Thôn My Bắc xây dựng Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Nông thôn mới
BHG - Làng Văn hóa du lịch thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) nằm trên trục Quốc lộ 279 từ huyện Bắc Quang đi huyện Bảo Yên (Lào Cai) nên rất thuận lợi cho việc thông thương trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trong khu vực. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về phát triển du lịch và xây dựng Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) năm, thời gian qua, xã Tân Bắc đã, đang tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai. Trao đổi với phóng viên, đồng chí Đỗ Bằng Giang, Chủ tịch UBND xã Tân Bắc cho biết: Ngay sau khi có kế hoạch của UBND huyện về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với XDNTM năm 2017, Ban chỉ đạo xã đã ban hành kế hoạch triển khai, hàng tháng có công văn chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện các công việc cụ thể theo từng tháng, quý; chỉ đạo Đoàn Thanh niên và Ban quản lý thôn phối hợp với Trung tâm Văn hóa, thể thao và du lịch huyện tổ chức tuyên truyền lồng ghép chương trình văn nghệ lưu động, giao lưu thể thao và tập luyện cho đội văn nghệ dân gian để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường làm sạch đẹp cảnh quan trong thôn.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn luôn thu hút du khách đến tham quan. |
Làng Văn hóa du lịch thôn My Bắc có tổng diện tích tự nhiên 1.128 ha, toàn thôn có 157 hộ với 769 nhân khẩu, 99% đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Những năm qua, đồng bào luôn phát huy và duy trì được nét văn hóa truyền thống của dân tộc đó là nghề dệt thổ cẩm, Lễ kéo chày và trang phục độc đáo, nhất là Lễ hội Nhảy lửa đã được cấp Quốc gia công nhận văn hóa phi vật thể. Hàng năm, Làng Văn hóa du lịch My Bắc đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, nghiên cứu các giá trị văn hóa của dân tộc Pà Thẻn. Năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, đã giới thiệu, quảng bá và thu hút được hơn 51 đoàn khách, với trên 168 lượt người đến tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa dân tộc Pà Thẻn.
Để hoạt động du lịch từng bước phát triển, gắn với XDNTM, ngay từ khi triển khai, thôn My Bắc đã xây dựng Nhà truyền thống dân tộc để giới thiệu, quảng bá và trưng bày các sản phẩm phục vụ khách du lịch, có thuyết minh viên được đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ khách, có các sản phẩm truyền thống, có sân chơi thể thao, có bà đỡ dân gian và nhân viên y tế, tủ thuốc thôn, bản, các hộ gia đình đều có công trình vệ sinh khép kín, có làng nghề mang bản sắc văn hóa dân tộc, có Hội Nghệ nhân dân gian hoạt động thường xuyên tại các gia đình với các nhóm nghề như: Nghề dệt truyền thống, đan lát, thợ mộc... duy trì và phát huy các làn điệu dân ca, múa dân gian của dân tộc, có đội ngũ đầu bếp giỏi, đủ điều kiện để chế biến các món ăn dân tộc phục vụ khách. Hiện nay, hệ thống đường bê - tông đã được hoàn thiện, bảo đảm đi lại thuận lợi cho người dân và khách đến tham quan du lịch, hệ thống điện lưới Quốc gia, mạng Internet, tủ sách thư viện tại Nhà văn hóa thôn bảo đảm phục vụ bạn đọc, phục vụ khách du lịch đến tham quan; Làng đã đạt 50% tiêu chí XDNTM, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người...
Gói bánh Sừng trâu, món ăn của đồng bào dân tộc Pà Thẻn được du khách yêu thích. |
Để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng Làng Văn hóa du lịch gắn với XDNTM, Chủ tịch UBND xã, Đỗ Bằng Giang cho biết thêm: Việc xây dựng Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với XDNTM là một hoạt động du lịch mới, nên nhân dân trong thôn chưa hiểu được mục đích, ý nghĩa, hiệu quả đem lại từ hoạt động du lịch nên chưa tham gia vào thực hiện xây dựng Làng Văn hóa. Vì vậy cấp ủy, chính quyền xã tập trung chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục đẩy mạnh cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, tổ chức khơi thông cống, rãnh thoát nước, chỉnh trang lại hàng rào xanh, quy hoạch vị trí đổ rác thải tập trung đúng nơi quy định. Liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, kết nối với các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng, các lễ hội của huyện, tỉnh. Triển khai cho các hộ dân có nhu cầu đăng ký làm nhà lưu trú, tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để hoàn thiện các nhà lưu trú, đảm bảo dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan...
Bài, ảnh: HIẾN CHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc