Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt: Bối cảnh ra đời
BHG - Nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Nhà nước Đại Cồ Việt, công lao đóng góp của các bậc tiền nhân gắn với quảng bá Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; quảng bá tiềm năng, thế mạnh về KT-XH, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam nói chung, đất và người Cố đô Hoa Lư nói riêng; hướng đến Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2018 sẽ tổ chức vào 20 giờ ngày 24.4.2018 tại Sân lễ hội, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Báo Hà Giang điện tử trân trọng giới thiệu Đề cương tuyên truyền kỷ niệm của Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với tỉnh Ninh Bình biên soạn.
Bối cảnh ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt
Sau chiến thắng đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào cuối năm 938, Ngô Quyền xưng Vương, đặt trăm quan, định ra triều nghi phâm phục, đóng đô ở Cổ Loa với ý nghĩa phục hồi lại quốc thống. Đây là một sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ của chính quyền phương Bắc kéo dài hơn mười thế kỷ, đồng thời mở ra một chương mới tươi sáng trong tiên trình lịch sử dân tộc - thời kỳ độc lập tự chủ. Dưới thời Vương triều Ngô, về đại thế, mô hình nhà nước vẫn còn trong tình trạng sơ khai, chưa hoàn thiện và chưa đủ khả năng quản lý đất nước một cách chặt chẽ. Tình trạng phân tán ở các địa phương vẫn được duy trì với sự hiện diện của tầng lớp thổ hào. Đây là những thế lực vùng, sẵn sàng cát cứ, ly khai với triều đình cổ Loa khi có điều kiện.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đế nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư. Ảnh tư liệu |
Loạn 12 sứ quân: Năm 944, Ngô Quyền mất, triều đình rối ren. Các thô hào, tù trưởng nổi lên khắp nơi, cát cứ chống lại chính quyền trung ương. Sau khi các con của Ngô Quyền (Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn) chết (năm 954 và 965); đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn. Nổi lên 12 vùng đất biệt lập do 12 thủ lĩnh đứng đầu, lịch sử gọi là “Loạn 12 sứ quân”.
Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước: Cùng thời gian xuất hiện “12 sứ quân”, năm 960, ở Trung Quốc, nhà Tống thành lập, chấm dứt thời kỳ “ngũ đại thập quốc” và bắt đầu mở thế lực xuống phía Nam. Nguy cơ ngoại xâm lại xuất hiện và đe dọa. Đất nước đứng trước một thử thách lớn. Từ đất Hoa Lư (Ninh Bình), người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh đã phất cờ, tập hợp dân chúng, giải quyết vấn đề lịch sử đặt ra: “dẹp loạn 12 sứ quân”, thống nhất đất nước vào cuối năm 967.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (tức Nước Việt to lớn), định đô ở Hoa Lư, xây dựng triều chính và quản lý đất nước. Kinh đô Hoa Lư do Vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) tổ chức xây dựng là một công trình kiến trúc lớn nhất của đất nước sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.
Mùa xuân năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ không dùng niên hiệu của nhà Tống, tự đặt niên hiệu Thái Bình. Với việc xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng một mô hình nhà nước với thiết chế mới: Quân chủ Trung ương tập quyền.
(Còn tiếp)
Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương
Ý kiến bạn đọc