Quản Bạ chung tay phát triển du lịch
BHG - Cách trung tâm thành phố Hà Giang gần 50 km về phía Bắc, Quản Bạ như một “Đà Lạt thu nhỏ” giữa Cao nguyên đá với quanh năm thời tiết mát mẻ, khí hậu trong lành, thiên nhiên tươi đẹp. Tận dụng những lợi thế này, huyện Quản Bạ đã có những phương hướng cụ thể để phát triển “ngành công nghiệp không khói”, cùng chung tay đưa du lịch huyện phát triển một cách bền vững.
Là huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét đặc trưng riêng về văn hóa, tập tục, tín ngưỡng. Ở Quản Bạ, người ta mới thấy rõ nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao qua tiếng hát giao duyên, tiếng hát Then của dân tộc Tày, Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Nùng. Cũng tại đây, các sản phẩm nổi tiếng như rượu ngô Thanh Vân, hồng không hạt, thảo quả được du khách đặc biệt yêu thích. Đặc biệt là những sản phẩm thổ cẩm dệt bằng lanh được làm ra từ bàn tay khéo léo, điêu luyện của các chị, các mẹ được đón nhận nồng nhiệt. Bằng nhiều hình thức quảng bá, hiện nay, hầu hết các địa điểm du lịch, các sản vật địa phương của Quản Bạ đều được quảng bá rộng rãi, đông đảo du khách biết đến.
Trong sự thành công của ngành du lịch Quản Bạ luôn có sự chung tay của cả huyện. Du lịch là ngành đặc thù, chịu ảnh hưởng của nhiều ngành nghề, yếu tố khác như kinh tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng. 6 tháng đầu năm, du lịch Quản Bạ gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên còn nhiều hạn chế như mưa, bão xảy ra liên miên, các hoạt động văn hóa tập trung chủ yếu vào 6 tháng cuối năm,... Nên lượng khách giảm hơn 20 nghìn lượt so với cùng kỳ năm ngoái. Nhận thấy rõ điều này, huyện đã xây dựng những kế hoạch cụ thể, phối hợp với Đoàn thanh niên các xã, thị trấn tiến hành dọn dẹp vệ sinh. Bên cạnh đó cũng có phương án chỉ đạo các phòng, ban cùng phối hợp trùng tu, xây dựng mới thêm các công trình phục vụ mùa du lịch; cùng Trung tâm văn hóa tuyên truyền qua các trang thông tin, các hoạt động văn hóa, thông qua đó giới thiệu về con người, văn hóa của huyện... Các đội nghệ nhân dân gian, Hội nghệ nhân dân gian cũng được chú trọng đào tạo để phục vụ quảng bá văn hóa với du khách. Phát triển các dịch vụ du lịch tại các chợ phiên như bày bán các sản vật, các sản phẩm địa phương,... Đặc biệt, chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động nhân dân cùng làm du lịch, vận động bà con tham gia bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc để phục vụ phát triển du lịch. Hiện nay, một số địa điểm du lịch nổi tiếng như Cổng trời Quản Bạ, Thạch Sơn thần, hang Lùng Khúy, núi Đôi, những làng nghề truyền thống,... đều được chỉnh trang, tu sửa và nâng cấp cơ sở vật chất, sẵn sàng cho một mùa du lịch mới.
Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Quản Bạ, ông cho biết: “Hiện nay, huyện đang tiến hành tập trung trùng tu lại các khu làng văn hóa, các địa điểm du lịch chính. Trong thời gian tới sẽ là thời điểm du lịch huyện phát triển mạnh mẽ, nên chúng tôi có đề ra 4 phương án cụ thể. Đó là: tiếp tục trồng hoa Tam giác mạch phục vụ lễ hội; ra mắt làng nghề ẩm thực; ra mắt khu du lịch cộng đồng ở xã Quyết Tiến; tập trung phát triển Làng du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, trùng tu hang Lùng Khúy. Để hoàn thành tốt các phương án đề ra, hiện nay phòng văn hóa đã phối hợp với các phòng, ban khác để đạt kết quả cao nhất. Để Quản Bạ trở thành một điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện, là cửa ngõ đón chào du khách đến với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn”.
Du lịch không thể phát triển đơn độc. Nó cần sự chung tay của cộng đồng. Xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững là hướng đi của ngành du lịch huyện để cùng đẩy mạnh du lịch tỉnh. Với sự chung tay của toàn huyện, tin rằng Quản Bạ sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước; văn hóa, con người nơi đây sẽ được biết đến rộng rãi hơn, thúc đẩy huyện phát triển một cách toàn diện.
My Ly
Ý kiến bạn đọc