Người phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi

06:37, 23/09/2017

BHG- Tôi còn nhớ, trong Đại hội Hội Phụ nữ toàn tỉnh Hà Giang, nhiệm kỳ 2016-2020, tôi rất chú ý bản báo cáo tham luận điển hình tiên tiến trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình của chị Phàn Thị Thủy, dân tộc Dao, thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc. Chị là một trong 22 điển hình tiên tiến cho tập thể và cá nhân được báo cáo thành tích trước đại hội. Mặc dù đọc báo cáo chưa lưu loát, cách diễn đạt chưa biểu cảm, nhưng qua những con số biết nói trong báo cáo, chị luôn được đại biểu vỗ tay tôn vinh.

Trong giờ giải lao tại đại hội, tôi đến bên chị trò chuyện. Trông chị thật giản dị, mộc mạc, lời nói của chị cũng như con người của chị. Trò chuyện lâu tôi nhận ra trong con người chị có một nghị lực, thông minh, có cá tính và có khát khao ước mơ. Tôi bỗng liên tưởng con người của chị giống như một loại cây đặc trưng trên cao nguyên đá – đó là cây sa mu – một loại cây lẫy gỗ, sống được hàng trăm năm, đường kính vài người ôm, chỉ biết vươn thẳng lên trời cao, bất chấp phong ba, mưa lũ, giá lạnh – luôn là biểu tượng cho sức sống kỳ diệu của người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Năm 1986, bước vào tuổi ngoài 20 chị lấy chồng cùng quê. Quê chị ở Mèo Vạc - vùng Cao nguyên đá chập chùng đá tai mèo. Đá ngút ngát, không có chỗ cho đất, cỏ cây chen vào. Thời tiết khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá, sương mù, thiếu nước ăn khoảng 7, 8 tháng; không có nước cho sản xuất... Đường giao thông đi lại cheo leo vách đá, vô cùng khó khăn... Cuộc sống của đồng bào ở đây chỉ trông vào trồng cây ngô và ít diện tích lúa, đất đai sản xuất rất ít, nên chưa bao giờ đủ lương thực ăn trong năm. Vào mùa giáp hạt, 2 vợ chồng chị thiếu ăn khoảng 3 tháng. 3 tháng ấy trông vào đâu? Cái gì?. Đó là câu hỏi như chưa có lời giải cho rất nhiều gia đình ở cái xã đá núi chập chùng này.

Và chính ở cái nghị lực sống, biết khát khao ước mơ, không bằng lòng với cái mình có, sau nhiều tháng, năm tìm tòi, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Hội phụ nữ huyện, xã, thôn trong việc tuyên truyền cho phụ nữ nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế gia đình. Con đường xóa đói, giảm nghèo không thể chỉ là trông vào vườn ngô trên núi đá, thửa ruộng một vụ bấp bênh, mà phải là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo cho cây trồng, vật nuôi có năng suất cao lên. Muốn làm được những điều đó cần phải có vốn (tiền) để đầu tư sản xuất. Tin ở chính mình. Tin ở tổ chức Hội phụ nữ giúp đỡ. Tin ở chị em bè bạn. Năm 2000 chị Phàn Thị Thủy được tổ chức Hội cho vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi của Chính phủ (nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội) để phát triển kinh tế. Chị bàn với chồng mua 2 con bò sinh sản. Trong quá trình nuôi bò, chị đã tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật chăm sóc nuôi trâu, bò. 2 con bò của gia đình chị lớn nhanh, khỏe mạnh. Mỗi năm sinh được 2 con bê, cho gia đình chị thu nhập 15 triệu đồng. Chị kể: Khi bán con bò đầu tiên, cầm chục triệu trên tay chị hồi hộp quá, còn run nữa. Đời chị chưa bao giờ được cầm trên tay vài triệu đồng tiền mặt, nên số tiền chục triệu đối với chị là to lớn, quý trọng. Chị dằn lòng đem trả lãi và gốc cho ngân hàng luôn, phần còn lại chị tiếp tục đầu tư nuôi thêm trâu sinh sản. Và cứ thế, đàn bò, trâu của gia đình chị mỗi năm một tăng lên. Chị đem bán và lại có tiền trả nợ vay ngân hàng, trang trải cuộc sống, sinh hoạt gia đình. Chị bảo: Cũng may cho nhà em, chăn nuôi bò, trâu con nào cũng khỏe mạnh, béo tròn, đẹp, gọi bán là có người mua ngay, có khi họ còn tranh nhau nâng giá mua bò của em lên. Nghe những lời nói mộc mạc chân thành của chị, tôi nói vui: Chắc là ông trời thương chị nên phù hộ đấy! Chị Thủy che miệng bảo: Làm gì có ông trời, em có nhìn thấy ông trời bao giờ đâu. Chỉ nhìn thấy Hội phụ nữ các cấp, ngân hàng giúp đỡ em phát triển kinh tế mới có như thế đấy. Những lời nói của chị thật chứa chan tình người niền núi, mộc mạc chân thành như cây sa mu miền đá.

Làm ăn đúng là có cơ có vận, nếu biết tận dụng cơ, vận sẽ phát triển rất tốt. Chị Phàn Thị Thủy  là người như thế đó. Qua nhiều năm tích lũy, năm 2013 chị Thủy mạnh dạn vay 42 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội  để đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả... (Trong đó có 3 con ngựa bạch, 11 con lợn 150 con gà xương đen, trồng 15 ha rừng cây sa mộc, 5 ha cỏ chăn nuôi, 2 ha chè, chuối tiêu 500 cây, 1,6 ha lúa, 2,6 ha ngô, 1 ha mía...). Ngoài ra, chị còn kinh doanh thêm hàng tạp hóa, nấu rượu ngô men lá...

Nghe chị kể, tôi thấy hoa cả mắt, ngỡ mình nghe nhầm chăng?. Một phụ nữ nhỏ nhắn, lại ở môi trường chưa va chạm kinh tế, nhất là quản lý kinh tế đa dạng, lại mới bắt đầu làm ăn, ở một thôn miền núi, hẻo lánh, sâu, xa đang ở dạng nhỏ... Vậy mà dám bắt tay vào phát triển kinh tế tổng hợp với số vốn đầu tư hàng chục triệu đồng, quả là mạo hiểm? Nhưng chị cười bảo: Em đã có chồng em hỗ trợ, giúp đỡ công việc thường xuyên, có anh em người thân trong gia đình; đặc biệt là có Hội phụ nữ xã, thôn, có các anh kỹ thuật trên huyện, xã hỗ trợ, chỉ bảo về kỹ thuật chăm sóc... Nên trong quá trình phát triển kinh tế gia đình tương đối thuận lợi... Từ số vốn ban đầu khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình, chỉ có 10 triệu đồng vay Ngân hàng, sau 10 năm gia đình chị Phàn Thị Thủy đã có số vốn gần 300 triệu đồng. Đời sống của gia đình chị Thủy đã khá lên rất nhanh, chị xây được nhà kiên cố; xây dựng được trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt, cuộc sống gia đình. Và điều quan trọng là chị đã trả đầy đủ toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi Ngân hàng.

Làm kinh tế giỏi, miệng nói tay làm, uy tín của chị lan tỏa trong chị em phụ nữ xã, huyện Mèo Vạc, trong nhân dân. Chị Thủy được được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn từ năm 1996 đến nay. Chi Thủy đã không ngừng phát huy những kết quả đạt được từ gia đình mình, đem kinh nghiệm, kiến thức học được hướng dẫn , giúp đỡ chị em phụ nữ, bà con trong thôn, xã như: phát triển cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, tạo năng suất, hiệu quả cao trong sản xuất...

Từ hiệu quả ban đầu, chị đã truyền bảo, giúp đỡ cho hơn 30 hộ nghèo trong thôn, xã nuôi bò giẽ, trâu giẽ, giống lợn, giống cây trồng, phân bón... Nhiều gia đình nghèo đến nay đã thoát nghèo rồi. Chị nói: Vui lắm. Em sẽ cố gắng động viên chị em giúp nhau để cùng xóa đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thực hiện đúng 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân Hà Giang khi Người lên thăm tỉnh nhà.

Với những thành tích đạt được, chị Phàn Thị Thủy được vinh dự đi dự Hội nghị biểu dương phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc làm kinh tế giỏi, do Ban Chỉ đạo Tây Bắc  phối hợp với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Nghệ An; dự Hội nghị biểu dương gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Hà Giang; được UBND tỉnh Hà Giang công nhận đạt tiêu chuẩn Hộ nông thôn mới; được các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen...

Tôi hỏi chị: Chắc bây giờ chị đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý và thực hiện phát triển kinh tế gia đình lắm rồi. Chị cho chúng tôi biết với! Chị Phàn Thị Thủy bảo: Kinh nghiệm chẳng biết nói thế nào cho đúng.  Em chỉ nghĩ mình phải tự tin, mạnh dạn dám làm, nếu chưa được lần này thì làm tiếp lần nữa. Làm cái gì cũng vậy phải được học tập, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao kiến thức, nhận thức cho đúng; biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới cho hiệu quả cao. Phải biết phát huy những gì gia đình mình có, đồng thời mạnh dạn vay vốn Nhà nước để đầu tư, không nên trông chờ, ỷ lại hoặc chùn bước trước khó khăn. Đặc biệt là phụ nữ không được tự ti, phải dám nghĩ, dám làm... Chị Thủy còn cho biết: Thời gian tới gia đình chị sẽ tiếp tục phát triển trồng rừng cây sa mộc, trồng ngô, lúa, khoai lang; mở rộng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, bò, trâu, dê; xây hầm biogas; đầu tư máy sao chè để phát triển kinh tế gia đình và giúp các hộ nghèo nuôi bò, trâu giẽ, hỗ trợ chị em vay vốn, giống cây trồng, vật nuôi và phân bón để xóa đói giảm nghèo.

Chia tay người phụ nữ dân tộc ở một thôn vùng cao xa xôi, hẻo lánh Mèo Vạc – một tấm gương phát triển kinh tế gia đình rất thành công và có nhiều đóng góp cho xã hội, cho nhân dân, trong lòng tôi rất kính trọng chị và tổ chức Hội Phụ nữ xã, những người đã giúp chị, chỉ ra cho chị con đường sáng để xóa đói giảm nghèo ở một vùng nông thôn, dân tộc với bao khó khăn thách thức. Chị là bài học cho chúng ta trong cuộc sống phải biết tự tin, dám nghĩ dám làm, khát khao ước mơ, tin ở thắng lợi ngày mai dẫu hôm nay đang thất bại. Không có điều gì bất ngờ và lạ cả. Bởi chị là phụ nữ Việt Nam, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu!

Ký: Đặng Vượng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lễ ký kết Chương trình Chung tay Hỗ trợ giáo dục đào tạo cho con em đồng bào vùng cao

BHG - Chiều 21.9, Sở GD&ĐT tỉnh, Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên đã tiến hành ký kết Chương trình chung tay Hỗ trợ giáo dục đào tạo cho con em đồng bào vùng cao. Dự buổi lễ có đại diện Văn phòng UBND tỉnh.

21/09/2017
Sở GD&ĐT tỉnh chấn chỉnh các hoạt động thu, chi trong các cơ sở giáo dục

BHG - Sở GD&ĐT tỉnh ta vừa có Công văn số 1060/SDGĐT-TTr ngày 11.9.2017 gửi các huyện, thành phố, các phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các trường trực thuộc Sở GD&ĐT về việc chấn chỉnh hoạt động thu, chi các khoản đóng góp ủng hộ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

20/09/2017
Mèo Vạc sẽ tổ chức Lễ hội Bò vàng lần thứ nhất

BHG - Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống; tôn vinh và quảng bá sản phẩm đặc sản Bò vàng của địa phương, huyện Mèo Vạc đang nỗ lực chuẩn bị tổ chức Lễ hội Bò vàng lần thứ nhất - năm 2017.

20/09/2017
Quản Bạ chung tay phát triển du lịch

BHG - Cách trung tâm thành phố Hà Giang gần 50 km về phía Bắc, Quản Bạ như một "Đà Lạt thu nhỏ" giữa Cao nguyên đá với quanh năm thời tiết mát mẻ, khí hậu trong lành, thiên nhiên tươi đẹp. Tận dụng những lợi thế này, huyện Quản Bạ đã có những phương hướng cụ thể để phát triển "ngành công nghiệp không khói", cùng chung tay đưa du lịch huyện phát triển một cách bền vững.

19/09/2017