Bóng chuyền hơi - sân chơi bổ ích
BHG - Môn thể thao Bóng chuyền hơi mới được du nhập về huyện Hoàng Su Phì khoảng 2 năm qua. Đến nay, đây là địa phương duy nhất của tỉnh có các câu lạc bộ thường xuyên chơi môn thể thao này. Dù chỉ mới phát triển trong thời gian ngắn nhưng môn Bóng chuyền hơi đã cho thấy sự phù hợp với điều kiện của địa phương và trở thành sân chơi bổ ích đối với người dân địa phương.
Người dân, thị trấn Vinh Quang ở nhiều độ tuổi khác nhau cùng chơi Bóng chuyền hơi buổi chiều hàng ngày. |
Ở các tỉnh đồng bằng, Bóng chuyền hơi đã phát triển và dần trở thành môn thể thao phổ biến bởi nó phù hợp gần như với mọi lứa tuổi từ thanh, thiếu niên đến các bậc trung niên. Sở dĩ môn Bóng chuyền chơi phù hợp với nhiều lứa tuổi như vậy do sân đấu chỉ có chiều dài 12m, rộng 6m, nhỏ hơn nhiều so với sân bóng chuyền da (18m x 9m) và thậm chí cả sân cầu lông. Với diện tích nhỏ nên mỗi đội chơi trong sân chỉ có 5 người, sự di chuyển không lớn, cộng với quả bóng chỉ nặng 100 – 200gram và mềm, lực tác động không cần lớn cũng đảm bảo độ nảy của quả bóng đưa sang phần sân đối phương. Luật thi đấu Bóng chuyền hơi cũng gần như giống môn Bóng chuyền da nên việc tiếp cận môn thể thao này cũng rất thuận lợi. Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác biệt như: Khi được dẫn điểm số, người phát bóng của đội thắng sẽ thay đổi liên tục và mỗi người chỉ được phát một quả; muốn nhảy lên đập bóng trên lưới cầu thủ chỉ được nhảy từ ngoài vạch 2m tính từ vạch giữa sân; người đứng trong khu vực vạch 2m chỉ được nhảy lên chắn bóng từ quả đập của đối phương, nếu muốn đưa bóng qua lưới hai bàn chân phải chạm đất nếu không sẽ phạm quy…
Bà Hoàng Thị Bình, tổ 4, thị trấn Vinh Quang, cho biết: Năm nay tôi 64 tuổi. Với sức khỏe người già không thể chơi được các môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền da nhưng tôi cũng như một số bà trên 60 tuổi trong tổ vẫn chơi được môn bóng chuyền hơi bởi nó vừa sức. Nếu như trước đây những người từ trung niên đến ngoài 60 như chúng tôi chỉ có thể luyện tập thể dục, thể thao bằng việc đi bộ buổi sáng hay tối thì từ khi có môn bóng chuyền hơi, chúng tôi đã có thêm lựa chọn và có nhiều thời gian tham gia thể thao rèn luyện sức khỏe.
Được biết, môn Bóng chuyền hơi được du nhập vào huyện Hoàng Su Phì từ cuối năm 2016. Hiện nay toàn huyện đã có 8 câu lạc bộ ở thị trấn Vinh Quang và các xã. Ngoài ra, một số xã như: Tả Sử Chóong, Sán Sả Hồ, Tụ Nhân, hay thậm chí là xã biên giới Thàng Tín đã phát triển mạnh môn thể thao này nhưng chưa thành lập các câu lạc bộ. Những ngày đầu môn thể thao này du nhập vào huyện Hoàng Su Phì, chỉ có nam giới trên 30 tuổi tham gia phong trào. Tuy nhiên đến nay hầu hết các lứa tuổi và cả nam giới, nữ giới đều tham gia. Đặc biệt, do sân thi đấu không cần diện tích lớn nên nó cũng phù hợp với điều kiện địa hình dốc, mặt bằng hẹp của Hoàng Su Phì. Điều này đã cho thấy tiềm năng phát triển mạnh môn thể thao này ở Hoàng Su Phì nói riêng hay những địa phương vùng núi đất phía Tây của tỉnh.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì, Nguyễn Việt Tuân cho biết: Năm 2017 huyện đã tổ chức 2 giải thi đấu Bóng chuyền hơi quy mô cấp huyện. Ngoài ra mỗi tháng và quý các câu lạc bộ trên địa bàn huyện đã tự đóng góp kinh phí và tổ chức các giải giao hữu... Bên cạnh đó, ngành Văn hoá cũng khuyến khích các xã thành lập các câu lạc bộ bằng hình thức tặng lưới, bóng cho các đơn vị, địa phương để khuyến khích và nhân rộng môn Bóng chuyền hơi.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc