Nậm Hồng - khởi sắc từ phát triển du lịch cộng đồng

07:46, 14/11/2017

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì khoảng 40 km, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là nơi sinh sống của 37 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ. Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi đã được công nhận danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, bên cạnh đó là vùng chè Shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao... đã tạo nên nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Năm 2015, thôn Nậm Hồng được tổ chức Helvetas tài trợ thực hiện Dự án Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua phát triển DLCĐ. Theo đó, có 4 hộ dân được hỗ trợ vốn để cải tạo, nâng cấp nhà ở, mua sắm chăn ga, gối đệm. Sau 2 năm đi vào hoạt động, mô hình DLCĐ ở đây đã có những khởi sắc, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Đến các gia đình được dự án hỗ trợ, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi những ngôi nhà vẫn giữ được kiến trúc truyền thống của người Dao. Khuôn viên nhà rộng rãi, thoáng mát; các phòng nghỉ sạch sẽ, đứng trước hiên nhà có thể cảm nhận được phong cảnh làng quê yên bình và quan sát toàn bộ những thửa ruộng bậc thang đang mùa lúa chín.

Nhà DLCĐ của gia đình anh Triệu Mềnh Quyên.
Nhà DLCĐ của gia đình anh Triệu Mềnh Quyên.

Sau khi được dự án hỗ trợ, gia đình anh Triệu Mềnh Quyên đã sửa sang, trang trí lại ngôi nhà, mua sắm trang thiết bị, hiện nay gia đình anh có 10 chỗ ngủ cho khách du lịch. Giá lưu trú một ngày, đêm dao động khoảng 300 nghìn/người, bao gồm ăn, ngủ. Cũng như gia đình anh Quyên, chị Triệu Mùi Liều bắt đầu làm du lịch từ năm 2015. Ngôi nhà nhỏ của mình được chị sử dụng làm dịch vụ Homestay, nhưng mấy năm nay, lượng khách du lịch tăng, chị quyết định đầu tư thêm một ngôi nhà nữa với 11 phòng nghỉ để phục vụ khách, có đầy đủ tiện nghi được bố trí gọn gàng, sạch sẽ. Với dịch vụ này, mỗi tháng gia đình anh Triệu Mềnh Quyên, chị Triệu Mùi Liều thu về khoảng 3 – 4 triệu đồng.

Năm 2017, HTX DLCĐ thôn Nậm Hồng được thành lập, gồm 37 thành viên làm đầu mối tiếp nhận, điều phối khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đồng chí Triệu Mềnh Kinh, Chủ nhiệm HTX cho biết: Ngoài sắp xếp, bố trí khách, HTX sẽ đứng ra thuê các nghệ nhân, điều tiết các thành viên của HTX làm xe ôm hoặc hướng dẫn viên, đồng thời cùng hỗ trợ nấu ăn, phục vụ du khách khi các đoàn muốn thưởng thức chương trình văn nghệ, Lễ hội Nhảy lửa, hoặc trải nghiệm văn hóa dân tộc, ngắm cảnh trong thôn và thăm vùng chè cổ thụ Phìn Hồ... Với cách làm như vậy, tất cả các thành viên HTX đều tham gia làm du lịch và có nguồn thu ổn định.

Chị Triệu Mùi Liều chuẩn bị phòng nghỉ cho khách du lịch.
Chị Triệu Mùi Liều chuẩn bị phòng nghỉ cho khách du lịch.

Chị Ngô Thị Hải Yến, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Đây là lần thứ 2 tôi đến Nậm Hồng. Ngoài tham quan, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của những thửa ruộng bậc thang, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân, tôi còn được tham gia các hoạt động như chăm sóc vườn rau, nấu nướng, thưởng thức món ăn truyền thống và các tiết mục văn nghệ do chính các nghệ nhân người địa phương biểu diễn.

Trao đổi với chúng tôi, các đồng chí Lù Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì; Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên cho biết: Sau gần 2 năm thực hiện, mô hình DLCĐ đã tạo bước đột phá về lĩnh vực du lịch của xã Thông Nguyên nói riêng và huyện Hoàng Su Phì nói chung. Các điểm nghỉ Homestay theo tiêu chuẩn DLCĐ tại các gia đình được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án và sự đóng góp của người dân được khách du lịch hài lòng, đánh giá cao. Nhận thức của người dân về lĩnh vực kinh doanh, khai thác du lịch bền vững được nâng cao. Bước đầu đã gắn kết việc khai thác tài nguyên, nét đẹp văn hóa với phát triển du lịch, việc quảng bá hình ảnh được chú trọng, qua đó lượng khách đến Hoàng Su Phì ngày một tăng. Nhiều hộ dân đã có thu nhập từ việc kinh doanh, khai thác các dịch vụ ăn nghỉ, vận chuyển hành lý, giới thiệu thuyết minh... Đây là điều kiện thuận lợi để Hoàng Su Phì tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và DLCĐ trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: THANH THỦY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì tích cực đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy

BHG - Hoàng Su Phì là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng sống, kiến thức về văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn giá trị và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc ở địa phương, thời gian qua, 100% các trường học trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn nơi trường đóng chân để triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 6.1.2016 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học

13/11/2017
Trường Trung cấp Y tế Hà Giang: Khai giảng năm học 2017 - 2018

BHG - Ngày 12.11, Trường Trung cấp Y Tế Hà Giang đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2017 – 2018 và Kỉ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Đến dự, động viên thầy và trò của trường có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở ngành trên địa bàn tỉnh.

13/11/2017
Sức hấp dẫn của một loài "Hoa của đá"

BHG - Hằng năm, vào dịp cuối Thu, khắp vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lại tràn ngập sắc tím hồng của loài Hoa Tam giác mạch. Hoa mang vẻ đẹp dân dã, được người dân trồng trải dài thành cánh đồng, chênh vênh trên những mỏm đá, thấp thoáng sau những ngôi nhà trình tường xưa cũ hoặc e ấp uốn mình bên những cung đường đã tạo nên một sức hút, sự hấp dẫn kỳ lạ đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến với Cao nguyên.

13/11/2017
Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

BHG - Ngày 12.11, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông (PTDT nội trú THPT) tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập...

12/11/2017