Nhà nước Đại Cồ Việt (968 – 1054) trong tiến trình lịch sử dân tộc

08:42, 19/04/2018

Nhà nước Đại Cồ Việt qua các triều đại

Quốc hiệu “Đại Cồ Việt” tồn tại trong lịch sử dân tộc từ năm 968 đến năm 1054, trải qua 3 triều đại: Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009) và thời kỳ đầu của Nhà Lý (1009 - 1054).

- Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh (968 - 980)

+ Về tổ chức bộ máy Nhà nước: Đinh Tiên Hoàng đã hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý đất nước từ hình thức “Vương quyền”, chuyển sang hình thức “Đế Quyền”, với 3 cấp: Triều đình Trung ương - Đạo (trung gian) - Giáp, Xã (cơ sở).

Nhìn chung, bộ máy hành chính thời kỳ này là bộ máy chính quyền quân chủ thời kỳ mới độc lập, tự chủ, nên còn khá sơ sài, đơn giản, chưa thật hoàn bị, nhưng việc củng cổ bộ máy chính quyền Nhà nước quân chủ của Đinh Tiên Hoàng đã được lịch sử ghi nhận là

"... Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ...”

Ở các địa phương, vua Đinh chia nước làm nhiều đạo, dưới đạo là giáp và xã. Đến nay, địa bàn của từng đạo và hệ thống quan chức các cấp chính quyền chưa xác định được rõ ràng.

+ Về quân đội: Về cơ bản Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh là một nhà nước võ trị; quân đội đông và tương đối mạnh. Điểm nổi bật nhất trong tổ chức quân sự phòng giữ đất nước thời này là tổ chức “Thập đạo quân”, trong đó Thập đạo tướng quân là người đứng đầu quân đội; bên dưới đạo có các loại: Quân, lữ, tốt, ngũ. Quân thường trực thời Đinh bắt đầu được trang bị quân phục thống nhất. Binh lính đều đội mũ “Tứ phương bình đinh” (bốn góc vuông, phía trên phẳng) bằng da. Và quân túc vệ đều thích trên trán ba chữ “Thiên tử quân” để phân biệt với các loại quân khác. Quân đội được trang bị các loại bạch khí, kết hợp giữa giáo, kiếm, côn với cung, nỏ...

+ Về luật pháp: Cùng với việc từng bước xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương, xây dựng củng cố lực lượng quân sự, nên pháp chế thời kỳ này cũng bắt đầu được để ý đến. Đinh Tiên Hoàng đã đặt chức Đô hộ phủ sĩ sư coi việc hình án - một chức quan tư pháp và giao cho Lưu Cơ giữ chức này. Mặc dù vậy, dưới chế độ võ trị, luật pháp thời Đinh còn nghiêm khắc và tùy tiện, dựa theo ý muốn của nhà vua. Vua Đinh cho đặt vạc dầu và cũi hố ở sân triều đế trừng phạt phạm nhân.

+ Về kinh tế: Kinh tế nông nghiệp được quan tâm. Nhà vua nắm toàn bộ mộng đất trong nước, vừa để khẳng định quyền lực vừa để nắm lấy thần dân, thu tô thuế, bắt lính; đồng thời cũng quan tâm tới việc khai hoang, lập làng, mở rộng diện tích canh tác xuống vùng đồng bằng và ven biển.

Một số ngành nghề thủ công nghiệp cũng được chú ý phát triển như: Nghề thợ nề, thợ đá, mộc, chạm khắc, dát vàng bạc... chủ yếu để phục vụ vua quan và quân đội. Trong dân gian, các nghề truyền thống như trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải lụa, làm giấy tiếp tục phát triển. Đồng tiền đầu tiên của đất nước: Đồng Thái Bình Hưng Bảo được phát hành vào khoảng năm 970 đã thúc đẩy việc trao đổi buôn bán hàng hóa trong nhân dân, đồng thời phục vụ cho việc trao đổi buôn bán vật phẩm với Trung Quốc và với các thuyền buôn nước ngoài.

+ Về văn hóa: Cùng với việc xây dựng một chính quyền nhà nước có chủ quyền, vua Đinh Tiên Hoàng cũng chú ý đến phát triển văn hóa; những mầm mống đầu tiên của một nền văn hóa mang tính dân tộc được manh nha hình thành. Đạo Phật là chỗ dựa tinh thần và có vị trí lớn trong đời sống xã hội Đại Cồ Việt cũng như trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước thời Đinh. Ở Kinh đô Hoa Lư đã xây dựng nhiều chùa chiền (chùa Tháp, chùa Bà Ngô...) và các cột kinh Phật. Nhiều nhà sư đã trở thành cố vấn cho Vua Đinh về đường lối đối nội và đối ngoại.

Thời kỳ này, nhiều loại hình văn hóa dân gian đã hình thành như ca múa nhạc (thể hiện qua truyền thuyết bà Phạm Thị Trân ở Hồng Châu, tỉnh Hưng Yên dạy quân sĩ hát, đánh trống, được phong chức và suy tôn là Huyền Nữ, Ưu Bà), một số môn xiếc đã điêu luyện được biểu diễn trên lầu Đại Văn...

+ Về đối ngoại: Ngay sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã có một chính sách đối ngoại khéo léo, mềm dẻo để giữ gìn hòa bình cho dân tộc.

- Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời Tiền Lê (980 - 1009) và thời kỳ đầu của Nhà Lý (1009 - 1054)

Dưới thời Tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý (980 - 1054), Nhà nước Đại Cồ Việt tiếp tục phát triển về mọi mặt; nền độc lập, tự chủ của dân tộc được củng cố vững chắc.

+ Về tổ chức bộ máy Nhà nước:

Chính quyền trung ương thời Tiền Lê được giữ nguyên như thời Đinh, vua nắm mọi quyền hành cả dân sự lẫn quân sự; dưới vua là các chức quan văn, võ, hầu hết là những người có công phò tá nhà vua lên ngôi. Vua Lê Hoàn (tức Lê Đại Hành) vẫn đóng đô ở Hoa Lư; năm 984, cho xây dựng nhiều cung điện với quy mô to lớn hơn. Năm 1006, Vua Lê Long Đĩnh cho sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn, võ và tăng đạo. Chế độ phong tước và cấp thái ấp dưới thời Tiền Lê được thực hiện quy củ hơn trước. Thái tử được phong tước Đại vương, còn các hoàng tử đều được phong tước Vương và được chia đất để cai trị.

Đền thờ vua Lê Đại Hành (ảnh: Internet)
Đền thờ vua Lê Đại Hành (ảnh: Internet)

Thời nhà Lý: Các vua Lý tự xưng là Thiên tử, lập các ngôi Hoàng hậu và Thái tử, phong tước cho con cháu, người thân trong họ hàng cùng quan lại có công tôn phù. Hệ thống quan chức được chia làm 9 phẩm cấp; ngoài ra, còn có một số cơ quan chuyên trách, giúp việc cho vua.

Chính quyền địa phương đầu thời Tiền Lê vẫn giữ nguyên 10 đạo như thời Đinh; đến năm 1002, đổi các đạo thành lộ, dưới có phủ, châu, giáp, xã.

Sang thời Lý, năm 1010, Lý Công Uẩn chia nước thành các lộ và phủ; dưới phủ là huyện và cuối cùng là hương, giáp; miền núi và vùng xa trung ương thì chia thành châu, trại. Đây là công cuộc cải tổ hành chính có quy mô lớn, góp phần quan trọng trong công cuộc quản lý toàn diện đất nước.

+ Về tổ chức quân đội: Thời Tiền Lê và thời kỳ đầu nhà Lý, việc xây dựng lực lượng quân sự rất được chú trọng. Bên cạnh quân đội thường trực của triều đình (thiên tử quân, cấm vệ quân... ) được tuyển lựa cẩn thận và tổ chức, huấn luyện chu đáo, còn có quân đội địa phương (dân binh, hương binh) làm nhiệm vụ canh phòng, bảo vệ các lộ, phủ, châu và có thể được chính quyền trung ương điều động bất cứ khi nào cần thiết. Cùng với lực lượng bộ binh, lực lượng thủy quân cũng được tập trung xây dựng. Thời Tiền Lê đã có những chiến thuyền lớn, được trang bị đầy đủ. Thời Lý, quân đội có nhiều binh chủng phong phú hơn.

+ Về luật pháp: Dưới thời Tiền Lê, cùng với việc củng cố và tăng cường thiết chế bộ máy nhà nước quân chủ, nhà vua cũng quan tâm đến việc xây dựng pháp luật và đề cao luật pháp. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1002, vua Lê Đại Hành “định luật lệ”, tuy nhiên, việc xét xử ở thời kỳ này còn khá tùy tiện.

Sang đến thời nhà Lý, năm 1042, Lý Thái Tông cho soạn bộ “Hình thư” gồm 3 quyển, xuống chiếu ban hành trong dân gian. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam, thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc trị nước của nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ. Ở các làng xã, hình thức luật tục (tập quán pháp) vẫn duy trì và được mọi người tuân theo.

Khu du lịch Tràng An-Ninh Bình nhìn từ trên cao
Khu du lịch Tràng An-Ninh Bình nhìn từ trên cao

+ Về kinh tế: Nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu. Nông dân được chia mộng để cày cấy, nộp thuế và đi lính cho nhà vua. Các vua rất chú ý khuyến khích nông nghiệp. Vua Lê Đại Hành đã cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Ông là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền vào mùa Xuân hàng năm, mở đầu cho một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Lê Đại Hành cũng là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông. Công trình đào sông Nhà Lê do Lê Hoàn khởi dựng là con đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên của Việt Nam. Sang thời nhà Lý, triều đình cũng thi hành nhiều chính sách trọng nông, khuyến nông. Sức lao động và sức kéo trong nông nghiệp được nhà nước hết sức bảo vệ; do đó, sản xuất nông nghiệp ổn định và phát triển hơn trước.

