Sự tương đồng và khác biệt trong nghi lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang

08:34, 18/09/2017
Dân tộc Dao ở Tuyên Quang có số dân đứng thứ 3 sau dân tộc Kinh, Tày.Trên địa bàn tỉnh, dân tộc Dao có 9 ngành gồm: Dao Đỏ (Dao Đại Bản), Dao Tiền (Dao Tiểu Bản), Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang), Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài.
 
 

Nghi lễ cấp sắc của các ngành Dao ở Tuyên Quang rất phong phú, đa dạng và độc đáo, không gian hành lễ
 của mỗi ngành Dao cũng mang những nét đặc trưng của riêng mình (Ảnh: Trần Đức Thắng).

 
Mỗi ngành Dao ở Tuyên Quang cư trú ở một vùng nhất định. Ngành Dao Đỏ cư trú chủ yếu ở huyện Na Hang, Chiêm Hóa; ngành Dao Tiền cư trú chủ yếu ở huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên; Dao Coóc Mùn cư trú chủ yếu ở huyện Yên Sơn, Sơn Dương; Dao Quần Chẹt cư trú chủ yếu ở huyện Sơn Dương; Dao Ô Gang, Coóc Ngáng, Thanh Y cư trú chủ yếu ở huyện Yên Sơn; Dao Quần Trắng cư trú chủ yếu ở huyện Hàm Yên, Yên Sơn; Dao Áo Dài cư trú chủ yếu ở huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa. Phong tuc tập quán nói chung, nghi lễ của dân tộc Dao nói riêng là yếu tố quan trọng phản ánh trình độ phát triển tộc người và tạo nên bản sắc văn hóa, đóng góp quan trọng vào kho tàng chung của bản sắc văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang.

Nếu truyện Bàn Hồ liên kết toàn bộ cộng đồng dân tộc Dao thì một số tín ngưỡng và thực hành tôn giáo nhuốm màu sắc đạo giáo cũng góp phần củng cố thêm ý thức tự giác tộc người của người Dao. Nội dung đạo giáo đã được người Dao tiếp thu và biến hóa đi rất nhiều, nói cách khác, Đạo giáo đã sử dụng các tín ngưỡng và hành vi tôn giáo sâu sắc nhất vốn có ở người Dao và đưa vào đó một tín ngưỡng mới.

Sự ra đời của một con người là một việc lớn, nhất là trong hoàn cảnh một tộc người xưa, việc hữu sinh vô dưỡng là phổ biến. Do đó, theo tục lệ xưa, thường sau khi sinh nở 3 ngày, đứa con được làm lễ cúng Mụ, đặt tên. Nhưng sự ra đời của một con người không quan trọng bằngkhi chúng đến tuổi thành đinh và trở thành một con người xã hội. Vấn đề này được thể hiện trong một nghi thức rất phổ biến của dân tộc Dao, đó là Lễ cấp sắc. Người thanh niên qua lễ cấp sắc (tuổi được cấp sắc thường là từ 12 đến 18, tùy theo mỗi ngành Dao) mới được nhận tín đồ Đạo giáo, được thánh thần công nhận, được cấp âm binh, tu luyện pháp thuật, khi sống làm ăn, sinh hoạt được may mắn; lúc chết mới được về với tổ tiên nơi Dương Châu, không phải xa xuống địa ngục. Người thanh niên phải qua lễ cấp sắc mới được coi là người đã trưởng thành, mới có thể dạy chữ, dạy cúng, làm nghề thầy cúng (người Dao coi trọng những người làm nghề dạy học, làm thầy cúng, thầy thuốc). Người con trai nào không được cấp sắc thì dù chết già cũng không được về với tổ tiên và lúc sống không được thờ cúng cha mẹ, không được công nhận là con cháu Bàn Vương.

Trong một số bài viết trước, đã nêu khá chi tiết về Lễ cấp sắc, trong bài viết này chúng tôixin được đề cập một vấn đề sâu hơn, đó là sự tương đồng và khác biệt trong lễ cấp sắc của các ngành Dao ở Tuyên Quang. Qua khảo sát điền giã, nghiên cứu và so sánh về các lễ cấp sắc của người Dao tại một số xã có đông người Dao sinh sống, cho thấy một số nét tương đồng, khác biệt và đặc sắc trong lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang, như sau: Về hình thức, trong 9 ngành Dao có thể chia làm 3 dạng tổ chức lễ cấp sắc, đó là: Cấp sắc trong nhà, ngoài trời, kết hợp với múa vui chơi và các trò diễn dân gian (Nghi lễ này được thực hiện ở các ngành Dao Thanh Y, Quần Trắng và Áo Dài); Cấp sắc trong nhà (Nghi lễ này được thực hiện ở các ngành Dao Tiền, Dao Coóc Ngáng); Cấp sắc trong nhà, ra ngoài trời gọi Ngọc Hoàng chứng giám sự trưởng thành cho người được cấp sắc (Nghi lễ này được thực hiện ở các ngành Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Coóc Mùn, Ô Gang).

Nghi lễ cấp sắc của các ngành Dao ở Tuyên Quang đa dang, phong phú và độc đáo. Không gian hành lễ của mỗi ngành Dao mang đặc trưng riêng, có những nét đặc sắc, khác biệt mà có thể nhận diện sự khác nhau giữa các ngành Dao trên đàn cúng, tranh thờ, nhạc cụ, lễ vật, trang phục của những người tham gia nghi lễ cấp sắc. Ở nhóm cấp sắc trong nhà, ngoài trời, kết hợp với múa vui chơi và các trò diễn dân gian: Nghi lễ này được các ngành Dao Thanh Y, Quần Trắng và Áo Dài thực hiện. Trong lễ cấp sắc, người con trai được cấp tên thánh, bản sắc phong được phân ra dương bản và âm bản, một đốt, một để lại đến khi chết chôn theo để về trình với tổ tiên. Sắc được thầy cúng viết bằng chữ Hán với nội dung: lai lịch của người được cấp sắc, nguyên do có lễ cấp sắc; những điều giáo huấn; họ, tên các thầy cúng và ấn tín do thầy cúng đóng vào đạo sắc. Trong buổi lễ có tục người chịu lễ giả chết, với ý nghĩa là cuộc đời của đứa con do cha mẹ sinh ra đã chấm dứt. Người chịu lễ được nằm gọn trong chiếc võng - biểu tượng của chiếc bao thai - sau đó đầu thai lần thứ hai.

 Cấp sắc ngoài trời được tiến hành ngoài phạm vi ngôi nhà. Một đàn lễ được dựng cách nhà không xa lắm. Người thụ lễ được đưa lên đàn và anh ta phải ngồi ở tư thế bào thai trong bụng mẹ, mặt luôn hướng về phía đàn (hướng nam). Người thụ lễ phải thực hiện động tác ngã từ trên đàn xuống và sau đó phải giả vờ chết. Lúc này các thầy cúng mang 2 đạo sắc đã viết sẵn có ghi ngày tháng năm làm lễ và đóng ấn vào đó. Người được cấp sắc khi đã được khai đèn, tẩy rửa hết những dơ bẩn, con người trở nên trong sáng, sạch sẽ, được cấp đạo sắc, đóng ấn và được thầy cúng - với vai trò như người cha bón cho những miếng cơm đầu tiên, dạy uống nước, rồi dần dần dạy múa, thực hiện các động tác trong nghi lễ, học lời cúng…

Trong lễ cấp sắc của người Dao Áo Dài, điểm nổi bật trong nghi lễ có chi tiết là các lần trình báo tổ tiên về tiền bạc dùng trong nghi lễ đều do người phụ nữ (mẹ của người được cấp sắc) chuẩn bị để thầy cúng trình báo tổ tiên. Điều này phần nào cho thấy, người phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong gia đình về kinh tế. Trong nghi lễ có nhiều điều thiện: Thầy cúng luôn mong muốn những điều tốt lành cho người được cấp sắc, như cấp sắc lệnh, giao âm binh, san sẻ đồng xu… cho người được cấp sắc phần nhiều, thể hiện mong muốn sự mạnh khỏe, trường thọ. Trước đây, lễ cấp sắc thường kéo dài hàng tuần, nay để phù hợp với điều kiện kinh tế, đồng bào tổ chức lễ rút gọn lại chỉ còn một nửa thời gian. Các nghi lễ vẫn đúng trình tự, các bài cúng đều xướng lên những phần quan trọng, nhữngphần không quan trọng thì dùng ấn lướt qua, coi như đã đọc. Trong lễ cấp sắc, không gian lễ như một thế giới thu nhỏ, có lẽ họ cũng quan niệm rằng ở thế giới của tổ tiên, thánh thần cũng như cuộc sống hàng ngày của họ, cũng phải ăn, phải mặc, phải lao động. Cho nên không gian cúng cũng được thể hiện như một thế giới của người đang sống (2 đàn cúng đối diện nhau, một bên là thần thánh, một bên là tổ tiên, tổ tiên cũng có nhà cửa để ở, chuồng trại để chăn nuôi…). Trong nghi lễ có diễn trò dân gian. Bước đầu khảo sát cho thấy có phảng phất tín ngưỡng phồn thực. Vấn đề này có cơ sở để suy luận vì họ là một nhóm dân tộc có số lượng người ít, việc mong muốn có đông con nhiều cháu là tất yếu. Đây là một trong những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

