Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam

09:26, 27/04/2018

BHG - Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh, tuy chỉ tồn tại trong 12 năm (968 - 980), trải qua 02 đời vua, nhưng trong quá trình tồn tại, bằng tổ chức quản lý và hoạt động cụ thể, Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh đã có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây là Nhà nước đại diện cho lợi ích và sức mạnh của cộng đồng các giáp, xã... tượng trưng cho sự đoàn kết, tập hợp các lực lượng vì mục đích độc lập, tự chủ và thống nhất.

Đinh Tiên Hoàng - người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc

Đinh Tiên Hoàng (tên thật là Đinh Bộ Lĩnh), người làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), là con thứ của Thứ sử Đinh Công Trứ (Thứ sử Châu Hoan, kiêm Ngự phiên Đô đốc dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền); mẹ là Đàm Thị. Sau khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ và đám gia nhân về quê Đại Hoàng sinh sống. Uy thế chính trị của cha đã tạo cho cậu thiếu niên Đinh Bộ Lĩnh một vị thế của “con nhà nòi”, dòng họ vọng tộc ở châu Đại Hoàng mà không một đứa trẻ nào ở vùng núi rừng này có được. Thuở nhỏ sống với mẹ ở Đàm Gia, thường cùng lũ trẻ chăn trâu chơi trò đánh nhau, lấy bông lau làm cờ. Nhờ có tài chỉ huy, lại có chí lớn nên được bạn bè kính phục. Với tài trí hơn người, Đinh Bộ Lĩnh được tôn làm Tù trưởng sách Đào Áo (nay thuộc các xã Gia Hưng, Gia Phú, Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Lễ hội Hoa Lư. Nguồn: ninhbinh.gov.vn
Lễ hội Hoa Lư. Nguồn: ninhbinh.gov.vn

Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), triều đình rối ren, không có khả năng kiểm soát các địa phương xa xôi, Đinh Bộ Lĩnh đã cùng những người bạn thân thiết như Đinh Điền, Nguyễn Bặc tổ chức lực lượng, rèn vũ khí và chiếm giữ vùng đất Hoa Lư. Ông được nhân dân địa phương suy tôn và ủng hộ nhiệt liệt.

Trong khoảng thời gian từ năm 945 đến năm 950, Đinh Bộ Lĩnh đã toàn quyền làm chủ vùng đất Hoa Lư và khu vực xung quanh; sử cũ nói “Từ đây ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre...”. Năm 951, lực lượng, thanh thế của Đinh Bộ Lĩnh đã khá mạnh, khiến Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn lo sợ, đem quân đến đánh nhưng không thắng phải rút về.

Nhà Ngô sụp đổ, tình hình đất nước rối loạn. Đinh Bộ Lĩnh quyết định tiến đánh các sứ quân. Bằng các biện pháp chính trị mềm dẻo - liên kết, hàng phục kết hợp với biện pháp quân sự cứng rắn - chinh phạt, Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt dẹp yên các sứ quân, chấm dứt cuộc “nội loạn” ở giữa thế kỷ X, thu non sông về một mối vào cuối năm 967.

Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài.

Đinh Tiên Hoàng, người đặt nền móng sáng lập Nhà nước Đại cồ Việt - Nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam

Đinh Tiên Hoàng vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Sự ra đời Nhà nước Đại Cồ Việt năm 968, đã chấm dứt tình trạng phân tán, cát cứ kéo dài, thống nhất đất nước. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia dân tộc; giáng một đòn quyết định, chặn đứng mọi âm mưu chia rẽ đất nước của các thế lực cát cứ, phân tán tôn tại dai dẳng từ trước, hướng tới thống nhất, tập quyền, phù hợp với yêu cầu của lịch sử.

Việc đặt Quốc hiệu Đại Cồ Việt, xưng Hoàng đế và định niên hiệu là Thái Bình, một lần nữa khẳng định sự tự tin vào sức mạnh dân tộc, khát vọng về một đất nước thái bình, hưng thịnh của vua Đinh Tiên Hoàng.

Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh, tuy chỉ tồn tại trong 12 năm (968 - 980), trải qua 02 đời vua, nhưng trong quá trình tồn tại, bằng tổ chức quản lý và hoạt động cụ thể, Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh đã có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây là Nhà nước đại diện cho lợi ích và sức mạnh của cộng đồng các giáp, xã... tượng trưng cho sự đoàn kết, tập hợp các lực lượng vì mục đích độc lập, tự chủ và thống nhất.