Các nghề thủ công dưới thời Tiền Lê và đầu thời Lý như nghề gốm, dệt, mộc, khai mỏ, luyện sắt, đúc đồng, chạm khắc, sơn thếp... đều được phát triển và có nhiều tiến bộ lớn.

Ngoài ra, ở thời kỳ này, việc giao thương, buôn bán, trao đổi giữa các địa phương trong nước và với nước ngoài khá phát triển. Vua Lê Đại Hành và các vua Lý đều cho đúc tiền đồng để lưu thông rộng rãi và có dùng thêm tiền đông Trung Quốc thời Đường, Tống.

+ Về văn hóa: Đạo Phật vẫn giữ vai trò lớn trong đời sống xã hội Đại Cồ Việt thời Tiền Lê và thời kỳ đầu nhà Lý. Nhiều nhà vua và quý tộc đã theo đạo Phật, đề cao tư tưởng từ bi, bác ái. Trong triều, có hệ thống tăng quan, một số được phong là Quốc sư. Các loại hình văn hóa dân gian đã có từ thời Đinh vẫn được duy trì và phát triển. Bên cạnh đó, xuất hiện thêm loại hình hát tuồng.

+ Về đối ngoại: Tiếp nối truyền thống từ thời Đinh, sang thời Tiền Lê, sau chiến thắng quân Tống (năm 981), vua Lê Đại Hành vẫn tiếp tục duy trì quan hệ hòa hữu với nhà Tống

Những năm đầu thời Lý, quan hệ hòa hiếu với nhà Tống tiếp tục được chăm lo củng cố.

Vị trí, vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc

- Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, tồn tại và phát triển đã khẳng định sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau nghìn năm Bắc thuộc. Đây là nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

- Nhà nước Đại Cồ Việt đã mở ra những trang sử vẻ vang của dân Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước - kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài xuyên suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý và Trần, Hậu Lê sau này, cụ thể:

Nhà nước Đại Cồ Việt đã có công lao trong việc giữ gìn, củng cố nên độc lập dân tộc trong một thời gian gần một thế kỷ. Trong thời kỳ này, các vương triều phương Bắc mang quân sang xâm lược, nhưng đều bị chống trả quyết liệt.

Các chủ trương, chính sách và những thành tựu, kết quả của Nhà nước Đại Cồ Việt đã đặt nền móng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đối ngoại, giao thông,... của nhà nước phong kiến Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc.

(Còn tiếp)

Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển vọng phát triển du lịch ở Mèo Vạc từ Nghị quyết 35/NQ-HĐND tỉnh

BHG - Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-HĐND tỉnh ban hành ngày 21.7.2016 (Nghị quyết 35) quy định về một số chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, huyện Mèo Vạc đã triển khai một cách đồng bộ và thu được những kết quả đáng ghi nhận.Để triển khai, thực hiện Nghị quyết 35 có hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh tuyên truyền từ huyện đến các xã, thị trấn, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt là các xã có xu hướng phát triển kinh tế du lịch (DL) bằng nhiều hình thức đa dạng như: Hội nghị; tư vấn trực tiếp; trên loa đài… 

19/04/2018
Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Văn hóa doanh nghiệp tại Công ty Điện lực

BHG -  "Sàng lọc, sắp xếp, săn sóc, sạch sẽ, sẵn sàng" – Đó là nội dung Chương trình 5S đang được Công ty Điện lực Hà Giang thực hiện; nhằm từng bước cụ thể hóa việc xây dựng Văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Với phương châm hoạt động "Thuận tiện – Chính xác – Nhanh chóng – An toàn – Sạch đẹp", VHDN đã và đang góp phần đưa Điện lực Hà Giang VƯƠN LÊN TRỞ THÀNH đơn vị đi đầu trong các cơ quan, đơn vị về thực hiện văn hóa công sở; góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.

 

18/04/2018
Trường Tiểu học Hồng Quân tổ chức "Ngày Hội đọc sách năm 2018"

BHG - Chiều 16.4, hưởng ứng "Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới" do UNESCO phát động, Trường Tiểu học Hồng Quân (thành phố Hà Giang) đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày Hội đọc sách năm 2018. Tại Ngày Hội, nhằm tôn vinh vai trò của sách, người làm sách và phát động văn hóa đọc trong học sinh, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động sôi động như: Kể chuyện về tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh; thi vẽ tranh; thi trưng bày sách... 

17/04/2018
Xã Ngán Chiên bảo tồn và phát triển nghề Chạm bạc

BHG - Trong các ngôi nhà sàn dựa lưng vào vách núi, những Nghệ nhân người Nùng hằng ngày vẫn miệt mài tạo ra những sản phẩm trang sức bằng bạc rất đẹp và hết sức tinh xảo nhằm khôi phục, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của bà con huyện vùng cao Xín Mần.

17/04/2018