 Người được cấp sắc, lệnh, binh mã, đồng thời được răn dạy 10 “điều”: Ăn ở phải khiêm tốn; Đi đường (đội nón), gặp ai phải ngả nón chào; Không được ngả cây cối, phá rừng; Phải thật thà khiêm tốn; Không ăn trộm, ăn cắp, không có thì phải xin; Phải giúp đỡ mọi người khi hoạn nạn; Phải kính trên nhường dưới; Ai nhờ việc gì thì phải tận tình giúp, không được tính công; Phải trông nom nhà cửa, vợ chồng thuận hòa, chăm lo dạy con cái; Phải kế tục sự nghiệp, không bỏ tập quán của dân tộc mình.

Người Dao Quần Trắng cũng cấp sắc theo trình tự như vậy, nhưng không gian nghi lễ được phân biệt rõ rệt, bởi việc cấp sắc theo Tam Thanh và Tam Bảo, phân biệt bằng 2 đàn cúng riêng với hệ thống tranh thờ rất rõ ràng. Hiện nay, các trò diễn dân gian trong nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Trắng đã mai một, không còn duy trì trong nghi lễ.

 Khác với đồng bào Dao Áo Dài, Thanh Y, Quần Trắng, các ngành Dao: Dao Đỏ, Quần Chẹt, Coóc Mùn, Ô Gang chỉ làm lễ cấp sắc trong nhà, sau đó ra ngoài trời gọi Ngọc Hoàng xin chứng giám sự trưởng thành cho người được cấp sắc. Cấp sắc là một nghi lễ bắt buộc đối với người đàn ông các ngành Dao nêu trên. Đây là một nghi lễ phong phú, trong đó có những phong tục, tín ngưỡng là một hiện tượng tổng hợp những loại hình múa, nhạc, lễ, đặc biệt là những bài cúng đọc từ các sách đã được quy định từ lâu đời, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao. Khi đã trưởng thành, lập gia đình và phải được cấp sắc thì mới có tên bên âm, được phép cúng thánh thần, tổ tiên và điều quan trọng là khi đó mới được công nhận là người đàn ông trưởng thành…Vì vậy, trong truyền thống, dù có khó khăn đến mấy, người Dao cũng phải thực hiện cho được lễ cấp sắc.

 Khác với các hình thức nêu trên, các ngành Dao này chỉ thực hiện lễ cấp sắc khi người đàn ông đã có vợ. Sau khi thực hiện các nghi lễ cấp sắc, vợ chồng người đàn ông được các thầy cúng đưa ra ngoài sân để gọi Ngọc Hoàng xin chứng giám cho người đàn ông đã trưởng thành và làm chứng cho sự kết duyên của đôi vợ chồng, cầu xin cho họ hạnh phúc, yêu thương nhau và hòa thuận.

 Trong nghi lễ cấp sắc, nét nổi bật của các ngành Dao Quần Chẹt, Dao Coóc Mùn, Dao Ô Gang là kết hợp trong nghi lễ có các điệu múa diểu đèn, lạm miên và đặc biệt là sự xuất hiện của 3 đôi nam nữ mặc trang phục nghi lễ, hát đối đáp trong lễ cúng tạ ơn thần thánh, tổ tiên.

 Ấn tượng trong nghi lễ cấp sắc của người Dao Đỏ không chỉ thấy trên màu sắc trang phục, mà trong nghi lễ thể hiện rõ nét sự phong phú trong các điệu múa nghi lễ. Bước đầu chúng tôi khảo sát và mô tả được 10 điệu múa của ngành Dao Đỏ ở thôn Khau Hán, xã Bình Phú (Chiêm Hóa), đó là múa: Páo hung (thắp hương); Điếu phó miên (báo tổ tiên); Pàm thing dung (kể nguồn gốc tổ tiên); Biến sinh (hóa thân); Thín dìa (mời tổ tiên ăn cơm); Siều chây (hát múa cho tổ tiên xem và nghe); Quá tăng (cấp đèn); Vầy tăng (đưa đèn lên cây); Ló tồ (múa ba ba); Tò sày có hiểu lùng ( mời Ngọc Hoàng).

