sáng rực biết ngay người Dao đang đốt rừng. Nương đốt từ rừng chỉ canh tác được hai vụ là hết màu, đất bạc phếch, cắm thuổng tra hạt như cắm vào đá, họ lại tìm vạt rừng khác đốt. Nhưng giờ đây, những thửa ruộng bậc thang của họ nối nhau ngút mắt, vào mùa đổ nước các con suối đổi màu cả tháng mới dứt. Người Dao làm việc khỏe, mỗi đám ruộng họ đều dựng lều để có chỗ ăn, nghỉ khi kết thúc một ngày làm việc. Có ngày họ làm việc không biết mệt, trâu đi không nổi mới nghỉ. Cũng có buổi công việc của họ nhàn hơn, từng gia đình có ruộng gần nhau tụ về một lều, bày cơm cá mắm gói lá chuối, kèm chai rượu vừa ăn uống, vừa hát vang núi rừng.
Ngày nay, lối canh tác trên những thửa ruộng nối nhau từng bậc để hứng nước của người dân miền núi lại thành thắng cảnh thu hút người miền xuôi vào mùa nước đổ, mùa lúa chín vàng. Thi thoảng, có mấy ông bà Tây dắt nhau lên bản xin làm ruộng cùng dân, họ chân trần cuốc đất ruộng, mặt lấm bùn như nông dân thực thụ. Ruộng bậc thang quê tôi dù chưa được xếp hạng di tích, nhưng cũng thừa sức tạo vẻ đẹp để khiến bao người phương xa ngân ngất khi đứng trước những bờ thửa ấy.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc