Nghệ nhân Mua Mí Páo giữ gìn nét đẹp khèn Mông

17:34, 27/10/2017

BHG-Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cao nguyên đá, nghệ nhân Mua Mí Páo, sinh năm 1968, thôn Nà Hán, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) luôn ý thức được giá trị của cây khèn Mông trong đời sống. Từ đó, ông luôn cố gắng giữ gìn nét đẹp của khèn Mông từ những việc làm ý nghĩa ngay trên quê hương mình.

Ông Páo thể hiện một bài khèn.
Ông Páo thể hiện một bài khèn.

Cây khèn - nhạc cụ được coi là “linh hồn” của người Mông. Thông qua tiếng khèn, người ta gửi gắm những tâm tư, tình cảm và những ước muốn của bản thân mình. Ngay từ khi còn nhỏ, ông Páo đã được bố, mẹ cho theo học thổi khèn từ ông Giàng Mí Nô, một nghệ nhân có tiếng trong vùng ngày đó. Vốn yêu thích thổi khèn, gặp được thầy giỏi, Mua Mí Páo nhanh chóng học được các bài khèn từ cơ bản đến nâng cao; dần dần nó trở thành niềm đam mê thôi thúc. Năm 16 tuổi, Mua Mí Páo đã được đi theo đội khèn của làng. Tranh thủ mỗi lần đi làm nương, chăn trâu, cắt cỏ, Mua Mí Páo đều mang theo cây khèn để tập luyện. Chính nhờ tài thổi khèn giỏi, Mua Mí Páo đã làm say lòng biết bao cô gái. Không chỉ thổi khèn giỏi, Mua Mí Páo còn biết nhiều bài múa phức tạp, có cả những động tác khó.

Ông Mua Mí Páo chia sẻ: “Cây khèn Mông chính là cầu nối giữa người với người. Trong chuyện tình cảm, người con trai lấy được tình cảm của người con gái cũng từ tiếng khèn, người con gái đáp lại bằng tiếng kèn lá. Tiếng khèn cũng trở thành tín hiệu riêng, “thiết bị liên lạc” của hai người yêu nhau. Học thổi khèn đã khó, biết và hiểu được tất cả các bài khèn còn khó hơn. Có khoảng 360 bài khèn, đặc biệt những bài khèn mang ý nghĩa tâm linh càng phức tạp, đòi hỏi những người có hiểu biết chuyên sâu mới có thể thổi được. Còn có các bài khèn giao duyên, lý giải về đời sống, thiên nhiên, cổ tích. Mỗi bài khèn lại có âm vực, cách thể hiện khác nhau...”.

Đến nay, dù đã ở cái tuổi 50, điệu khèn của ông Páo vẫn còn da diết, đằm thắm. Ông thường xuyên thổi khèn tại các lễ hội, đám hiếu, hỉ trong vùng. Trước những nguy cơ mai một của khèn Mông, nhiều năm nay, ông Páo đã cùng với Hội Nghệ nhân dân gian thị trấn Yên Minh tổ chức các buổi dạy khèn cho học sinh của các trường trên địa bàn và xã Hữu Vinh. Duy trì các buổi tập luyện, nhiều em học sinh đã có niềm đam mê và biết thổi một số bài khèn cơ bản. Không dừng lại ở đó, với cương vị là một nghệ nhân và là Trưởng thôn Nà Hán, ông Páo còn dạy khèn Mông tại nhà cho các cháu trong thôn. Hàng ngày, bà con trong thôn vẫn bắt gặp hình ảnh lũ trẻ lũ lượt kéo đến nhà ông để tham gia học khèn. “Người thầy” già vẫn kiên nhẫn dạy từ cách điều khiển các lỗ hơi đến việc kết hợp múa khèn. Trong ngôi nhà trình tường nhỏ, tiếng khèn của thầy và trò vẫn vang lên đến tận khuya.

Do bận bịu công việc nên đến nay ông Páo chỉ dạy thổi khèn tại nhà được 3 buổi/tuần. Việc dạy thổi khèn bắt nguồn từ chính cái tâm của một nghệ nhân nặng lòng với việc giữ gìn nét đẹp của cây khèn. Ông tâm sự: “Thời buổi phát triển hiện đại, nhiều người Mông không còn mặn mà với cây khèn như trước. Đó là điều tôi rất băn khoăn. Việc dạy khèn cho học sinh và các cháu trong thôn là giải pháp đang mang lại hiệu quả; nhưng về lâu dài, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần có cách làm hiệu quả, thiết thực hơn để khèn Mông không bị mai một theo thời gian”.

Mặc dù đã là một nghệ nhân, ông Páo vẫn thường xuyên giao lưu với những người biết thổi khèn để học thêm những bài khèn, điệu múa mới. Ông kể, có hôm gặp đúng người am hiểu, hai người cùng trao đổi, thổi khèn thâu đêm. Nhiều năm gắn bó với cây khèn Mông và việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, ông Páo luôn tâm niệm phải giữ gìn và phát huy được những giá trị truyền thống của cây khèn Mông trong cuộc sống hiện đại.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người dân huyện Đồng Văn tích cực tu sửa, làm nhà lưu trú phục vụ du khách

BHG-Trong những năm qua, Lễ hội Hoa Tam giác mạch đã trở thành "thương hiệu" cho du lịch Hà Giang. Vẻ đẹp quyến rũ của loài hoa này luôn mời gọi du khách trong và ngoài nước đến với Hà Giang để khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp của đất và người Cao nguyên đá Đồng Văn. Nắm bắt được thời cơ này, đáp ứng nhu cầu của du khách, trong những năm qua, người dân huyện Đồng Văn chủ động tu sửa, xây mới nhà làm dịch vụ lưu trú - Homstay đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

27/10/2017
Nậm Hồng - Khởi sắc từ phát triển du lịch cộng đồng

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì khoảng 40 km, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là nơi sinh sống của 37 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ. Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi đã được công nhận danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, bên cạnh đó là vùng chè Shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao - đó là điều kiện thuận lợi để thôn Nậm Hồng phát triển du lịch cộng đồng.

27/10/2017
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sèn Chỉn Ly làm việc với Khối Văn hóa – Xã hội huyện Hoàng Su Phì

BHG - Chiều 26.10, đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các thành viên tổ III, thuộc Đoàn công tác số 1 của BTV Tỉnh ủy có buổi làm việc với Khối Văn hóa – Xã hội (VH - XH) huyện Hoàng Su Phì nhằm nắm bắt kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020. 

27/10/2017
Yên Minh, hứa hẹn nét riêng hấp dẫn

BHG - Đến thời điểm này, huyện Yên Minh đã hoàn thành việc gieo trồng hoa Tam giác mạch phục vụ Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ III - năm 2017; tạo điểm nhấn cảnh quan hấp dẫn, thu hút  khách du lịch trong hành trình khám phá Lễ hội. Yên Minh là huyện có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng với những cánh rừng thông, đường đèo vắt ngang sườn núi... Nhằm tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn gắn với giá trị cảnh quan từ hoa Tam giác mạch, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch; UBND huyện đã ban hành Kế hoạch "Trồng hoa Tam giác mạch vụ Thu- đông năm 2017 gắn với phát triển du lịch sinh thái".

 

26/10/2017