 Nhóm thực hiện nghi lễ cấp sắc trong nhà tưởng chừng như đơn giản hơn, nhưng thực tế lại ẩn chứa những nét độc đáo. Nghi lễ này được thực hiện ở các ngành Dao Tiền,Dao Coóc Ngáng. Trong lễ cấp sắc, người Dao Coóc Ngáng phải cấp 3 đèn rồi mới được cấp 7 đèn, cuối cùng là 12 đèn. Khi cấp 12 đèn, phải làm một cầu thang 12 bậc bằng dao (lưới dao phải được mài thật sắc). Sau đó thầy cúng đi trước hai tay đỡ lưỡi cày đã được nung đỏ trèo lên cầu thang có 12 con dao, người được cấp sắc đi sau, lên đến đỉnh thì thổi tù và mời Ngọc Hoàng xuống chứng kiến phong cấp cho người ấy, rồi đóng dấu, đốt sớ cho người được cấp sắc. Trong lễ cấp sắc có các điệu múa, với những động tác điêu luyện, thể hiện quá trình chinh phục thiên nhiên, miêu tả đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất, tất cả toát lên vẻ đẹp, khát vọng của đồng bào trong việc chinh phục thiên nhiên, làm ra của cải vật chất, bảo tồn và phát triển nòi giống đối với một dân tộc có số người ít. Tuy nhiên, đáng tiếc là lễ cấp sắc, đặc biệt là cấp sắc 12 đèn của dân tộc Dao Coóc Ngáng đến nay đã bị mai một, không còn duy trì.

 Trong không gian nghi lễ cấp sắc của người Dao có các điều răn dạy được linh thiêng hóa và trở thành những giá trị đạo đức mà con người phải giữ gìn, phấn đấu. Các nội dung thể hiện trong đạo sắc đều hướng con người tới cái thiện. Đó là sự kính trọng tổ tiên, thần thánh, biết ơn cha mẹ, thủy chung với bạn bè, sống chân thành, không lừa lọc, không dâm đãng, phải có lòng dũng cảm, biết trọng nghĩa, ngay cả việc con người chấp hành luật lệ cũng được đề cập tới. Trong Bình Hoàng khoán điệp có ghi “Con cháu Bàn Vương không được gây tai họa, phải tôn trọng luật lệ. Nêu không tuân theo pháp chế đều đưa ra quan trị tội”.

Với truyền thống giáo dục mang tính tộc người, trong đó có một phần tham gia của tục lệ cấp sắc đã tạo nên sự đằm thắm, thận trọng, kín đáo của người Dao. Gạt bỏ những hạn chế là sự tốn kém, lãng phí tiền của và thời gian, ta thấy lấp lánh những giá trị nhân bản của nó, đó là nội dung mang tính giáo dục của lễ cấp sắc có ý nghĩa, phù hợp với tinh thần “Tiên học lễ hậu học văn” mà nền giáo dục hiện đại đang rất coi trọng.

 Bên cạnh những ý nghĩa nêu trên, trong lễ cấp sắc của đồng bào Dao ở Tuyên Quang còn chứa đựng những điệu múa, bài hát, trò diễn dân gian…đã gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Dao từ bao đời nay, là sản phẩm tinh thần quý báu cần được tôn trọng, giữ gìn và tiếp tục phát triển. Trong những năm gần đây, lễ cấp sắc của người Dao đã được các đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản, xã khai thác dàn dựng thành các tiết mục văn nghệ, góp một phần rất quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy và phát triển giá trị văn hóa phi vật thể nghi lễ cấp sắc.
 
Theo tuyenquang.gov.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đóng góp tích cực của Hội Nghệ nhân dân gian xã Bằng Lang

BHG - Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống (VHTT) đặc trưng và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, những năm gần đây, xã Bằng Lang (Quang Bình) đã đẩy mạnh hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG). Từ khi ra đời đến nay, Hội đã thực sự trở thành "cầu nối" trong việc bảo tồn, phát huy và lưu truyền các nét đẹp văn hóa dân tộc tại địa phương. 

16/09/2017
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cờ Lao thông qua Lễ hội văn hóa truyền thống

BHG - Hà Giang có 6/16 dân tộc dưới 10.000 người trong cả nước, gồm các dân tộc Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá và Pà Thẻn. Các rất tộc ít người được Đảng, Nhà nước quan tâm, phát triển thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc... 

16/09/2017
Chung tay vì niềm tự hào Công viên đá!

BHG - Qua hơn 7 năm, từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC), Công viên đá đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. 

16/09/2017
Hoàng Su Phì sẵn sàng cho tuần văn hóa du lịch năm 2017

BHG- Những ngày này, các địa phương trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đang gấp rút hoàn thành các công việc chuẩn bị cho "Đại hội thể dục thể thao các dân tộc toàn huyện lần thứ VI" và "Tuần văn hóa du lịch năm 2017".

14/09/2017