Với tổ chức bộ máy, chính sách đối nội, đối ngoại tuy sơ khai nhưng Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh đã xác lập một thời kỳ mới về tổ chức quản lý đất nước trong lịch sử dân tộc - thời kỳ độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.

Sự phát triển kinh tế, từ nông nghiệp cho đến công thương nghiệp dưới thời nhà Đinh khá đều đặn và ngày càng đa dạng, đã tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân, vừa củng cổ nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền, vừa nâng cao sức chiến đấu của đất nước thời Nhà Đinh.

Nhà nước Đại Cồ Việt thời nhà Đinh đã tạo cơ sở ban đầu để các vương triều sau này bổ sung, củng cố và điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong quá trình hình thành và xác lập chế độ phong kiến loại hình phương Đông ở nước ta. Đặc biệt, bằng những hoạt động đối nội và đối ngoại phù hợp, Nhà nước Đại cồ Việt thời nhà Đinh đã đưa lịch sử nước ta vào một thời kỳ phát triển mới chưa từng có (so với trước đó), khôi phục lại vị thế hiên ngang cho đất nước, cho dân tộc. Từ đây, đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt, bằng sức sống bền bỉ và năng động của mình, đã vươn lên mạnh mẽ, đủ sức chống chọi với mọi âm mưu và hành động xâm lược của giặc ngoại xâm, giữ một vị trí quan trọng trong khu vực trước những biến động lớn đã từng xảy ra và còn tiếp diễn ở nhiều thế kỷ sau này.

Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh ra đời, tồn tại, phát triển cùng với việc thiết lập triều đình riêng do một hoàng đế đứng đầu, có niên hiệu riêng, quản lý lãnh thố riêng biệt, là sự khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước vừa mới được khôi phục sau hơon một thiên niên kỷ lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc. Đây là Nhà nước mở đầu cho thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc.

Công lao, đóng góp to lớn của Đinh Tiên Hoàng trong tiến trình lịch sử dân tộc còn mãi muôn đời.

Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư dự Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt

Tối 24/4, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, diễn ra lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2018 với chủ đề "Rực sáng thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt". Tới dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, đại biểu các Bộ, Ban ngành ở trung ương, tỉnh Ninh Bình, cùng hàng ngàn người dân địa phương. 

27/04/2018
Mèo Vạc, tạo điểm nhấn phục vụ du khách đến với Lễ hội Chợ tình năm 2018

BHG - Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2018, sẽ diễn ra từ ngày 11 – 12.5 (tức 26 – 27.3 âm lịch), với nhiều hoạt động: Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà; Hội thi chim Họa mi hót, thi rót nước, địu nước, tung còn tại sân Mê Cung Đá; nghe hát đối giao duyên, Hội thi làm bánh dày, giao lưu các món ẩm thực… Để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tại khu vực Mê Cung Đá, huyện Mèo Vạc đã tu sửa, nâng cấp xong các lối đi vào trong trung tâm Mê Cung Đá đảm bảo không phá vỡ cảnh quan vốn có. Dọc theo các lối đi được trang trí các họa tiết với nhiều hình thù mang đậm nét đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng cao...

26/04/2018
Phát huy hơn nữa vai trò của Trạm Thông tin khu vực Công viên Địa chất toàn cầu

BHG - Từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC), lượng khách du lịch trong nước và quốc tế biết và đến tìm hiểu rất đông. Để giúp du khách thuận tiện khi tìm hiểu về các điểm đến, đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng Cao nguyên đá, 4 Trung tâm Thông tin khu vực, nay là Trạm Thông tin (TTT) đã được mở tại 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi đến TTT khu vực Yên Minh (thôn Ngán Chải, xã Lao Và Chải), nơi đây có bảo tàng mi - ni mới được nâng cấp, xây dựng theo lối kiến trúc của người dân tộc Pu Péo...

26/04/2018
Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng năm Mậu Tuất 2018

Sáng 25-4 (tức 10-3 âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào cả nước tổ chức trọng thể Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018 nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên đã có công dựng nước, lập nên Nhà nước Văn Lang - Quốc gia đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 

25/04/2018