"Ngày mới" trên quê hương Kim Ngọc
BHG - Về xã Kim Ngọc (Bắc Quang) khi sắc Xuân đang lan tỏa khắp đất trời. Màu xanh của lúa, ngô, cây rừng và âm thanh cuộc sống tươi vui khiến Xuân nơi chiến khu xưa ngập tràn sức sống mới...
Nhân dân xã Kim Ngọc góp công, góp sức hiến đất, mở đường “ Đại đoàn kết” về thôn Vãng. |
Phố Sảo - khu trung tâm xã Kim Ngọc Xuân này nhộn nhịp đến bất ngờ, người đông vui, đường phố xanh, sạch, hàng hoá đa dạng, phong phú với hàng trăm hộ tham gia kinh doanh, buôn bán. Hàng hoá nơi đây cung cấp cho cả vùng phía Đông Tiểu khu Cách mạng Trọng Con. Người dân Phố Sảo tin tưởng, trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành trung tâm thị tứ cụm bờ Đông sông Lô. Cụm thị tứ này sẽ trở thành “đầu tàu” có trách nhiệm “kéo và thúc đẩy” cả vùng kinh tế quan trọng của huyện Bắc Quang.
Nghị quyết Đảng bộ huyện Bắc Quang xác định: Kim Ngọc là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo đặc sản, chăn nuôi gia súc hàng hoá, phát triển kinh tế rừng bền vững. Mục tiêu phấn đấu, đến năm 2020, Kim Ngọc trở thành cụm kinh tế “động lực” chịu trách nhiệm thu hút, thúc đẩy sản xuất lúa gạo, chế biến thịt gia súc, chế biến gỗ xuất khẩu...
Bí thư Đảng uỷ xã Kim Ngọc, Ma Trọng Luận cho biết: Kim Ngọc có một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ rất lớn. Trung tâm xã có đủ các loại hình đào tạo nguồn nhân lực từ bậc Mầm non đến THPT, hiện đã thu hút toàn bộ con em đồng bào các dân tộc trong xã, trong vùng bờ Đông sông Lô về học tập. Kim Ngọc có đủ cơ sở hạ tầng như đường giao thông, chợ, ngân hàng, cơ sở phân phối nguyên, nhiên liệu phục vụ cơ giới hoá nền sản xuất.
Những ngày này, người dân Kim Ngọc đã cấy xong 150 ha lúa Xuân. Biện pháp “5 cùng” được nhân dân áp dụng trên các cánh đồng mẫu. Các trà lúa Xuân sớm đang được nhân dân làm cỏ, bón thúc đợt 1. Diện tích ngô Xuân trồng được trên 41 ha, lạc 29 ha cũng đã lên xanh. Sức sống của mùa Xuân tràn ngập làng trên, xóm dưới. Đến Kim Ngọc mùa Xuân này, tôi có cảm nhận, đồng bào nơi đây đã, đang tập trung công sức cho một mùa vụ thắng lợi. Đồng chí Ma Trọng Luận cho biết thêm: Chăn nuôi đại gia súc, gia cầm đang trở thành hướng đi chính trong phát triển kinh tế. Sau Tết, trong xã có 45 con trâu, bò được thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn; đã có 5 con bê, nghé được sinh ra khoẻ mạnh. Tổng đàn gia súc của xã đạt trên 5.400 con. Trong đó, đàn trâu gần 1.200 con, đàn dê 675 con, đàn lợn trên 3.500 con, ngoài ra còn hàng chục ha mặt nước nuôi trồng thủy sản… tỷ trọng chăn nuôi năm vừa qua chiếm trên 1/3 giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại đang là hướng đi mới trong tái cơ cấu sản xuất. Phát triển gia trại, trang trại chăn nuôi gắn kinh tế rừng đang tạo sức bật mới của kinh tế Kim Ngọc. Năm 2017 đã có cả chục trang trại, gia trại được tạo thành dưới 720 ha rừng kinh tế tại Kim Ngọc. Kinh tế rừng đã dần trở thành thế mạnh, tạo ra chuỗi việc làm, thu nhập cho nhân dân, trong đó, có những trang trại liền rừng quy mô cả trăm ha. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, làm giàu nhờ trồng rừng, chăn nuôi gia súc và nuôi cá. Tiêu biểu nhất trong xã là anh Lê Văn Bẩy, thôn Mâng đã trồng trên 200 ha rừng bằng hình thức trang trại khép kín, cho thu nhập cao, bền chắc. Bí thư Đảng uỷ xã Kim Ngọc khẳng định: Hướng làm kinh tế của anh Lê Văn Bẩy đã, đang trở thành cách làm hiệu quả. Từ kinh tế rừng, các ngành nghề chế biến lâm sản phát triển thịnh vượng, tạo ra nhiều lợi ích cho cả vùng bờ Đông sông Lô.
Để phát triển bền vững, Kim Ngọc đã từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng, vừa chuyên”, phục vụ tốt yêu cầu của nhân dân. Coi trọng công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền theo hướng tinh gọn, làm việc hiệu quả, từng bước thực hiện cải cách hành chính. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển KT-XH ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Bài, ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến bạn đọc